Tài Chính

Cổ phiếu ngành phân bón đồng loạt "tăng tốc"

Kim Anh Thứ Hai | 02/11/2020 16:00

Nhà máy đạm Cà Mau. Ảnh: Thuvuinhanong

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 (2.11), nhóm cổ phiếu ngành phân bón đồng loạt tăng giá.
Nhà máy đạm Cà Mau. Ảnh: Thuvuinhanong

► Các doanh nghiệp phân bón có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2020 

Trong phiên giao dịch 2.11, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành phân bón ghi nhận mức tăng giá vượt trội so với thị trường chung, tiêu biểu như cổ phiếu DPM, DCM, BFC, SFG và VAF,...

Kinh doanh tích cực

Xét về kết quả kinh doanh, trong quý III/2020 vừa qua, các doanh nghiệp phân bón cũng đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội.

Phải kể đến đầu tiên là Đạm Cà Mau với khoản lãi gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Cụ thể trong quý III/2020, Công ty đạt hơn 2.019 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vào thời điểm cuối quý III, Đạm Cà Mau báo lãi sau thuế 102,4 tỉ đồng, gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều cổ phiếu ngành phân bón tăng mạnh trong phiên giao dịch 2.11 (cập nhật lúc 14h20). Ảnh: SSI.
Nhiều cổ phiếu ngành phân bón tăng mạnh trong phiên giao dịch 2.11 (cập nhật lúc 14H20). Ảnh: SSI.

Kết quả này đạt được phần lớn nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu đã vượt trên tốc độ tăng chi phí, kéo theo biên lợi nhuận gộp của Công ty cải thiện mạnh trong quý III. Biên lợi nhuận gộp quý III của Đạm Cà Mau đạt 12,7%, tích cực hơn nhiều so với mức hơn 8% trong quý III/2019.

Cũng ghi nhận mức độ tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2020 là Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ).

Trong quý III vừa qua, Đạm Phú Mỹ đạt hơn 1.954 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Công ty lại ghi nhận khoản lãi sau thuế hơn 182,6 tỉ đồng, gấp 2,9 lần quý III/2019.

 

Kết quả này đạt được là nhờ sự cộng hưởng giữa doanh thu và chi phí trong kỳ của Công ty. Bên cạnh việc tăng doanh thu thì các chi phí trong kỳ cũng giảm mạnh, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp giảm tới 21,67% (tương đương 24,9 tỉ đồng) trong quý III/2020.

Về kế hoạch kinh doanh, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu đạt 9.237 tỉ đồng doanh thu và 433 tỉ đồng lãi sau thuế trong năm 2020. 

Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam (HOSE: SFG) cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý III/2020 với khoản lợi nhuận hơn 292 triệu đồng, tích cực hơn rất nhiều so với khoản lỗ hơn 5,5 tỉ đồng hồi quý III/2019.

Giải trình về kết quả kinh doanh, Phân bón Miền Nam cho biết do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và những khó khăn chung của thị trường kinh doanh phân bón làm cho sản lượng tiêu thụ quý III/2020 thấp hơn 29,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, hoạt động tài chính lại đem về cho Công ty khoản thu nhập hơn 200 triệu đồng do chênh lệch tỉ giá, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, trong kỳ các chi phí của Công ty như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm lần lượt 17%; 42% và 3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tựu chung tác động của doanh thu và chi phí, kết quả kinh doanh của Phân bón Miền Nam đã có sự khởi sắc trong quý III/2020.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác trong ngành như Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) và Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển (HOSE: VAF) cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lần lượt là 7,2% và 12,5% trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ vọng từ chính sách thuế

Ngày 8.10, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.

 

Theo dự thảo Nghị quyết, mặt hàng phân bón sẽ được đánh thuế giá trị gia tăng ở mức 5% thay vì không chịu thuế như hiện tại. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất được hoàn thuế giá trị gia tăng cho chi phí đầu vào, làm giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, vốn đang không chịu thuế đầu vào và đầu ra, sẽ đánh mất lợi thế về thuế, qua đó giảm sức cạnh tranh so với hàng nội địa.

VNDirect đánh giá tích cực đối với ngành phân bón, nhờ động lực từ thay đổi chính sách. Tuy vậy, công ty chứng khoán này cho rằng tác động của chính sách mới lên các doanh nghiệp là khác nhau do sự khác biệt về cơ cấu chi phí và khả năng chuyển nghĩa vụ thuế vào giá bán cho khách hàng.

Theo đó, các công ty sản xuất phân ure có thể hưởng lợi nhiều hơn các công ty nhập khẩu và sản xuất NPK. Theo VNDirect ước tính, chi phí thuế giá trị gia tăng chiếm tỉ trọng lớn hơn trong giá vốn hàng bán của các nhà sản xuất ure (như DPM, DCM) do hơn 50% nguyên liệu đầu vào phải chịu thuế giá trị gia tăng, trong khi phần lớn nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất NPK hiện được miễn thuế. Thêm vào đó, thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho nguyên liệu đầu vào ure (khí, phụ gia) là 10%, cao hơn mức 5% áp dụng cho nguyên liệu đầu vào của phân lân (quặng apatit, serpentin), do đó khoản khấu trừ cho ure sẽ cao hơn. Rủi ro giảm giá là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ làm giảm lợi ích từ việc thay đổi chính sách.

Bên cạnh những lợi ích về giảm chi phí vốn, VNDirect đánh giá việc áp 5% thuế giá trị gia tăng có tác động đến dòng tiền của các nhà sản xuất phân bón dựa trên kế hoạch năm 2020. Nếu giả định toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu ra được chuyển qua khách hàng, dòng tiền của các doanh nghiệp phân bón sẽ cải thiện bằng đúng phần khấu trừ thuế đầu vào.

* Có thể bạn quan tâm 

►Doanh nghiệp phân bón hưởng lợi ra sao nếu áp thuế giá trị gia tăng 5%?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày