Thế giới

Trung Quốc đang ráo riết thu mua khí đốt tự nhiên

Hải Miên Thứ Ba | 04/07/2023 17:20

Xe bồn chở khí tự nhiên hóa lỏng qua cầu Xihoumen ở Zhoushan, Trung Quốc, năm 2019. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đang ráo riết thu mua khí đốt tự nhiên ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã lắng xuống.
Xe bồn chở khí tự nhiên hóa lỏng qua cầu Xihoumen ở Zhoushan, Trung Quốc, năm 2019. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp quốc doanh trong việc ký hợp đồng dài hạn, thậm chí là đầu tư vào các cơ sở xuất khẩu nhiên liệu, nhằm tăng cường an ninh năng lượng quốc gia cho đến giữa thế kỷ này.

Quốc gia này đang trên đà trở thành nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới vào năm 2023. Năm nay cũng là năm thứ ba liên tiếp các công ty Trung Quốc ký thỏa thuận nhập khẩu LNG dài hạn nhiều hơn hơn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Trung Quốc đang hướng đến một tương lai không còn tình trạng thiếu năng lượng, đồng thời tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các hợp đồng LNG dài hạn rất hấp dẫn vì các lô hàng được hứa hẹn ở mức giá tương đối ổn định so với thị trường giao ngay, nơi giá khí đốt tăng cao nhất mọi thời đại sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Những nỗ lực đạt được thỏa thuận sẽ giúp củng cố các dự án xuất khẩu toàn cầu, củng cố vai trò của nhiên liệu vận chuyển bằng đường biển trong hỗn hợp năng lượng. Và khi các nhà cung cấp chuyển sang thu hút các nhà nhập khẩu Trung Quốc, ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thị trường sẽ tăng lên.

Nhập khẩu LNG của Trung Quốc dự kiến tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Nguồn: Rystad.
Nhập khẩu LNG của Trung Quốc dự kiến tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Nguồn: Rystad.

Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng mua khí đốt dài hạn vào năm 2021, sau khi quan hệ với Mỹ được cải thiện. Nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc giảm trong năm ngoái, một phần do nhu cầu yếu hơn trong bối cảnh các hạn chế chống Covid. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu khí đốt nước này đã trở lại thị trường một cách mạnh mẽ sau khi nguồn cung khí đốt Nga sang châu  u bị gián đoạn trong bối cảnh chiến tranh.

Kết quả là giá cao và sự cạnh tranh toàn cầu đối với nhiên liệu đã nhanh chóng mang lại một bài học về nguồn cung ổn định. Một phần trong nỗ lực thúc đẩy an ninh năng lượng của Trung Quốc là đa dạng hóa nhập khẩu giữa các quốc gia khác nhau, như một bước đệm chống lại sự gián đoạn địa chính trị.

 

Một số nhà nhập khẩu khác, bao gồm cả Ấn Độ, cũng đang tìm cách ký kết nhiều thỏa thuận hơn để tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai và hạn chế sự phụ thuộc vào giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, Trung Quốc đang chốt các hợp đồng với tốc độ nhanh hơn nhiều. Cho đến nay, 33% khối lượng LNG dài hạn được ký kết đã vào tay Trung Quốc, theo Bloomberg. 

Trong tháng trước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã ký một thỏa thuận 27 năm với Qatar và nắm giữ cổ phần trong dự án mở rộng quy mô của nhà xuất khẩu này, trong khi một doanh nghiệp Trung Quốc khác là ENN Energy Holdings Ltd. ký một hợp đồng kéo dài hàng thập kỷ với công ty dầu khí Cheniere Energy Inc của Mỹ. Việc cung cấp khí đốt từ cả hai hợp đồng dự kiến ​​sẽ bắt đầu ngay từ năm 2026.

Nhiều thỏa thuận khác đang chuẩn bị được ký kết, với các cuộc đàm phán diễn ra trong các phòng họp từ Singapore đến Houston. Các doanh nghiệp quốc doanh lớn như CNOOC và Sinopec đang thảo luận với Mỹ, trong khi các công ty nhỏ hơn như Tập đoàn Năng lượng tỉnh Chiết Giang và Tập đoàn Khí đốt Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm các thỏa thuận, giới thương nhân tiết lộ.

 

Theo các thương nhân, Qatar đang đàm phán với một số khách Trung Quốc về các hợp đồng mua bán khí đốt có thể kéo dài hơn 20 năm. Sinopec là một trong số các công ty đang đàm phán để đầu tư vào khai thác khí đốt ở Saudi Arabia, có thể bao gồm việc xây dựng các cơ sở để xuất khẩu nhiên liệu này, Bloomberg đưa tin hồi tháng 5.

Các thỏa thuận sẽ giúp cung cấp năng lượng cho khoảng chục cảng nhập khẩu mới, dự kiến ​​sẽ bắt đầu xây dựng trên khắp các thành phố ven biển của Trung Quốc trong thập kỷ này. Theo nhà tư vấn Rystad Energy của Na Uy, nhập khẩu LNG của quốc gia này có thể tăng lên tới 138 triệu tấn vào năm 2033, gấp đôi mức hiện tại. 

Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu tăng là không chắc chắn, đặc biệt là khi Trung Quốc tăng cường sản xuất khí đốt trong nước, trong khi các chuyến hàng đường bộ từ Nga có thể tăng nếu các đường ống mới được xây dựng..

Đồng thời, tình trạng mất và thiếu hụt điện trong vài năm qua đã thay đổi suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, những người hiện đang coi trọng vấn đề an ninh năng lượng hơn là việc các nhà nhập khẩu nhiên liệu đứng trước khả năng cung vượt cầu.

Có thể bạn quan tâm: 

Nhu cầu dầu sẽ đạt 110 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2045

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày