Thế giới

Kinh tế Trung Quốc đón tin tốt khi gói kích thích phát huy tác dụng

Thứ Sáu | 01/04/2016 13:28

Chỉ số sản xuất của Trung Quốc tăng lần đầu tiên 8 tháng qua, cho thấy biện pháp kích thích tiền tệ, tài khóa của chính phủ đã phát huy tác dụng.

Chỉ số Nhà quản Trị mua Hàng lĩnh vực sản xuất (PMI) trong tháng 3/2016 của Trung Quốc tăng lên 50,2 điểm, cao hơn so với dự đoán 49,4 điểm của các nhà kinh tế học trong khảo sát Bloomberg News. Chỉ số này đã trở lại mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Trong khi đó, chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất tăng lên 53,8 điểm so với 52,7 điểm trong tháng 2/2016.

Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã công bố mức thâm hụt ngân sách kỷ lục đồng thời cam kết đẩy nhanh tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp quốc doanh để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong năm nay. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) được bật đèn xanh tăng cường kích thích nếu tăng trưởng có dấu hiệu suy giảm.

Ding Shuang, kinh tế trưởng phụ trách về Trung Quốc tại Standard Chartered ở Hong Kong, cho biết, hồi đầu năm nay, thị trường lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng, nhưng sau kỳ họp Quốc hội, thị trường giờ đây cho rằng giới chức Trung Quốc sẽ không để cho tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới ngưỡng 6,5%. Chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng, giúp khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), hiệu ứng mùa vụ là lý do chính thúc đẩy sự hồi phục của chỉ số PMI khi các nhà máy bắt đầu khởi động lại máy móc sau kỳ nghỉ Lễ Tết nguyên đán hồi tháng 2 vừa qua. Đã xuất hiện một số tín hiệu khả quan dù vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, báo cáo của NBS cho hay.

Su Trinh, phụ trách bộ phận chiến lược ngoại hối ở châu Á của RBC Capital Markets tại Hong Kong, nhận định, cần nghiên cứu thận trọng báo cáo của NBS khi chỉ số việc làm của khu vực phi sản xuất giảm xuống. Có bằng chứng cho thấy quá trình tái cân bằng nền kinh tế đang chững lại, bà Su Trinh cho hay.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Caixin Media và Markit Economics trong tháng 3/2016 tăng lên 49,7 điểm, cao nhất kể từ tháng 2/2015. Cũng như với chỉ số chính thức, số điểm trên 50 cho thấy tình hình của khu vực sản xuất đã được cải thiện.

Theo Julia Wang, nhà kinh tế học tại HSBC Holdings Plc ở Hong Kong, doanh số bán bất động sản hồi phục và đầu tư vào nhà đất tăng lên "có thể là động lực chính" thúc đẩy lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, sự gia tăng đầu tư và cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố hỗ trợ. Dự đoán, việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế Trung Quốc hồi phục trong những tháng tới.

Giá nhà ở một số thành phố lớn nhất của Trung Quốc đang tăng, khiến chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế tín dụng ngay cả khi đang phải nỗ lực thúc đẩy tổng cầu. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, giới chức Trung Quốc đang triển khai các biện pháp kích thích tài khóa, tăng hơn nữa ngân sách cho chính quyền địa phương trong năm nay trong khuôn khổ chương trình trái phiếu cơ sở hạ tầng đặc biệt.

Fielding Chen và Tom Orlik, 2 nhà kinh tế học tại Bloomberg Intelligence, cho hay, chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục hỗ trợ chính sách để duy trì tăng trưởng GDP và PBOC được dự đoán sẽ tieps tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Shane Oliver, phụ trách chiến lược đầu tư tại AMP Capital Investors ở Sydney, nhận định, sự gia tăng vượt dự đoán của chỉ số PMI sản xuất và phi sản xuất giúp củng cố niềm tin về tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ số PMI sản xuất sẽ chỉ dao động quanh mức 50 điểm, và chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cần tăng cường kích thích hơn nữa.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày