Thế giới

Hàng loạt quốc gia đang vội vã đặt hàng molnupiravir trị COVID-19

Mai Nam Thứ Hai | 18/10/2021 09:21

Thuốc Molnupiravir. Ảnh: AFP.

Từng chậm chân trong cuộc chạy đua giành nguồn cung vaccine COVID-19, nhiều nước châu Á quyết tâm không lặp lại sai lầm này với thuốc kháng virus molnupiravir.
Thuốc Molnupiravir. Ảnh: AFP.

Theo CNN, hàng loạt quốc gia đang vội vã đặt hàng molnupiravir, một loại thuốc viên sản xuất bởi tập đoàn dược phẩm Merck, được cho là có khả năng giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong do nCoV.

Hôm 1/10, công ty này công bố kết quả thử nghiệm của molnupiravir và nhận về vô số đánh giá tích cực, nhiều người thậm chí còn gọi nó là "quân bài thay đổi cuộc chơi" trước COVID-19.

Merck đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp molnupiravir tại Mỹ. Đây là thuốc kháng virus đầu tiên đặc trị COVID-19, có thể dễ dàng kê đơn để ngăn các ca bệnh nhẹ và trung bình chuyển biến nghiêm trọng và được đánh giá là thành phần còn thiếu của kho vũ khí y tế chống nCoV.

Trụ sở chính của Merck tại Kenilworth, New Jersey vào ngày 25/1/2021. Ảnh: Getty Images.
Trụ sở chính của Merck tại Kenilworth, New Jersey vào ngày 25/1/2021. Ảnh: Getty Images.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng người ta sẽ coi đây là phương án thay thế cho vaccine, đồng thời cảnh báo cuộc chạy đua mua molnupiravir sẽ dẫn đến tình trạng nước giàu tích trữ thuốc trong khi nước nghèo không có nguồn cung, tương tự vấn đề với vaccine diễn ra từ năm ngoái đến nay.

"Molnupiravir thực sự có tiềm năng để thay đổi một phần cuộc chơi. Chúng ta cần bảo đảm không lặp lại lịch sử, không đi vào vết xe đổ kẻ thừa người thiếu với vaccine COVID-19”, bà Rachel Cohen – Giám đốc điều hành Tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Thuốc cho Bệnh dịch cho biết.

Vaccine vẫn được coi là biện pháp phòng vệ tốt nhất trước COVID-19, nhờ khả năng hạn chế nguy cơ nhiễm virus và biến chứng nặng. Tuy nhiên, hàng triệu người ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa được tiêm chủng vì không đủ điều kiện hoặc thiếu nguồn vaccine. Điều đó khiến molnupiravir trở thành giải pháp ứng phó khi tỉ lệ tiêm chủng tại nhiều nước vẫn tăng chậm.

 

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Airfinity cho thấy 8/10 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đàm phán hoặc đã ký hợp đồng mua thuốc tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Australia và New Zealand.

Các quốc gia này đang tìm cách tránh mắc sai lầm trong quá khứ, khi việc chậm trễ đặt mua vaccine khiến chương trình tiêm chủng đình trệ trong lúc đất nước chật vật đối phó những đợt bùng phát do biến chủng Delta.

"Tôi nghĩ tất cả đều muốn nắm lợi thế trong những loại thuốc mới. Một số nước đang tránh rơi vào cái bẫy từng mắc phải khi các quốc gia thu nhập cao tích trữ toàn bộ vaccine", bà Cohen nhận định.

Quốc gia thu nhập thấp có thể gặp bất lợi khi triển khai molnupiravir, bao gồm xác định đối tượng được sử dụng thuốc là người có triệu chứng hay cần có xét nghiệm dương tính nCoV. Điều này đòi hỏi quy trình xét nghiệm tốn kém và mất thời gian.

"Đây sẽ là trở ngại với nhiều nước. Kết quả thử nghiệm hiện nay dựa trên những người được uống thuốc trong vòng 5 ngày từ khi xuất hiện triệu chứng. Một số nước có thể ko triển khai xét nghiệm nhanh như vậy", bà Cohen nói thêm.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới ca ngợi molnupiravir là "biện pháp cứu mạng tiềm năng" cho người dân ở những khu vực chưa phủ vaccine và dễ tổn thương trước dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề là họ sẽ tiếp cận loại thuốc này như thế nào.

Có thể bạn quan tâm:

Cơ quan dược phẩm châu Âu bắt đầu rà soát sớm thuốc trị COVID-19 của AstraZeneca


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày