Thế giới

Sòng bài Macau lao đao vì Trung Quốc chống tham nhũng

Thứ Sáu | 26/09/2014 21:47

Chiến dịch chống tham nhũng đã khiến giới nhà giàu chùn tay hơn trong việc đặt cược hàng triệu USD trên bàn casino.

Những casino lấp lánh vào ban đêm tại trung tâm bài bạc lớn nhất thế giới - Macau - được một hệ thống tài chính ngầm khổng lồ là các sòng bạc nuôi sống.

Các nhà điều hành sòng bạc sẽ sử dụng mối quan hệ cá nhân sâu trong Trung Quốc để "chiêu mộ" con bạc, mời gọi họ đến Macau, cho họ vay tiền để đặt cược, và đôi lúc phải thu nợ sau này bằng một số "biện pháp nghiệp vụ".

Hệ thống sòng bài mang về gần 2/3 doanh thu cho casino Macau trong năm 2013, tương ứng với 30 tỷ USD theo số liệu của chính phủ, nâng tổng doanh thu của thành phố lên cao gấp 7 lần so với Las Vegas Strip.

Nhưng giờ đây, hệ thống này đang bị đặt dưới sức ép. Sau tốc độ phát triển thần kỳ tại 70% trung bình năm trong 1 thập kỷ qua, khoản các sòng bài bòn từ ví khách "sộp" đang dần hao mòn trong những tháng gần đây, khi đợt bài trừ tham nhũng và lãng phí của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình đang bước vào giai đoạn cao trào.

Một số công ty điều hành sòng bài đang xoay xở bằng cách minh bạch hóa và cơ cấu lại tổ chức cho giống một doanh nghiệp điển hình, tuy nhiên khó có thể gột rửa hình ảnh một khi quan niệm công ty sòng bài dính liền với tội phạm đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội.

"Một hình thức ngân hàng ngầm đặc biệt"

Từ trước tới nay, Macau vẫn trông cậy thu hút khách VIP nhờ các sòng bài, nhưng Trung Quốc vừa thiết lập hạn mức tiền mặt công dân có thể mang theo khi rời lãnh thổ Đại lục.

Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng không công nhận các khoản nợ liên quan đến cờ bạc, đóng lại mọi cánh cửa để các khoản nợ này được giải quyết một cách hợp pháp, đồng thời phong tỏa các biện pháp lách luật, trong đó có hệ thống cho vay thay thế dựa dẫm vào các mối quan hệ cá nhân để trả nợ.

Trong một số trường hợp, các sòng bài cũng có chức năng như ngân hàng - nhận tiền cọc và cho vay tiền mặt - nhưng với một số điều kiện.

Họ thu xếp việc di chuyển và tạm trú của khách tại Macau, khu vực thuộc Trung Quốc nhưng có những bộ luật riêng. Họ có một nhóm "cò" vừa cung cấp vốn cho công ty, vừa đi mời chào khách.

Bên trong casino, các sòng bài bố trí bàn và phòng VIP riêng, kiếm tiền hoa hồng từ casino tính theo số tiền khách của họ tiêu pha.

"Đây là một hình thức ngân hàng ngầm đặc biệt. Rất khó để so sánh cấu trúc này với một ngành công nghiệp nào khác", ông Stephen Green - kinh tế gia tại Hongkong nhận xét.

Nghe "cò" tâm sự

Charlie Choi, một cò sòng bài cho biết ông bắt đầu "sự nghiệp" từ năm 1991, khi mới bước sang tuổi 18.

Ban đầu, ông đi thăm dò tại các sàn cá cược ở casino Lisboa với các cò khác, cho con bạc vay tiền, đưa ra các lời khuyên chiến thuật và ngồi chơi cùng họ thâu đêm suốt sáng tại các phòng casino VIP được sòng bài thuê.

Đây là một ngành kinh doanh nguy hiểm, ông cho biết. Vào những năm 1990, chuyện các băng nhóm tội phạm kèm cựa địa bàn, ẩu đả đổ máu xảy ra như cơm bữa.

Giờ thì tình hình đã yên ổn hơn với ít những vụ đụng độ, tuy nhiên đôi lúc những vụ án liên quan tới các băng nhóm này vẫn xuất hiện trên truyền thông.

Theo lời Choi, ngành công nghiệp này bùng nổ năm 2006, khi thành phố mở cửa cho những công ty đến từ Mỹ. Ban đầu, các doanh nghiệp nước ngoài không mấy mặn mà khi phải bắt tay làm ăn với những công ty có tiền sử "giang hồ", nhưng cuối cùng họ cũng chịu cho các sòng bài vay vốn làm ăn. Guồng kinh doanh đi vào giai đoạn khởi sắc sau khi được bôi trơn.

Choi kể lại kỷ niệm trong nghề với một khách hàng từ Thượng Hải. Ông này đến Macau 5 - 6 lần một năm và chơi đúng 3 lần một ngày, mỗi lần 1 tiếng. Choi kể ông đã giúp ông này thắng 13 tỷ USD chỉ trong vòng 3 năm, kể từ cuối những năm 2000. Cuối cùng, ông ta đã thua sạch trong vòng 1 tuần.

"Lúc trước, ông ấy nói nhiều lắm. Tuần đó, ông ấy cứ im im", Choi kể lại. Cuối cùng, ông khách Thượng Hải đã sa thải Choi và tìm một cò khác vì cho rằng Choi "quá đen".

Charlie Choi, một cò sòng bài bắt đầu sự nghiệp từ năm 1991, khi mới bước sang tuổi 18.

Hiện giờ, ông Choi đã bỏ làm cò, chuyển sang làm nhà đầu tư tại các sòng bài. Tháng Bảy năm nay, ông đã biến khoản đầu tư 1,3 triệu USD đầu năm 2013 lên thành 2,5 triệu USD, lãi gần gấp đôi.

Ông quản lý khoảng 20 cò, tất cả đều là bạn bè của ông. Ông cung cấp mỗi người một kênh tín dụng để chiều lòng 5 con bạc. Ông Choi tự tin rằng đội ngũ cò của ông đã "nắm thóp" mọi khách và hoàn toàn thu được nợ nếu cần.

20 cò của ông Choi chỉ là một bộ phận nhỏ trong số lượng 20.000 cò tại Macau, theo Billy Ng - chuyên gia tại ngân hàng Bank of America Merrill Lynch.

Không khó để nhận ra cò trong các casino, họ thường đi lại và nhìn ngó trong sòng, đeo một chiếc sắc cộm tiền mặt và xèng để cho vay nóng.

Một cò có thể mang theo hàng chục nghìn USD, nếu cần thêm tiền cho vay, họ sẽ tìm tới các nhà đầu tư như ông Choi. Theo lời ông, khoản vay nóng lớn nhất ông từng ký phiếu có giá 13 triệu USD.

Vũ khí duy nhất

Những người trong nghề cho biết thứ vũ khí tốt nhất để chống lại nợ xấu là quan hệ cá nhân, nếu không muốn nói là vũ khí duy nhất.

Giống các tay cho vay nghiệp dư khác, một số sòng bài phải viện đến "các sức ép vật lý" để đòi tiền, bà Sara Hsu - chuyên gia nghiên cứu mạng lưới tài chính không chính thống tại Trung Quốc ở đại học State University of New York cho biết.

Thực tế, kiểm tra tài sản con bạc theo phương pháp truyền thống để cho vay là vô ích, quản lý sòng bài cho biết, vì người chơi có thể giả mạo giấy tờ và các tài sản thế chấp.

Thêm vào đó, nhịp làm ăn bận rộn đặc thù không cho phép họ có nhiều thời gian để hành động theo quy tắc.

Sau khi một khách tại Trung Quốc gửi tin nhắn cho cò về kế hoạch đến Macau, "thường thì bạn chỉ có 10 phút để quyết định có cho vay hay không", một nhà đầu tư sòng bạc cho biết.

Mặc dù công việc kinh doanh của các sòng bài vẫn chưa đến độ khó khăn, doanh thu từ con bạc chơi tại các bàn VIP ở Macau - hầu hết trong số đó là khách sòng bài - đã giảm trung bình 16% trong quý II so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu toàn bộ tại Macau cũng trượt giảm, mặc dù với tỷ lệ thấp hơn tại 4,5%.

Sức ép bủa vây

Các sòng bài đang chịu sức ép từ 3 phía: Mỹ, chính phủ Trung Quốc và chính các casino.

Tại Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng đã khiến giới nhà giàu chùn tay hơn trong việc đặt cược hàng triệu USD trên bàn bài, nó cũng gia tăng rủi ro cho các sòng khi chuyển tiền ra vào các vùng lãnh thổ.

Sức ép nhen nhóm từ cuối năm 2012, khi cảnh sát Trung Quốc bắt giữ nhân vật chống lưng của một trong những sòng bài lớn nhất Macau hiện tại, vì bị nghi ngờ có quan hệ với Bạc Hy Lai - một quan chức cấp cao dính án tham nhũng cùng năm.

Về phía Mỹ, các công ty nước này cũng chịu sức ép khi chính quyền Washington ban hành các bộ luật ngăn chặn rửa tiền, từ đó, họ buộc phải yêu cầu sòng bài Macau minh bạch hóa công việc làm ăn.

Chính các casino cũng có nhiều lý do để o ép các sòng bài. Càng ngày, casino và sòng bài càng cạnh tranh với nhau về mặt khách hàng.

Khoản hoa hồng casino phải trả cho sòng để hút về khách VIP cao đến nỗi các casino chỉ còn đút túi được 1/4 lãi từ khoản cược của khách.

Một số casino cũng yêu cầu sòng cung cấp thêm thông tin về hoạt động và mạng lưới khách hàng để phục vụ công tác điều hành của nhà nước, theo lí giải của casino.

Nhưng các sòng bài thận trọng coi đây là kế hoạch của các casino nhằm xây dựng mối quan hệ riêng với nhóm khách "sộp" tại Trung Quốc.

Mục tiêu tối cao của các casino là rút càng nhiều lãi từ khách càng tốt, vì Macau hạn chế số lượng bàn chơi trong mỗi casino.

Đầu năm, nhiều casino đã tăng hạn mức doanh thu các sòng phải đảm bảo để được giữ bàn cao cấp và phòng VIP lên gấp đôi, tại gần 39 triệu USD/tháng, một con số rất khó đáp ứng.

Trong bối cảnh quy định đang được thắt chặt, Tập đoàn Las Vegas Sands đã phải nộp 47 triệu USD cho chính phủ Mỹ vì một vụ dàn xếp rửa tiền.

Mặc dù vụ việc không liên quan tới Macau, nhưng các quản lý casino cho biết họ cũng đang nỗ lực thắt chặt quản lý trên toàn thế giới.

Trong năm nay, Las Vegas Sands đã yêu cầu sòng bài tại casino của công ty ở Macau cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng, một động thái bị các sòng cực lực phản đối do lo tổn hại mối làm ăn.

Nhưng chính bản thân các sòng bài cũng làm mọi việc thêm tồi tệ. Vào tháng Tư, một quản lý sòng đã biến mất không dấu vết, ôm theo khoản nợ lên tới 1,3 tỷ USD. Khi thông tin vỡ lở, các nhà đầu tư trong công ty của ông này ùn ùn kéo tới quầy thu ngân của casino để đòi tiền.

Vụ việc đã khiến hàng loạt nhà đầu tư thoái vốn, khi một vài sòng bạc buộc phải thu hẹp quy mô hoặc sáp nhập với các sòng khác.

Hai tháng sau, tiếp đến một cổ đông lớn của sòng bài khác bị bắt giữ tại Macau do nghi vấn dính líu tới hoạt động in ấn sách bất hợp pháp. Sau khi nộp tiền bảo lãnh, ông này tới Las Vegas và lại bị bắt giữ với tội danh tương tự.

Mục tiêu tối cao của các casino là rút càng nhiều lãi từ khách càng tốt, vì Macau hạn chế số lượng bàn chơi trong mỗi casino.

Ông Steve Wynn - CEO của công ty Wynn khẳng định rằng trong quá khứ, việc các sòng bài ít khi nằm trong vòng cương tỏa đã mang lại lợi ích cho họ. Nhưng giờ đây, nó trở thành vật ngáng đường đối với những sòng muốn vươn lên thành công ty chuyên nghiệp.

"Các sòng bài có cấu trúc như một cái cây, với các nhánh mọc ngày càng dài. Việc kiểm soát cò là hầu như không thể vì số lượng sinh sôi nảy nở như nấm sau mưa", ông nói.

Một số chủ sòng phàn nàn về việc các casino "vắt chanh bỏ vỏ", họ chỉ nhờ đến sòng khi chưa có khách, một khi casino đã thiết lập được mạng lưới khách VIP riêng tại Trung Quốc, các sòng sẽ bị dẹp sang một bên,

"Các sòng bài giống như bộ váy cưới vậy, chỉ được dùng một lần rồi bị xếp vào đáy tủ", ông Tony Tong, một nhà đầu tư sòng bài cho biết.

Nguồn Bizlive


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày