Thế giới

Đương đầu với “bộ 3” ngân hàng tại châu Á

Thứ Năm | 16/06/2016 13:30

Sẽ là một kết quả bẽ bàng nếu ngân hàng nào đó có tham vọng thách thức vị trí của “bộ 3” ngân hàng gồm HSBC, Citigroup và Standard Chartered.

Barclays đã phải thoái lui vào đầu năm nay, giảm mạnh bộ phận ngân hàng đầu tư. Trước đó là trường hợp của Royal Bank of Scotland (RBS). Ngân hàng này đã bán lại phần lớn bộ phận doanh nghiệp cho ANZ. Giờ các ngân hàng đang tái cơ cấu các hoạt động tại châu Á theo hướng đẩy mạnh mảng quản lý tài sản cá nhân và ít tập trung vào mảng ngân hàng đầu tư.

Những cuộc thoái lui như vậy khỏi thị trường châu Á đang khiến cho khu vực này trở thành chốn hiểm nguy cho những ngân hàng nước ngoài có quá nhiều tham vọng. Điều này dường như càng củng cố quan điểm các ngân hàng sẽ tốt hơn với chiến lược tập trung vào thị trường nội địa. Tại châu Á, chi phí đang gia tăng và quy định pháp lý đang ngày càng “địa phương hóa”, thậm chí là mang yếu tố chính trị. Chẳng hạn, Indonesia đã đưa các ngân hàng trong nước tiếp cận được thị trường Singapore bằng việc trao đổi điều kiện với Singapore. Indonesia đồng ý cho phép Ngân hàng DBS của Singapore sở hữu phần lớn cổ phần trong ngân hàng Indonesia Bank Danamon.

Dù gặp nhiều chông gai, nhưng các ngân hàng quốc tế vẫn đang cố sức giành thị phần tại châu Á. Cũng như ANZ và DBS, các ngân hàng lớn của Trung Quốc (Bank of China) và Nhật (MUFG) đang tăng tốc đầu tư. Rõ ràng, tất cả đều nhìn thấy cơ hội tại châu Á, bên ngoài Nhật và Úc. Cụ thể, châu Á là thị trường của hơn phân nửa dân số thế giới, tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh và mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn thấp. Cùng với đó là cơ hội kiếm tiền từ sự xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn lớn tại châu Á.

Điều đáng nói, những đối thủ mới này đều đến từ châu Á và phần lớn đang tìm cách tận dụng tối đa thế mạnh hiện có để tấn công một cách từ từ. Điều này hoàn toàn khác với cách tiếp cận của ngân hàng Anh Barclays, vốn đã gây ồn ào vào năm 2010 với một loạt các đợt tuyển quân rầm rộ.

Vì sao lại có cách tiếp cận mới hoàn toàn âm thầm, lặng lẽ như vậy? Nghiệp vụ ngân hàng phục vụ đối tượng khách hàng doanh nghiệp không dùng đến các chiến thuật đánh bóng, hào nhoáng như nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Chiêu dụ người đứng đầu mảng tài trợ thương mại của một đối thủ, chẳng hạn, sẽ không gây xôn xao như việc nẫng mất người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư của Morgan Stanley như Barclays đã làm.

Cách tiếp cận âm thầm cũng có liên quan đến yếu tố nội địa. Cơ cấu cổ đông của ANZ, chủ yếu là cổ đông trong nước, chưa bao giờ thích cuộc viễn chinh đến châu Á, nhất là khi khu vực châu Á mang lại mức sinh lời thấp hơn các khoản thế chấp ở Úc. Mới đây, ANZ đã củng cố những cam kết với các cơ sở hoạt động châu Á  một phần vì việc bán đi số cổ phần trị giá 3 tỉ USD tại các ngân hàng khắp châu Á đã tạo ra cảm giác như ANZ đang thoái lui hoàn toàn. Nhưng sự sụt giảm trong doanh thu quốc tế theo sau việc bán đi số cổ phần cũng sẽ thu hút ít sự chú ý ở quê nhà hơn.

So với DBS và ANZ, chiến lược của các đối thủ Trung Quốc và Nhật lại đơn giản hơn: theo chân khách hàng trong nước để đi khắp các thị trường trong khu vực. Đối với MUFG, bất kỳ thứ gì cũng đều tốt hơn so với tốc độ tăng trưởng quá thấp và mức lãi suất âm ở Nhật. Tại Bank of China, các chi nhánh trong nước của ngân hàng này ngày càng vay nhiều bằng USD và euro, nhằm sẵn sàng cho vay các khoản đầu tư ra nước ngoài. Bank of China đi trước các đối thủ Trung Quốc ở đại lục xét ở khoản mức độ phức tạp quốc tế, theo nhận định của giới chuyên gia phân tích. Trong khi đó, MUFG lại cho thấy những cam kết tại thị trường châu Á bằng cách mua cổ phần ở các ngân hàng địa phương.

Nhưng dường như không một ai trong số này có đủ khả năng đánh bật “bộ 3” ngân hàng toàn cầu gồm HSBC, Citigroup và Standard Chartered, vốn đã có chỗ đứng quá vững tại châu Á. Hồi tháng 3, một khảo sát về các mối quan hệ ngân hàng doanh nghiệp của Greenwich Associates cho thấy mức độ thâm nhập thị trường của HSBC lên tới 60%, Standard Chartered là 50% và Citigroup là 44%. ANZ và DBS theo sau với lần lượt 34% và 33%. Khoảng cách nay đã thu hẹp lại so với năm 2010 khi Deutsche Bank đứng thứ 4 với 20% về mức độ thậm nhập. Thế nhưng, khoảng cách giữa “bộ 3” với các ngân hàng đối thủ còn lại vẫn quá rõ ràng và hầu như không chuyên gia nào cho rằng sẽ có sự thay đổi lớn trong các thứ hạng.

Trong mắt nhiều khách hàng, “bộ 3” thế kỷ này đã quá quen thuộc đến nỗi giờ họ giống như các ngân hàng nội địa hơn là các ngân hàng quốc tế. Đây chính là rào cản rất lớn đối với những ngân hàng nào muốn mon men bước vào khu vực châu Á, ngay cả những ngân hàng đã có mặt tại đây nhưng chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ. Không một tòa lâu đài nào có thể xây xong chỉ trong một ngày. HSBC, Citigroup và Standard Chartered đều phải trải qua hơn 1 thế kỷ để thiết lập chỗ đứng. Nhưng ít nhất các đối thủ mới muốn giành ngôi vương ngân hàng dường như đã hiểu rất rõ điều này nên rất chịu khó nằm vùng bằng chiến lược “mưa dầm thấm lâu”.

Đàm Hoa

Nguồn FT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày