Tài Chính

“Tiền rẻ” lặp lại, VN-Index có “lên đỉnh” như đã từng?

Kim Anh Chủ Nhật | 24/03/2024 10:00

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Giai đoạn 2020 đến nửa đầu năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường chứng khoán nhờ “kỷ nguyên tiền rẻ”.
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Ở “kỷ nguyên tiền rẻ” giai đoạn COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bùng nổ mạnh mẽ, và thiết lập rất nhiều kỷ lục về thanh khoản, về số tài khoản mở mới, và cả về chỉ số trong giai đoạn 2020- nửa đầu năm 2022. Liệu rằng bối cảnh hiện tại, khi tiền vẫn “rẻ” thì thị trường chứng khoán Việt Nam có “lên đỉnh” như đã từng? 

 

Chia sẻ với Phóng viên NCĐT, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược Thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho hay, thời điểm hiện tại với giai đoạn 2020-2021 có sự tương đồng rất là lớn. Đặc biệt là mặt bằng lãi suất thấp và lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại thậm chí còn thấp hơn so với đáy của giai đoạn COVID-19, đây là thông tin rất tích cực và sẽ hỗ trợ dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy thanh khoản ở thị trường đã tăng nhiều trong những phiên gần đây, với giá trị giao dịch tỉ USD mỗi phiên. “Điều này phản ánh dòng tiền dịch chuyển từ kênh gửi tiết kiệm của người dân sang kênh chứng khoán khi lãi huy động đâu đó chỉ còn khoảng gần 5%/năm với kỳ hạn 12 tháng ở những ngân hàng lớn”, ông Đức Anh nói. 

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của thời điểm hiện tại với giai đoạn COVID-19 là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đại diện của KBSV đánh giá, nếu giai đoạn 2020 - 2021 thị trường bất động sản bùng nổ và doanh nghiệp bất động sản vốn đã chiếm tỉ trọng lớn trên sàn đã có sự tăng trưởng vượt bậc về kết quả kinh doanh. 

Cùng với đó, lĩnh vực ngân hàng vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực bất động sản, do tín dụng vào bất động sản chiếm tỉ trọng lớn và rủi ro chất lượng tài sản của ngân hàng cũng gắn chặt với thị trường bất động sản, nên khi thị trường bất động sản giai đoạn 2020-2021 bùng nổ như thế thì các ngân hàng cũng có sự tăng trưởng vượt trội trong kết quả kinh doanh. 

 

Giai đoạn COVID-19, kết quả kinh doanh của thị trường nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nhóm ngân hàng và bất động sản, bất chấp bối cảnh kinh tế giai đoạn đó còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Ông Đức Anh đánh giá, ở thời điểm hiện tại, bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023 thì không thực sự tích cực và thậm chí còn sụt giảm so với năm 2022. Dĩ nhiên chúng ta có những kỳ vọng về sự khởi sắc trong năm 2024 nhưng để kết quả kinh doanh có thể bùng nổ lại như giai đoạn COVID-19 thì phải cần sự hỗ trợ rất là lớn từ hai nhóm ngành là ngân hàng và bất động sản. Đây là hai nhóm chiếm tỉ trọng rất cao trên bản đồ vốn hóa thị trường, với khoảng 70% vốn hóa toàn thị trường. Và câu chuyện bùng nổ về kết quả kinh doanh của nhóm bất động sản và ngân hàng như giai đoạn COVID-19 sẽ rất khó lặp lại. 

“Vì vậy, yếu tố về kết quả kinh doanh sẽ không thể thuận lợi như giai đoạn COVID-19, tức là chúng ta có thuận lợi về mặt lãi suất nhưng không có thuận lợi về tăng trưởng kết quả kinh doanh. Vì thế, tôi không nghĩ thị trường có thể có sự bùng nổ như giai đoạn COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng ổn định và không quá đột biến trong năm 2024”, ông Đức Anh chia sẻ. 

Có thể bạn quan tâm 

Góc nhìn chính sách sau quyết định của FED


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày