Tài Chính

Thị trường giảm mạnh, thanh khoản lên mức kỷ lục

Song Luân Thứ Hai | 18/03/2024 16:08

VIC và VRE "ngược dòng" sau thông tin thoái vốn. Ảnh: Fiintrade.

Phiên giao dịch 18/3 có thể nói là phiên rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
VIC và VRE "ngược dòng" sau thông tin thoái vốn. Ảnh: Fiintrade.

Ở đầu phiên sáng, dòng tiền tỏ ra phân hóa giữa các nhóm ngành. Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, hóa chất và bất động sản vẫn hút tiền và giao dịch trong sắc xanh mạnh, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng hơn 3% ngay trong phiên sáng. 

Tuy nhiên, sắc xanh không duy trì được lâu khi áp lực bán tăng mạnh ở phần lớn các cổ phiếu, đặc biệt là các nhóm đã có sự tăng giá mạnh ở trước đó, như nhóm hóa chất hay khu công nghiệp. 

16/18 nhóm ngành đều giảm điểm phiên 18/3. Ảnh: VDSC.
16/18 nhóm ngành đều giảm điểm phiên 18/3. Ảnh: VDSC.

Kết quả, nhiều cổ phiếu đang xanh bỗng giảm sàn ngay trong phiên sáng, đơn cử như GVR, DGC, BFC,... Trước áp lực bán tăng cao, có những thời điểm của phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm hơn 30 điểm cùng hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. 

Đến phiên chiều, lực cầu bắt đáy tham gia nhẹ khiến nhiều cổ phiếu thu hẹp đà giảm, và VN-Index cũng đóng cửa ở mốc 1.243 điểm, giảm hơn 20 điểm. Thanh khoản sàn HOSE lên mốc kỷ lục với hơn 43.000 tỉ đồng được giao dịch. 

Độ rộng sàn HOSE nghiêng về bên bán với 407 mã giảm, gấp hơn 4 lần so với 103 mã tăng. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng ghi nhận mức giảm mạnh, hơn 20,6 điểm với 28 mã giảm, cùng 14.300 tỉ đồng được giao dịch. 

Nhiều cổ phiếu ở sàn HOSE có mức giảm trên 3%. Ảnh: Ysflex
Nhiều cổ phiếu ở sàn HOSE có mức giảm trên 3%. Ảnh: Ysflex

Xét về các nhóm ngành, dữ liệu từ bảng giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, 16/18 nhóm ngành đều “chìm trong sắc đỏ” ở phiên giao dịch 18/3. Trong đó, ngân hàng, hóa chất và dịch vụ tài chính là 3 nhóm có tác động tiêu cực nhất đến thị trường chung. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản với nhiều cổ phiếu phục hồi về cuối phiên đóng vai trò “đỡ” thị trường. 

Có thể nói, việc điều chỉnh của thị trường ở hiện tại cũng không mang nhiều bất ngờ đối với nhà đầu tư, khi VN-Index đã trải qua chuỗi tăng dài và nhiều cổ phiếu đã rơi vào vùng quá mua. Việc cổ phiếu được “kéo rướn” lên các vùng giá cao mà thiếu sự lan tỏa của dòng tiền luôn tiềm ẩn những rủi ro điều chỉnh. 

Cổ phiếu VRE tăng trần ngay sau thông tin Vingroup thoái vốn, không còn là công ty mẹ, bất chấp VN-Index giảm hơn 20 điểm với thanh khoản kỷ lục. Ảnh: BanggiaSSI.
Cổ phiếu VRE tăng trần ngay sau thông tin Vingroup thoái vốn, không còn là công ty mẹ, bất chấp VN-Index giảm hơn 20 điểm với thanh khoản kỷ lục. Ảnh: BanggiaSSI.

Ngoài ra, thị trường cũng điều chỉnh giảm trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, điều tiết ngắn hạn lượng tiền dư trong thị trường và hạ nhiệt tỉ giá. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, khi giá trị giao dịch tỉ USD mỗi phiên ở thị trường chứng khoán cũng có sự đóng góp bởi dòng tiền dư thừa trên thị trường. 

Trên bình diện thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng có thêm lý do để trì hoãn việc giảm lãi suất khi dữ liệu mới về lạm phát và thất nghiệp công bố vào ngày 14/3 vừa qua mang đến thêm lý do để FED không vội cắt giảm lãi suất, cho dù số liệu doanh thu bán lẻ phản ánh nhu cầu tiêu dùng chậm lại. 

Trong bối cảnh hiện tại, giới phân tích cho rằng nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên quản trị danh mục, hướng đến hiện thực hóa lợi nhuận khi nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng khá mạnh thời gian qua và chưa vội vàng mua mới.

Có thể bạn quan tâm 

Một doanh nghiệp sắp trả cổ tức 50% bằng tiền mặt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày