Thế giới

Nhật Bản chuẩn bị bắn mũi tên thứ ba vực dậy kinh tế

Thứ Sáu | 20/06/2014 11:56

Với hai mũi tên đầu, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phần nào đạt mục tiêu vực dậy kinh tế và tạo ra lạm phát.
Có thể nói, hai mũi tên đầu trong chính sách Abenomics mà Tokyo bắn đi đã trúng đích. Sau khi Ngân hàng Trung ương nới lỏng tiền tệ và Chính phủ nới lỏng tài khóa, nền kinh tế được kích thích, đẩy tỷ lệ tăng trưởng lên 3% trong trung và dài hạn, bài trừ giảm phát. Với mũi tên thứ ba, Thủ tướng Abe muốn nâng cao thu nhập đầu người cho toàn dân trong mười năm tới và nhân lên gấp đôi tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nhật Bản, mở rộng sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân. Đây là chương trình cải tổ dài hơi và tác động đến toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản.
Phục hưng công nghiệp

Hãng Reuters mới đây tiết lộ, mũi tên thứ ba nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, gọi là "Kế hoạch phục hưng công nghiệp Nhật Bản" dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này, nhằm hồi sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Kế hoạch sẽ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, FDI hàng năm sẽ tăng hơn gấp đôi so với hiện tại (gần 345 tỷ USD/năm). Kế hoạch cũng đưa ra một loạt chỉ số quan trọng để cải thiện tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chỉ số sẽ chỉ được đánh giá vào năm 2020 hoặc thậm chí lâu hơn.

Bản kế hoạch được cho là rất tham vọng, nhưng khá chi tiết, chẳng hạn như yêu cầu các ngân hàng Nhật Bản phải đặt ít nhất một giám đốc bên ngoài Nhật Bản - một trong các biện pháp cải thiện quản lý để khuyến khích đầu tư nước ngoài. Kế hoạch cũng đề xuất nâng cao tỷ lệ nhà quản lý là nữ từ 7,5% năm ngoái lên 30%. Tất cả công ty niêm yết phải thông báo cho nhà đầu tư tỷ lệ nhà quản lý là phụ nữ.

Kế hoạch phục hưng công nghiệp cho rằng, cần tăng cường sử dụng robot để nâng cao năng suất trong tình trạng dân số đang giảm mạnh. Với cam kết về "cuộc cách mạng robot", hy vọng đến năm 2020, ngành nông nghiệp nước này sẽ sử dụng số lượng robot gấp 20 lần hiện tại, còn ngành chế tạo sử dụng số lượng robot gấp đôi hiện tại.

Năm 2020, Nhật Bản cũng sẽ hoàn toàn thay đổi tình trạng độc quyền trong lĩnh vực điện lực. Lĩnh vực khoa học công nghệ cũng đã được lên kế hoạch thúc đẩy phát triển, chẳng hạn như thành lập Trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành công nghệ cao.

Ngoài thúc đẩy tăng trưởng, mục tiêu cấp bách nhất của kế hoạch mũi tên thứ ba là thúc đẩy tinh thần phấn chấn đang nhạt dần của các nhà đầu tư đối với thuyết Abenomics. Vực dậy chỉ số Nikkei đã giảm tổng cộng 8% từ đầu năm đến nay.
Vượt qua thử thách

Vượt qua phép thử đầu tiên, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 6,7% trong quý I/2014 cao hơn so với dự đoán ban đầu là 5,9%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2011 và là dấu hiệu lạc quan cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể phục hồi kể cả dưới tác động của chính sách tăng thuế suất thuế tiêu thụ đã được nước này áp dụng từ 1/4. Ở khía cạnh khác, đầu tư doanh nghiệp đã tăng 7,9% trong quý I, cao hơn đánh giá ban đầu chỉ là 4,9%. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ quý IV/2011. Chính phủ đang lên kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư, dẫn tới tăng lương cho người dân.

Các số liệu khả quan đang củng cố quan điểm kinh tế Nhật Bản đang phục hồi từ từ, kết thúc hơn hai thập kỷ suy thoái. Tuy nhiên, mũi tên thứ ba chưa đề cập việc làm thế nào để giải quyết các vấn đề khó khăn nhất như cắt giảm thuế doanh nghiệp, cải cách Quỹ đầu tư dưỡng lão của chính phủ Nhật Bản (GPIF), kế hoạch cho phép doanh nghiệp sở hữu đất nông nghiệp, cải cách trọng tài lao động để doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân viên, thúc đẩy hợp pháp hóa sòng bạc hay không…

Điểm son của chính sách Abenomics nằm ở chỗ Tokyo cùng lúc huy động nhiều phương tiện - ngân sách nhà nước, chính sách tiền tệ và chiến lược kinh tế lâu dài - để thực sự đưa kinh tế Nhật đi lên. Tuy nhiên, nỗ lực của Thủ tướng Abe sẽ như muối đổ bể nếu đầu tư và tiêu thụ tư nhân không ủng hộ chính phủ, nếu như ngành xuất khẩu của xứ hoa anh đào không vượt qua thử thách hay khủng hoảng đẩy giá năng lượng lên cao. Đó là những thách thức có thể đe dọa đến sự thành công của một chính sách kinh tế đầy tham vọng.

Nguồn Thế Giới & Việt Nam


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày