Thế giới

Nhìn lại dòng vốn FDI Myanmar và Việt Nam: Nghịch lý của kẻ xuất phát sớm

Thứ Bảy | 15/06/2013 08:03

Sở hữu lợi thế xuất phát sớm gần 1 thập kỷ trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng hiện tại Myanmar đã để Việt Nam bỏ lại phía sau khá xa.

Với một đất nước giàu có tiềm năng phát triển như Myanmar, tốc độ thu hút dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) như hiện nay là sự khiêm tốn không hợp lý.

Myanamar từng chịu lệnh cấm vận của Mỹ suốt 15 năm, cho đến năm 2011, Mỹ mới bắt đầu dỡ bỏ từng phần cấm vận kinh tế chống lại quốc gia này.

Từng rơi vào hoàn cảnh giống Myanmar, Việt Nam cũng chịu lệnh cấm vận của Mỹ suốt 20 năm (1975-1994). Cho đến tận năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa 2 quốc gia.

So sánh tình hình thu hút FDI của Myanmar và Việt Nam có thể đem đến nhiều tương phản thú vị.

Myanmar xuất phát sớm

Trước hết cần thống nhất rằng, thời điểm ra đời Luật đầu tư nước ngoài là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài của bất kì nhà nước nào trên thế giới.

Nếu coi đó là điểm xuất phát thì chắc chắn, Myanmar đã có lợi thế của người xuất phát trước so với Việt Nam. Luật đầu tư nước ngoài được Myanmar ban hành năm 1988 và 8 năm sau đó Việt Nam mới có bộ luật riêng của mình (năm 1996).

Xuất phát trước 8 năm, hãy cùng xem Myanmar đã làm được gì trong khoảng thời gian đó.

Xuất phát trước Việt Nam 8 năm, nhưng Myanmar đã không thể tận dụng tốt lợi thế ấy.
Xuất phát trước Việt Nam 8 năm, nhưng Myanmar đã không thể tận dụng tốt lợi thế ấy.

Số liệu từ năm 1989-1994 cho thấy, Việt Nam tuy chưa có 1 khung pháp lý chính thức cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại nhận được nhiều sự chú ý hơn, tổng vốn FDI đăng ký giai đoạn này của Việt Nam gấp rưỡi Myanamar.

Như vậy, nếu ví 2 quốc gia như 2 vận động viên chạy điền kinh, thì vận động viên Myanmar đã xuất phát sớm nhưng không đạt tốc độ đủ nhanh và ổn định như đối thủ của mình.

Giai đoạn sau đó, trừ 2 năm 2005 và 2010, do lượng FDI vào Myanmar tăng đột biến, còn lại Việt Nam luôn xếp trên Myanmar về năng lực thu hút và hấp thu vốn.

Quay lại câu chuyện giữa 2 vận động viên, người Myanmar có thể đổ lỗi cho sự chậm chạp của mình bằng cách giải thích rằng, người Việt Nam được uống một loại nước tăng lực thần kỳ năm 1994 - thời điểm Mỹ chính thức bãi bỏ lệnh cấm vận.

Nhưng lời biện hộ trên không chính xác. Bởi kể cả khi không tính dòng vốn từ Mỹ, FDI đổ vào Việt Nam từ nội khối ASEAN vẫn cao gấp 10 lần Myanmar.

Không phủ nhận, nút thắt lớn nhất đối với Việt Nam đã được Mỹ cởi trói từ sớm, nhưng người Myanmar cũng đã chạy trước Việt Nam đến 8 năm - gần một thập kỷ chẳng phải cũng là một lợi thế lớn sao?

Chưa kể, số liệu tăng bất thường trong 2 năm (2005 và 2010) được Tổng cục thống kê của chính phủ Myanmar (CSO) cung cấp, bị các tổ chức phi chính phủ đặt dấu hỏi lớn. Tiêu biểu nhất là Ngân hàng thế giới (WB), luôn giữ quan điểm cho rằng, Myanmar đã thổi phòng số liệu thống kê lên gấp nhiều lần suốt thời gian từ năm 1989 đến nay.

Quan sát từ World Bank cho thấy chênh lệch lớn giữa Việt Nam và Myanmar.

Quan sát từ World Bank cho thấy chênh lệch lớn giữa Việt Nam và Myanmar.

Đường màu đen chạy gần như nằm ngang phía dưới, khẳng định quan sát không mấy lạc quan từ Ngân hàng thế giới: FDI mà Myanmar thu hút được hầu như không hề được cải thiện suốt hơn 2 thập kỷ qua.

Sự chênh lệch lớn giữa 2 số liệu của CSO và WB được giải thích do các phương pháp thống kê khác nhau. Nhưng đây cũng là một nguồn thông tin đáng tham khảo, bên cạnh số liệu của chính phủ Myanmar công bố, để có cái nhìn đầy đủ và cận cảnh hơn về tình hình dòng vốn có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế tại Myanmar.

Con đường quan trọng hơn đích đến

Đôi khi, trong một cuộc đua, điều mỗi vận động viên thu được trên đường mới thực sự quan trọng, chứ không phải câu chuyện của kẻ thắng - người thua. Hơn nữa, giữa Myanmar và Việt Nam, e rằng nói chuyện thắng - thua là điều không hợp lý.

Thử xem thành công trên chặng đường là tăng trưởng kinh tế, để so sánh xem vận động viên nào, nước nào tận dụng tốt hơn cơ hội từ dòng vốn FDI?

Nhận được nhiều FDI hơn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước cao nhất khu vực Đông Nam Á, còn Myanmar đứng ở vị trí thấp nhất.

Nhưng tăng trưởng là khái niệm mang tính tổng lượng của nền kinh tế, bao gồm nhiều khu vực, nên cần phải tách bạch riêng yếu tố FDI tác động lên tăng trưởng như thế nào mới chính xác.

Việt Nam đã tận dụng FDI thành công để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Myanmar cần học tập Việt Nam trong thu hút FDI nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Myanmar cần học tập Việt Nam trong thu hút FDI nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam luôn gấp hơn 10 lần và nhập khẩu gấp khoảng 20 lần so với Myanmar trong giai đoạn 2008-2010. Tuy cán cân thương mại của Việt Nam luôn thâm hụt, nhưng các chuyên gia đều nhất chí rằng, nhập khẩu cao trong giai đoạn tiền phát triển là điều tốt đối với một đất nước còn thiếu nhiều nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế như Việt Nam.

Tác động trở lại, đến lược xuất khẩu trở thành chiếc chìa khóa thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Thực tế, trong những năm gần đây, xuất khẩu từ khu vực doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò chủ đạo để cứu cánh cho xuất khẩu chung của Việt Nam.

Chính sách khuyến khích xuất khẩu, khiến cho FDI không chỉ tìm kiếm nguồn lực tại Việt Nam, mà còn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài từ Việt Nam.

Đây là điều Myanmar cần học tập trong khi thu hút lượng lớn FDI trong thời gian tới. Tránh kịch bản khi đã khai thác hết nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, cũng như lao động dồi dào, giá rẻ cũng chính là thời điểm kết thúc cho kỷ nguyên dòng vốn FDI chảy vào.

Để kịch bản trên xảy ra, Myanmar chẳng khác nào một mảnh đất thuộc địa màu mỡ cho các cường quốc đến khai phá và xâu xé. Một cuộc khải khẩn thực sự, tham lam và triệt để, không khác gì những năm thống trị của thực dân Anh, chỉ khác duy nhất về hình thức. Giờ đây là cơ hội để các cường quốc núp dưới cái bóng cuả FDI để tiến vào và Myanmar sẽ giang tay đón tất cả, nhưng chắc hẳn sẽ vừa mừng vừa lo.

Nguồn Dân Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày