Tài Chính

Chứng khoán “giảm bệnh” khi siết cách ly

Khổng Hiệp Thứ Sáu | 03/04/2020 14:00

Nguồn ảnh: QH

Khi các lệnh phong tỏa và cách ly được siết chặt, chứng khoán thế giới đã hồi phục đáng kể.
Nguồn ảnh: QH

Cùng với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán các nước đều rớt tệ hại từ 20-40% trong 2 tháng qua. Chính phủ các quốc gia đã triển khai các gói hỗ trợ kinh tế cùng các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại, phong tỏa để kiềm chế dịch bệnh. Và có một điều đặc biệt là hầu như ở các nước, sau khi lệnh cách ly, phong tỏa có hiệu lực đến nay, chỉ số chứng khoán các quốc gia đều cho tín hiệu khả thi tương ứng.

Đầu tiên, không thể không nhắc tới là Trung Quốc, theo Worldometers, Trung Quốc được cho là xuất hiện bệnh nhân đầu tiên từ rất sớm, từ ngày 10.1 và số ca bệnh nhanh chóng vượt con số 1.000. Chỉ sau chưa đầy 2 tuần, ngày 23.1, Trung Quốc đã phong tỏa 3 thành phố, bao gồm Vũ Hán, Hoàng Cương và Ngạc Châu. Ngày giao dịch chứng khoán đầu tiên thị trường rớt thê thảm nhưng ngay sau đó đã tăng 9% trong 1 tháng.

Sau đó đến Hàn Quốc, Iran, Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Nếu tính từ thời điểm các lệnh phong tỏa, đóng cửa có hiệu lực đến ngày 1.4, thị trường chứng khoán các nước này đều tăng từ 7-11% sau chuỗi ngày giảm thê thảm trước đó.

Chẳng hạn, kể từ ngày 22.3, Hàn Quốc áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn COVID-19. Người dân được khuyến cáo nên ở nhà, trừ trường hợp cần thiết hoặc đi làm, trong khi chính phủ nước này cấm tụ tập vì mục đích tôn giáo, hoạt động thể thao trong nhà và các cơ sở giải trí. Kể từ đó đến ngày 1.4, chỉ số KOSPI 50 tăng khoảng 11%. Từ tối ngày 23.3, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần. Đến ngày 1.4, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng 9%.

Gần đây là trường hợp của quốc gia Đông Nam Á - Thái Lan. Ngày 24.3, Chính phủ Thái Lan quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với COVID-19. Chỉ số chứng khoán SET của nước này đã tăng 6% tính đến ngày 1.4.

Chỉ có duy trường hợp ở Ý, ngày 9.3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thông báo toàn bộ nước Ý sẽ được đặt dưới lệnh phong tỏa cho đến đầu tháng 4. Tuy nhiên, khác với các trường hợp trên, chỉ số chứng khoán FTSE MIB của Ý tính đến nay lại giảm 7%.

Việt Nam áp dụng cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1.4 trên phạm vi toàn quốc. Trong 2 ngày 31.3 và 1.4, chỉ số VN-Index đã tăng gần 18 điểm (tương đương 2,7%) lên mức 680.23 điểm.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta, thị trường chứng khoán các nước chững lại đà giảm hoặc tăng cùng với mức độ siết chặt các biện pháp cách ly. Bởi vì nhà đầu tư kỳ vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát sau thời gian này. Và theo lý lẽ thị trường, thị trường giảm vì điều gì thì sẽ hồi phục vì điều ấy. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có nhiều đặc thù khác với các thị trường phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc… về độ lớn thanh khoản mỗi ngày, tỉ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân/tổ chức… Do đó, thị trường thường nhạy cảm hơn, nên có thể giảm mạnh hơn nhưng lại hồi phục chậm hơn các thị trường khác. 

Một lý do khác nữa cho những tín hiệu tích cực gần đây của thị trường Việt Nam là làn sóng mua lại cổ phiếu của chính ban lãnh đạo công ty cũng như các cổ đông lớn sau một loạt trường hợp bị “call margin”. 

Còn theo thông tin từ FiinGroup, trong tháng 3, cổ đông nội bộ các công ty trên sàn đã mua hơn 3.100 tỉ đồng. Tính riêng 3 ngày đầu tuần (30.3-1.4), các cổ đông nội bộ đã đăng ký mua vào 32,5 triệu cổ phiếu có giá trị gần 412,9 tỉ đồng. Nhóm này cũng có bán ra nhưng chủ yếu là liên quan đến giao dịch M&A nên theo FiinGroup, chúng không phản ánh nhịp đập của thị trường.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày