Thế giới

SVB vỡ nợ - vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử tài chính Mỹ

Hải Miên Thứ Bảy | 11/03/2023 18:15

Trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon bị đóng cửa vào ngày 10/3 tại Santa Clara, California. Ảnh: Getty Images.

Cuối tháng 12, Ngân hàng Thung lũng Silicon nắm giữ tổng tài sản khoảng 209 tỉ USD, đây là vụ phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, sau Washington Mutual.
Trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon bị đóng cửa vào ngày 10/3 tại Santa Clara, California. Ảnh: Getty Images.

Vào ngày 10/3, các cơ quan quản lý ở California đã quyết định đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), đánh dấu sự thất bại lớn nhất trong thế chế tài chính Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái và lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Trước đó, Ngân hàng Thung lũng Silicon đã bán tháo một loạt chứng khoán và phải huy động vốn 2,25 tỉ USD để củng cố bảng cân đối kế toán, đồng thời chứng kiến khách hàng rút tiền ồ ạt. Là một trong những ngân hàng đi đầu trong thúc đẩy khởi nghiệp ở nước Mỹ, sự thất bại của SVB đã gây chấn động trong toàn ngành. Tình trạng hỗn loạn xảy ra trong bối cảnh các công ty công nghệ cắt giảm nhân sự, lãi suất liên tục tăng, đè nặng lên tình hình khó khăn tài chính hiện tại.

Các nhà chức trách đã đóng của SVB vào ngày 10/3, giữa sự bàng hoàng của thị trường, khi SVB là một ngân hàng đã tăng gấp bốn lần quy mô trong vòng 5 năm qua và được định giá hơn 40 tỉ USD vào năm ngoái.

Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) là gì?

 

SVB là một ngân hàng giao dịch công khai có trụ sở tại Santa Clara, California - trung tâm của Thung lũng Silicon. Sau khi các cơ quan quản lý ở California quyết định đóng cửa SVB và đặt ngân hàng dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), FDIC sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng để trả lại cho khách hàng, bao gồm cả người gửi tiền và chủ nợ.

FDIC cho biết tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ được trả lại chậm nhất là vào sáng 13/3. FDIC sẽ trả cho những người gửi tiền không được bảo hiểm một khoản "cổ tức tạm ứng trong tuần tới".

SVB làm việc với gần một nửa các công ty khởi nghiệp được đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Khách hàng của SVB bao gồm 44% các công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe được đầu tư mạo hiểm đã niêm yết cổ phiếu, bao gồm cả Pinterest và ZipRecruiter.

Vào cuối tháng 12, Ngân hàng Thung lũng Silicon nắm giữ tổng tài sản khoảng 209 tỉ USD, đây là vụ phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ, sau Washington Mutual, đã sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Điều gì đã xảy ra với ngân hàng SVB

Theo Bloomberg News, SVB đang nắm giữ một số lượng lớn trái phiếu Kho bạc và trái phiếu chính phủ khác, chiếm hơn một nửa tài sản của cơ quan này. Quy mô danh mục chứng khoán của SVB tăng từ 27 tỉ USD trong quý I/2020 lên khoảng 128 tỉ USD tính đến cuối năm 2021. Khi lãi suất tăng lên, những trái phiếu đó trở nên kém giá trị hơn và ngân hàng cần phải thu hồi khoản lỗ.

Cổ phiếu của SVB đã giảm 60% vào ngày 9/3, sau khi ngân hàng cho biết trước đó một ngày rằng họ đã bán tài sản trị giá 21 tỉ USD và dự định bán một số cổ phiếu để huy động tiền. Tiết lộ này đã gây hoang mang cho các nhà đầu tư công nghệ và những người sáng lập công ty, dần đến làn sóng rút tiền của các startup công nghệ.

Sau khi giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, giao dịch cổ phiếu SVB đã bị tạm dừng. Các cơ quan quản lý sau đó đã đóng cửa ngân hàng.

Điều này ảnh hưởng gì đối với nền kinh tế?

 

Sau vụ việc của SVB, thị trường lo ngại nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cổ phiếu Ngân hàng First Republic, cũng là nơi “chọn mặt gửi vàng” của nhiều công ty công nghệ ở California, đã giảm khoảng 22% vào chiều ngày 10/3. Cổ phiếu của Bank of America đã giảm khoảng 1% và cổ phiếu của Morgan Stanley đã giảm hơn 2% vào chiều cùng ngày.

Cùng lúc đó, dòng tiền gửi đổ vào SVB đã đảo chiều do các khách hàng cạn tiền. Sau đại dịch, rất nhiều công ty công nghệ đã rơi vào cảnh cạn kiệt tiền mặt do kinh doanh khó khăn và cũng rất khó để huy động vốn mới dù theo hình thức phát hành cổ phiếu hay gọi vốn đầu tư mạo hiểm.

Hơn nữa lãi suất huy động cũng tăng mạnh theo những đợt tăng lãi suất của Fed, khiến chi phí huy động tiền gửi ngày càng trở nên đắt đỏ. Lượng tiền gửi tại SVB giảm mạnh từ gần 200 tỉ USD ở thời điểm cuối tháng 3/2022 xuống còn 173 tỉ USD vào cuối năm 2022.

Bước sang năm 2023, tình hình còn tệ hơn. Ngày 19/1, SVB dự báo tiền gửi sẽ giảm khoảng 5% trong năm 2023. Nhưng đến 8/3 họ đã phải điều chỉnh dự báo lên mức 2 con số.

Có thể bạn quan tâm: 

Thị trường lao động Mỹ vẫn rất "cứng cỏi"

Nguồn The Washington Post


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày