Tài Chính

Dự phòng cho nợ xấu

Hà Linh Thứ Hai | 11/03/2024 07:30

Dù đạt lợi nhuận cao, ngân hàng cũng phải dự phòng lớn. Ảnh: Quý Hòa

Nợ xấu vẫn là mối lo của ngành ngân hàng, nhất là khi nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024.
Dù đạt lợi nhuận cao, ngân hàng cũng phải dự phòng lớn. Ảnh: Quý Hòa

Nợ xấu là một trong những vấn đề nhức nhối của các ngân hàng trong năm 2024 khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và thị trường bất động sản chưa phục hồi. Đặc biệt là những khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước sẽ hết hạn vào ngày 30/6.

Đỉnh mới của nợ xấu

Tình hình kinh tế khó khăn chung trong năm 2023 đã tạo áp lực không hề nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp, hệ quả là nợ xấu có xu hướng leo thang trong toàn ngành ngân hàng. Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy tính đến 31/12/2023 tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng là 194.994 tỉ đồng, tăng gần 41% so với đầu năm. Ngoại trừ VBB (-11%) có chất lượng nợ vay cải thiện, các ngân hàng còn lại đều có nợ xấu phình to, một số ngân hàng còn tăng bằng lần.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của TPBank, mặc dù Ngân hàng ghi nhận tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh, song lợi nhuận ròng lại giảm hơn 67% so với cùng kỳ năm 2022. Đà giảm lợi nhuận ròng trong quý IV của TPBank kéo theo lợi nhuận ròng cả năm 2023 giảm 28,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nguyên nhân chính đến từ chi phí dự phòng trong quý IV cao gấp 17 lần so với cùng kỳ, đẩy chi phí dự phòng cả năm tăng 114% so với năm 2022. Đáng chú ý,  trong cuối quý IV/2023, TPBank ghi nhận tỉ lệ nợ xấu 2,05%, cao hơn nhiều so với mức 0,84% vào cuối năm 2022.

Nhiều ngân hàng cũng chứng kiến nợ xấu tăng mạnh, như BaoViet Bank tăng 49% so với đầu năm, BacABank tăng đến 78%. Trong khi đó, VIB tăng cường trích lập dự phòng với mức trích lập gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước dù tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống mức 2,2%. MSB cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro lên mức 1.647 tỉ đồng, tăng 244% so với năm 2022 trong bối cảnh tổng nợ xấu tính đến cuối năm của ngân hàng này là 4.280 tỉ đồng, cao gấp đôi so với đầu năm.

Nợ xấu còn xấu hơn? 

Theo các chuyên gia của SSI, tỉ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể tăng trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng nhóm ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán KBSV đã nhấn mạnh những rủi ro khiến nợ xấu phình to trong năm 2024 có thể đến từ Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024 khiến các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ và bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không còn nhiều.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, cho rằng nợ xấu có xu hướng gia tăng và có sự phân hóa về kết quả hoạt động giữa các ngân hàng. Tỉ lệ nợ xấu vẫn rất ổn định tại các ngân hàng có mối quan hệ với các tập đoàn lớn, nhưng có sự suy giảm rõ rệt ở những ngân hàng có mức độ rủi ro tập trung ở lĩnh vực bán lẻ và SME, cũng như những ngân hàng có mức độ rủi ro bất động sản cao.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng tỏ ra lo ngại về rủi ro nợ xấu năm nay, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực. Đồng thời, phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành. “Sức cầu yếu kéo dài trên thị trường hàng hóa, dịch vụ, bất động sản có thể tiếp tục gây áp lực lớn lên chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, kinh tế được dự báo phục hồi tích cực hơn cùng mặt bằng lãi suất thấp có thể thúc đẩy nhu cầu vay vốn”, ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt (BVBank), nhận định.

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 vừa diễn ra, lãnh đạo Agribank cũng nêu rõ thực tế nền kinh tế phục hồi chậm trong khi những khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02/2023 sẽ hết hạn vào ngày 30/6. Do đó, nếu không gia hạn thông tư này sẽ tạo áp lực lên vấn đề xử lý nợ xấu.

Dữ liệu của WiGroup cho thấy, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Các ngân hàng không còn nhiều nguồn lực để trích lập dự phòng. Với nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng, các ngân hàng có thể phải chứng kiến áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bào mòn lợi nhuận, nhất là khi đặt trong bối cảnh định giá tài sản bảo đảm suy giảm khi thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng trầm lắng và đi xuống. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng yếu tác động lên khả năng trả nợ của các khách hàng, doanh nghiệp, các ngân hàng đã kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến ngày 30/6/2024 hết hạn.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng: “Nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm 2024 khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6. Lúc đó, nhiều khả năng tỉ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống có thể tăng đột biến bởi các khoản nợ sẽ bắt đầu nhảy nhóm”. Theo đó, để giải quyết vấn đề nợ xấu, có 2 vấn đề cần phải quan tâm: vực dậy nền kinh tế và giải quyết thị trường bất động sản. Đặc biệt, do 80-90% tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản nên muốn xử lý nợ xấu nhanh thì phải vực dậy thị trường bất động sản.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày