Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái

Quỳnh Như Thứ Bảy | 20/05/2023 11:35

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo GDP của Đức sẽ chỉ tăng 0,2% trong năm 2023. Ảnh: Bloomberg.

Chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao và cú sốc giá năng lượng là những “quả tạ” đè nặng lên nền kinh tế Đức, theo IMF.
Ủy ban châu Âu (EC) dự báo GDP của Đức sẽ chỉ tăng 0,2% trong năm 2023. Ảnh: Bloomberg.

Trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng đang xấu đi, niềm tin mà các nhà đầu tư đặt cược vào Đức sụt giảm ba tháng liên tiếp đã làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) có thể rơi vào một cuộc suy thoái.

 

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Châu Âu (ZEW) công bố dữ liệu cho thấy chỉ số cảm tính kinh tế của Đức đã giảm từ mức 4,1 trong tháng 4 xuống -10,7 trong tháng 5. Đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này rơi xuống mức dưới 0 trong năm nay. Được biết chỉ số ZEW được sử dụng để đánh giá triển vọng của nền kinh tế Đức. Chỉ số ZEW tăng sẽ củng cố sức mạnh của đồng euro. Ngoài ra, các điều kiện kinh tế khác của Đức cũng đang ở xu hướng diễn biến xấu đi.

“Các chuyên gia về thị trường tài chính dự đoán tình hình kinh tế vốn đã bất lợi sẽ trở nên tồi tệ hơn trong 6 tháng tới. Nếu tiếp tục theo đà này, nền kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái, dù là ở mức độ nhẹ”, ông Achim Wambach, Chủ tịch ZEW nhận định.

Không chỉ vậy, sản lượng sản xuất sụt giảm sâu hơn dự kiến trên hầu hết các ngành công nghiệp ở Đức. Theo dữ liệu cho thấy đơn đặt hàng mới của các công ty sản xuất đã giảm 10,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Các số liệu kinh tế không khả năng làm dấy lên mối lo ngại rằng nền kinh tế đứng đầu châu Âu có thể đã phải chịu đựng một đợt suy thoái trong mùa đông.

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng và sử dụng dịch vụ của người dân vẫn được ghi nhận ở mức ổn định, song, giới phân tích cho biết lại không tìm thấy dấu hiệu sẽ có một đợt hồi phục kinh tế mạnh mẽ. Đây có lẽ là điềm xấu đối với nền kinh tế nước Đức, các nhà kinh tế học nhận định.

 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao và cú sốc giá năng lượng đã trở thành những “quả tạ” đè nặng lên nền kinh tế Đức. Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Đức dự kiến sẽ “gần bằng 0 vào năm 2023, trước khi tăng dần lên 1-2% trong giai đoạn 2024 – 2026, khi tác động của việc thắt chặt tiền tệ dần biến mất và nền kinh tế đã đủ khả năng để thích nghi với cú sốc năng lượng”.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng dự báo GDP của Đức sẽ chỉ tăng 0,2% trong năm 2023, tiếp theo là 1,4% vào năm 2024. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến khối 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro).

Ở một phương diện khác, việc các hoạt động thương mại trở nên “ì ạch” lại không ảnh hưởng nhiều đến thị trường lao động của quốc gia này. Tình trạng thiếu hụt nhân công có thể bù trừ vào việc tăng lương theo đúng quy định về thỏa thuận lương lao động được ban hành gần đây.

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức ổn định, nhưng vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu nền kinh tế sẽ hồi phục một cách mạnh mẽ. Ảnh: CNN.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức ổn định, nhưng vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu nền kinh tế sẽ hồi phục một cách mạnh mẽ. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ “mạnh tay” nhất trong lịch sử của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở thời điểm hiện tại được dự đoán sẽ mang đến một cơn gió ngược cho nền kinh tế lớn đang trên đà tìm điểm phục hồi. Các ngân hàng đã hạn chế hạn mức tín dụng đối với các doanh nghiệp giữa bối cảnh nhu cầu các khoản vay mới đang giảm.

Thêm vào đó, nguy cơ vỡ nợ gần đây của Mỹ cũng làm gia tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ đó lan rộng ra các nền kinh tế toàn cầu khác.

Có thể bạn quan tâm:

EU thông qua bộ quy tắc tiền kỹ thuật số đầu tiền trên thế giới

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày