Góc nhìn chuyên gia

Ông Trần Sĩ Chương: Hệ thống quản trị tốt mới là cốt lõi làm nên thành công cho doanh nghiệp

Ông Trần Sĩ Chương, Cố vấn cao cấp. Thứ Năm | 02/06/2022 13:57

Ông Trần Sĩ Chương, Cố vấn cao cấp- Công ty TNHH Tư Vấn NU.

Một doanh nghiệp muốn hoạt động hiệu quả phải dựa vào khả năng Quản trị và Quản lý.
Ông Trần Sĩ Chương, Cố vấn cao cấp- Công ty TNHH Tư Vấn NU.

Sau đại dịch COVID – 19 và cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, doanh nghiệp toàn cầu đang đối diện với hai vấn đề lớn gồm: Đứt gãy chuỗi cung ứng; Diễn biến lạm phát ngày càng “nóng” lên. Hai vấn đề này đều là “tử huyệt” của doanh nghiệp.

Để chủ động tồn tại, nhiều doanh nghiệp nỗ lực tạo hệ sinh thái riêng bằng cách tăng cường sáp nhập và mua lại (M&A) từ hàng dọc đến hàng ngang, khiến quy mô doanh nghiệp mở rộng hơn. Đây còn là xu hướng mới của thế giới. Việc mở rộng này thường đi kèm với các thách thức nhưng dù khó đến mức nào cũng sẽ có cách để làm. Ví dụ như Microsoft, Google, Yahoo... là một trong số các tập đoàn toàn cầu đã triển khai thành công.

 

Xây hệ thống quản trị là thiết lập những quy tắc giúp duy trì kỷ cương, thể hiện tầm nhìn của người lãnh đạo và dự phòng rủi ro. Hệ thống quản trị càng chuẩn thì khả năng tự vận hành càng cao, người lãnh đạo sẽ đỡ mất thời gian để “quản” và “kiểm” vào chi tiết. Kế đó mới là xây hệ thống quản lý và các công ty sẽ tìm người phù hợp để thực thi. 

Ở Việt Nam hay bất cứ đâu, chuyện gì cũng đến tay người sáng lập, điều này cũng dễ hiểu và phù hợp vì buổi ban đầu còn ít nhân lực, chỉ cần quản lý tốt công ty là đủ. Nhưng khi công ty lớn dần, nhiều lãnh đạo vẫn không chịu thay đổi, tự tin mình đã làm đúng dựa trên những thành tích quá khứ và cảm thấy việc xây dựng hệ thống quản trị thật xa vời, thiếu thực tế. Đến khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thường lúng túng và tìm tư vấn nhưng chủ yếu vẫn là tư vấn quản lý chứ không phải tư vấn quản trị.

 

Những trở ngại khác nữa có thể kể đến như: Do bị giới hạn về ngoại ngữ nên phần lớn sách Quản trị, Quản lý mà doanh nghiệp ở Việt Nam tham khảo đều là sách dịch, khó tránh khỏi có những sai sót, khó hiểu; Một số nhà tư vấn doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa Quản trị và Quản lý.

Điều lạc quan là hiện đã có nhiều công ty tập đoàn lớn trong nước thành công nhờ họ thấy được “cái lý” của Quản trị ngay từ ban đầu, nên đã mời các chuyên gia hàng đầu thế giới vào thiết lập hệ thống Quản trị trước, sau đó mới tiến hành phát triển bộ máy Quản lý. Một số công ty tập đoàn lớn “đặc quyền”, tuy có bệ phóng tốt nhưng vì không tôn trọng nguyên tắc Quản trị nên thất bại.

Trong tương lai gần, những doanh nghiệp nào không quan tâm đến Quản trị, không muốn thay đổi sẽ dễ bị đào thải hơn do chu kỳ sống của doanh nghiệp đang có dấu hiệu ngày càng ngắn lại.  Nhu cầu thị trường đang biến đổi rất nhanh do các tác động trong nước lẫn ảnh hưởng từ các yếu tố nước ngoài. Muốn hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng để tăng sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu mới của  khách hàng, công ty phải liên tục đầu tư công nghệ, xây hệ thống đổi mới sáng tạo, tập trung hơn về Nghiên cứu và Phát triển.

 

Vậy nên, người chủ doanh nghiệp cần nhạy bén nắm bắt xu hướng để biết công ty mình đang đi về đâu, sản phẩm dịch vụ cung ứng có còn phù hợp với nhu cầu của thị trường nữa không? Kế đó, người lãnh đạo làm “Bài toán ngược”, tập trung vào cân đối giữa đầu tư và doanh thu, lợi nhuận đem về.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày