Thế giới

Hiệp định CPTPP có gì "hấp dẫn" khiến Mỹ quay lại?

Diểm Quỳnh Thứ Ba | 06/03/2018 15:54

Theo giới chuyên gia và truyền thông quốc tế, CPTPP có những tiềm năng rất lớn.

Ngày 8/3 tới đây tại Chile, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được 11 nước thành viên chính thức ký kết. Nhiều nền kinh tế cũng đang rất quan tâm đến Hiệp định thay thế TPP này.

Nhiều quốc gia tiềm năng

Theo hãng tin Bloomberg, Thái Lan là cái tên mới nhất cân nhắc những lợi ích của việc gia nhập CPTPP, bên cạnh Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc). Một nghiên cứu của viện Kinh tế quốc tế Peterson mới đây cho thấy, thỏa thuận thương mại với 5 thành viên tiềm năng này sẽ tạo ra thu nhập 449 tỷ USD trên toàn cầu và 486 tỷ USD cho 11 nước CPTPP hiện nay. Đó là chưa kể đến việc nước Anh cũng đã nhiều lần thể hiện ý muốn tham gia hiệp định sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Chính sự hấp dẫn đó cũng đang góp phần mở ra khả năng quay trở lại CPTPP của nước Mỹ. Sau khi Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng này hồi tháng 1/2018, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư tới nhà lãnh đạo Mỹ, kêu gọi đưa nước Mỹ quay trở lại bàn đàm phán CPTPP, hiệp định được đánh giá là sẽ có lợi cho nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy vậy, quá trình này được đánh giá là sẽ không hề dễ dàng.

Hiep dinh CPTPP co gi
 

Trong khi Washington vẫn còn đang lưỡng lự, nhiều ý kiến lại cho rằng, Bắc Kinh nên tranh thủ cơ hội để gia nhập CPTPP. Cho đến giờ, Trung Quốc vẫn phản ứng khá thận trọng khi được hỏi về CPTPP, đồng thời dồn mọi sự chú ý vào quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).Hãng Reuters trích dẫn phát biểu của trưởng đoàn đàm phán CPTPP Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto mới đây cho biết Tokyo hoan nghênh quan điểm tích cực của Washington nhưng đồng thời cũng nêu ra những khó khăn khi có thay đổi vào thời điểm này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Australia, việc tham gia vào CPTPP đã không còn nước Mỹ sẽ giúp Trung Quốc có được một vị thế quan trọng trong khối, đồng thời mở ra khả năng tiếp cận vào những thị trường vốn được coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ như châu Mỹ Latin. Đó là điều mà RCEP không thể mang lại cho nền kinh tế số 2 thế giới.‎

CPTPP gây áp lực cho Mỹ

Vào ngày 23-1 vừa qua, 11 nước tham gia đàm phán CPTPP (gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) đã nhất trí nội dung sửa đổi hiệp định này.

Đến ngày 21-2, toàn văn CPTPP đã được công bố. Động thái này được đánh giá là tín hiệu cho thấy 11 nước đã sẵn sàng đặt bút ký CPTPP dự kiến tại vòng đàm phán tiếp theo ở Chile vào ngày 8-3 để hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Theo Hãng tin Reuters, có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc sửa đổi trong CPTPP so với thỏa thuận "tiền thân" TPP sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này hồi đầu năm ngoái.

Vẫn chưa rõ những điều khoản thay đổi này làm Mỹ hài lòng đến đâu, nhưng nếu muốn quay trở lại, Mỹ sẽ phải đàm phán với các nước thành viên CPTPP về những điều kiện để Mỹ có thể tái tham gia hiệp định đa phương này.

Trong bối cảnh nếu không có gì thay đổi, CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, thì chắc chắn Mỹ sẽ buộc phải chấp nhận các điều khoản đã được 11 nền kinh tế thành viên thông qua.

Sẽ không có chuyện vì cần tới sự tham gia của Mỹ mà các nước này chấp nhận đàm phán lại, bởi để chốt được bản thỏa thuận cuối cùng không phải dễ dàng gì. Vả lại, thực tế sau khi Mỹ rút khỏi TPP, các nước còn lại vẫn tiếp tục duy trì và thúc đẩy hiệp định phát triển nhanh chóng mà kết quả là sự ra đời CPTPP.

Nguồn Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày