Tài Chính

Chứng khoán tăng, “bên thăng bên trầm”

Vũ Hoài Thứ Hai | 25/03/2024 14:30

Trong 1 năm qua, nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng bằng lần, giúp giá trị tài sản của nhà đầu tư gia tăng đáng kể. Ảnh: TL.

Dòng tiền thông minh đã có sự chọn lọc cổ phiếu theo từng ngành và từng doanh nghiệp cụ thể.
Trong 1 năm qua, nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng bằng lần, giúp giá trị tài sản của nhà đầu tư gia tăng đáng kể. Ảnh: TL.

Kể từ đầu tháng 3/2023 đến nay (tính đến hết phiên 20/3/2024), chỉ số VN-Index đã chứng kiến đà tăng mạnh mẽ khi tăng hơn 237 điểm, tương đương hơn 23,1%. Mặc dù thị trường chứng khoán đang trong đà tăng nhưng niềm vui lại không dành cho tất cả, khi dòng tiền phân hóa khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh “bên khóc bên cười”.
Thống kê của NCĐT cho thấy trong 1 năm qua, nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng bằng lần, giúp giá trị tài sản của nhà đầu tư gia tăng đáng kể. Điểm chung của những cổ phiếu này đa phần đều là các doanh nghiệp đầu ngành và sở hữu những “câu chuyện riêng”.

Đơn cử như nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán với sự bứt phá “bằng lần” trong năm qua khi các công ty chứng khoán được hưởng lợi trong bối cảnh lãi suất thấp, cùng với câu chuyện hệ thống KRX được đưa vào hoạt động và xa hơn là triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán. Chưa kể, khi thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán cũng hưởng lợi đáng kể.

 

Nhóm cổ phiếu “họ” Viettel với cặp đôi VTP và CTR cũng tăng lần lượt 286,1% và 127,2% trong 1 năm qua. Nếu như đà tăng của cổ phiếu CTR được thúc đẩy bởi chuyển đổi kinh tế số và xã hội (với tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt mức tăng trưởng hằng năm 22% giai đoạn 2019-2023) thì giá cổ phiếu VTP lại gắn liền với câu chuyện chuyển sàn. Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản cũng hưởng lợi khi dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào thị trường Việt Nam với hơn 4,29 tỉ USD sau 2 tháng đầu năm 2024.

Đà tăng tích cực của thị trường là vậy, nhưng dòng tiền trên thị trường thể hiện rõ sự phân hóa khi “ở bên kia bờ”, nhiều nhà đầu tư vẫn ngậm ngùi ôm lỗ. Nhiều cổ phiếu như FIR, ST8 hay HTP ghi nhận mức giảm mạnh từ 40% thậm chí trên 70% trong 1 năm qua. Hay chỉ xét trong rổ chỉ số VN30, đà phân hóa cũng rõ rệt khi nhiều cổ phiếu trong nhóm này như SAB, BCM, SSB hay VIC và VNM đều giảm giá.

Chia sẻ với NCĐT, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đánh giá, đà tăng của thị trường trong 1 năm qua đến từ 2 động lực chính. Một là mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Điều này ngược lại với giai đoạn cuối năm 2022 khi lãi suất tăng mạnh và mặt bằng lãi suất lên cao. Động lực thứ 2 đến từ sự kỳ vọng nền kinh tế đã ở đáy khoảng nửa đầu năm 2023, bắt đầu hồi phục từ nửa sau năm 2023 và khởi sắc rõ ràng hơn vào năm 2024. Trên cơ sở kỳ vọng nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thì dòng tiền thông minh cũng đã lựa chọn những ngành nghề, những cổ phiếu có triển vọng tích cực nhất, được hỗ trợ bởi đà phục hồi của nền kinh tế và xu hướng mặt bằng lãi suất thấp.

 

Nhận xét về xu hướng phân hóa của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, ông Đức Anh cho rằng, trong giai đoạn đầu tiên khi nền kinh tế khởi sắc, không phải tất cả ngành nghề, tất cả lĩnh vực hoặc các doanh nghiệp đều có sự phục hồi tương đồng nhau. Ngay cả trong một ngành nghề, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng phục hồi trước. Bởi vì họ có được sự vững vàng về tiềm lực tài chính, cũng như lợi thế cạnh tranh và những điều này được phản ánh trên thị trường chứng khoán.

Cũng theo ông Đức Anh, trong thời gian vừa qua dòng tiền có sự phân hóa và chọn lọc vào nhóm vốn hóa lớn, những ngành có triển vọng khởi sắc và hưởng lợi từ câu chuyện vĩ mô. Điều này khiến định giá của nhóm vốn hóa lớn hay những ngành đó không còn rẻ nữa. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể kỳ vọng vào sự bùng nổ của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ - nhóm tăng theo sau đà tăng của nhóm trụ cột. Xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu trụ cột có thể chững lại một chút, sau đó mới tiếp tục quay trở lại dẫn sóng. Và trong thời gian nhóm vốn hóa lớn chững lại thì nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có thể tăng, nhưng nhóm này rất khó có được đà tăng trưởng vượt bậc nếu không có dòng tiền đầu cơ mạnh mẽ như giai đoạn COVID-19.

Có thể bạn quan tâm:

Sóng “lạ” của USD


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày