Thế giới

Ngành công nghiệp tỷ USD của phim siêu anh hùng

Chủ Nhật | 01/06/2014 08:17

Từ năm 2000, 61 bộ phim thuộc thể loại này đã được ra mắt, phần lớn đều được ưa chuộng và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà sản xuất.
Phần phim mới nhất của series X-Men (Dị nhân) - Days of Future Past đã công chiếu tại các rạp phim trên toàn thế giới cuối tuần trước. Doanh thu phòng vé tính đến nay đã đạt 350 triệu USD, vượt xa kinh phí là 200 triệu USD. Rất có thể bộ phim này sẽ mang lại hàng tỷ USD cho nhà sản xuất.

Dù vậy, những con số này cũng chẳng mấy ấn tượng, nếu được so sánh với doanh thu phòng vé của các bộ phim siêu anh hùng tại Mỹ trong tuần đầu công chiếu. Phần phim mới nhất của X-Men thậm chí không lọt top 10.
Những bộ phim về siêu anh hùng luôn hứa hẹn doanh thu khả quan cho hãng sản xuất. Ảnh: Online Movies
Những bộ phim về siêu anh hùng luôn hứa hẹn doanh thu khả quan cho hãng sản xuất.
Ảnh: Online Movies
Các bộ phim về siêu anh hùng luôn được người xem ưa chuộng, kể từ khi Christopher Reeve thủ vai chính trong bộ phim Superman (Siêu nhân) đầu tiên năm 1978. Nhưng phải đến những năm 2000, cơn sốt phim siêu anh hùng mới bùng nổ. Theo website Box Office Mojo, 61 bộ phim về thể loại này đã được công chiếu, từ sau tập X-men đầu tiên. Tính trung bình, một năm có khoảng 6 phim ra lò.
Theo BBC, lý do đơn giản là các bộ phim này rất ăn khách. Đến nay, đã có 4 phim siêu anh hùng mang lại doanh thu phòng vé trên 1 tỷ USD. Đó là The Avengers (1,5 tỷ USD), Iron Man 3 (1,2 tỷ USD), The Dark Knight Rises (1,1 tỷ USD) và The Dark Knight (1 tỷ USD).

Kể cả khi các phim này bị chê tơi tả, chúng cũng hiếm khi là thảm họa kinh doanh. Bộ phim Catwoman của Halle Berry từng bị chỉ trích rất nhiều khi ra mắt năm 2004. Tuy nhiên, doanh thu phòng vé cũng chỉ kém chi phí sản xuất 12 triệu USD.

Nguyên nhân là những câu chuyện về siêu anh hùng rất được ưa chuộng trên thế giới, không chỉ giới hạn tại Mỹ. Gần đây, doanh thu từ thị trường Mỹ chỉ đóng góp 40% cho các phim thể loại này.

Ví dụ điển hình là Captain America (The Winter Soldier) và Amazing Spiderman 2 - bom tấn tại các rạp phim Trung Quốc năm nay. Điều này có nghĩa các phim chỉ hòa vốn ở Mỹ vẫn có thể thành công nhờ lợi nhuận tại các thị trường khác.

Trước khi lên phim, các siêu anh hùng thường là nhân vật trong truyện tranh, phần lớn thuộc về hai hãng - DC Comics (hiện thuộc Warner Brothers) và Marvel. DC Comics dựa vào hai ngôi sao là Superman (Siêu nhân) và Batman (Người Dơi). Trong khi đó, biệt đội siêu anh hùng của Marvel gồm Spiderman (Người Nhện), Hulk (Người khổng lồ xanh), Fantastic Four (Bộ tứ siêu đẳng), X-men (Dị nhân), Avengers (Biệt đội báo thù), Thor, Captain America và Iron Man (Người Sắt).

Thương vụ 4 tỷ USD của Disney cho Marvel Entertainment năm 2009 cũng được đánh giá là một món hời. Dù bản quyền Spiderman hiện thuộc về Sony Pictures và X-Men thuộc Fox.

Loại phim này ngày càng được ưa chuộng chủ yếu nhờ công nghệ tiên tiến – CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Các bộ phim chuyển thể trước đây rất khó đưa được hình ảnh truyện tranh lên màn hình, khiến các siêu anh hùng không oai vệ như mô tả.

Nhưng tất cả những vấn đề đó đã được giải quyết nhờ kỹ xảo. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng ngày càng được đầu tư, không chỉ để cải thiện kỹ xảo, mà còn để mời gọi các diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất nổi tiếng.

BBC cho rằng bong bóng phim siêu anh hùng sẽ không vỡ sớm. Và với hàng loạt phim sắp ra lò, các anh hùng sẽ vẫn phải bận rộn cứu thế giới thêm vài ba năm nữa.

Nguồn Theo VnExpress


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày