Thế giới

"Cơn khát" đường ở châu Âu

Khánh Tú Thứ Hai | 12/06/2023 10:51

Châu Âu vốn được biết đến là thị trường ưa chuộng đồ ngọt. Ảnh: Bloomberg.

Châu Âu đang đối diện với cơn khủng hoảng thiếu đường khi giá đường liên tục tăng cao kể từ đầu năm đến nay.
Châu Âu vốn được biết đến là thị trường ưa chuộng đồ ngọt. Ảnh: Bloomberg.

Châu Âu vốn là thị trường ưa chuộng đồ ngọt trên thế giới, nhưng gần đây thị trường đang phải chịu cú sốc khi giá đường từ đầu năm đến nay đã tăng đến 80%. Hàng loạt sản phẩm đồ ngọt như kem, bánh kẹo hay nước ngọt liên tục bị đẩy giá lên cao giữa bối cảnh cung cầu mất cân bằng.

Trong khi người dân châu Âu cảm thấy lo ngại vì giá cả các sản phẩm có nguyên liệu từ đường đang bị “đôn” giá quá cao so với bình thường thì các quan chức chính phủ lại cho rằng giá cả các mặt hàng ở châu Âu hiện tại đều ở mức “chấp nhận được”.

Giá cả leo thang khiến người dân dù cảm thấy khó chịu nhưng vẫn phải chấp nhận chi một số tiền nhiều hơn bình thường cho đồ ngọt. Điều này đã giúp các nhà sản xuất đường như Suedzucker (Đức) hưởng lợi. Không những vậy, hãng sản xuất đường lớn nhất châu Âu trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng 2/2023 bất ngờ ghi nhận mức lợi nhuận lên đến 246,8 triệu USD, mặc dù trước đây luôn báo lỗ. Trong 10 năm qua, đây là đợt báo cáo quả kinh doanh tốt nhất của Suedzucker, Hãng đặt kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng lên gấp đôi trong nửa cuối năm 2023.

 

Thông thường, các giao dịch mua bán đường sẽ được ký theo hợp đồng dài hạn với giá thỏa thuận từ trước giữa 2 bên. Vì vậy, những nhà máy sản xuất đồ ngọt sẽ thu thêm được một phần lợi nhuận từ việc các sản phẩm đồ ngọt tăng giá do cuộc khủng hoảng thiếu đường.

Thời gian trước, thị trường đường gặp tình trạng thừa cung thiếu cầu bởi phong trào kêu gọi ăn uống lành mạnh của người dân châu Âu. Một loạt chính sách tăng thuế được đề xuất, trong đó có đánh “thuế đường”, tức là thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho mọi hàng hóa chế biến có chứa đường như nước ngọt, mứt, nước sốt, sữa chua hay dưa chua bao tử, nhằm làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với những mặt hàng này. Động thái của chính phủ các quốc gia châu Âu đã khiến các hãng đồ ngọt bắt buộc phải hạ sản lượng xuống.

 

Song, ở hiện tại, việc này lại giúp Suedzucker (Đức) thuận lợi hơn trên thị trường đường bởi hầu như các nhà sản xuất khác đều không thể vượt qua thời điểm phong trào ăn uống lành mạnh diễn ra sôi nổi.

Tuy nhiên, gần đây hãng tin Bloomberg cho biết tình trạng hạn hán vào mùa Đông ở châu Âu cũng là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến sản lượng củ cải đường, nguyên liệu chính để sản xuất đường. Thêm vào đó, lệnh cấm thuốc trừ sâu trong trồng trọt khiến sản lượng củ cải ngày càng thấp đi vì không đủ tiêu chuẩn đưa vào sản xuất. Chính sự sụt giảm nguyên liệu này đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá đường tăng lên cao.

Càng khó khăn hơn khi cách đây hơn 1 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã khiến giá xăng dầu và phân bón tăng cao, từ đó việc trồng củ cải đường trở nên tốn kém hơn. Không những vậy, việc nấu chín củ cải đường để chiết xuất chất ngọt cũng khiến các nhà máy đau đầu vì cần nhiều nhiên liệu.

Chính phủ châu Âu quyết định tìm đến các thị trường sản xuất đường ở nước ngoài để thoát khỏi cơn khủng hoảng thiếu đường, song vẫn không có nhiều hiệu quả. Quốc gia sản xuất đường với quy mô lớn như Ấn Độ đang chịu cảnh nắng nóng, đất đai khô hạn vì El Nino đã khiến năng lực sản xuất suy giảm trầm trọng. Trong khi đó, Brazil lại có khoảng cách địa lý quá xa, chi phí vận chuyển đắt đỏ khó có thể đảm bảo chuỗi cung ứng.

“Sản lượng đường hiện tại ở châu Âu đang ở mức báo động còn giá cả thì leo thang. Theo quan điểm của mình, tôi cho rằng thực trạng này sẽ tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài”, ông George Weston, Giám đốc Công ty Thực phẩm AB Foods, nói trong cuộc họp với các cổ đông.

Có thể bạn quan tâm:

Ngành hàng không toàn cầu dự kiến thu lợi nhuận gần 10 tỉ USD

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày