Thế giới

Trung Quốc sẽ tung thêm biện pháp để kích thích kinh tế?

Lam Ngọc Thứ Năm | 31/08/2023 21:00

Thị trường Trung Quốc kỳ vọng vào đợt hạ lãi suất của các ngân hàng quốc doanh. Ảnh: Getty.

Trung Quốc tìm cách kích thích tiêu dùng của người dân trở lại trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn hầu như từ mọi phía.
Thị trường Trung Quốc kỳ vọng vào đợt hạ lãi suất của các ngân hàng quốc doanh. Ảnh: Getty.

Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc có thể sẽ hạ lãi suất đối với 5.300 tỉ USD các khoản vay thế chấp hiện nay trên cả nước. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với những khách hàng vay mua nhà lần đầu. Theo đó, ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCBC) dự kiến sẽ hạ lãi suất gửi tiền lần thứ 3 trong năm vào cuối tuần này.

Động thái của Trung Quốc được cho là để vực dậy nền kinh tế đang bị rủi ro bủa vây tứ phía, từ thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng cho tới tiêu dùng suy yếu. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh cũng kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp thu hút thêm dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán đang “ngập đỏ”, đồng thời giảm bớt áp lực cho người đi vay.

 

Đợt hạ lãi suất này được thị trường Trung Quốc kỳ vọng rất nhiều, sau động thái hạ lãi suất của PBOC hồi tháng 7. Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã có sự lo ngại về triển vọng ngày càng xấu của nền kinh tế, đặc biệt là ở lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng nền kinh tế đón nhận một loạt tin xấu, bao gồm dữ liệu kinh tế gây thất vọng, giảm phát tăng, xuất khẩu tiếp tục suy giảm, và một ngân hàng có dấu hiệu đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Đứng trước khó khăn, chính phủ Trung Quốc thận trọng hơn trong việc đưa ra các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế. Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có động thái cân nhắc hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu đang sụt giảm. Mặc dù đã hạ lãi suất chuẩn hồi đầu tháng 8, nhưng hầu hết các hộ gia đình vẫn chưa muốn chi tiêu trở lại, bởi phải đến năm sau các ngân hàng quốc doanh mới định giá lại các khoản vay.

Theo ngân hàng JPMorgan, mức lãi suất hàng năm đối với các khoản vay mới hiện là 4,18%, thấp hơn khoảng 60 điểm cơ bản so với dư nợ hiện có. Điều này lý giải cho việc người tiêu dùng vay các khoản vay ngắn hạn sẽ phải thanh toán nợ thế chấp sớm hơn. Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tính đến tháng 7/2021, hơn 90% khoản vay chưa thanh toán của nước này được áp dụng cho các khách vay mua nhà lần đầu. Năm 2022, hơn 80% các khoản cho vay mua nhà cũng là từ những khách vay mua nhà lần đầu.

Song, nhiều chuyên gia cho rằng động thái hạ lãi suất của các ngân hàng sẽ làm gia tăng thêm áp lực giảm đối với đồng nhân dân tệ, đồng tiền đang bị đè nặng do triển vọng kinh tế sa sút.

Mặt khác, một “ông lớn” ngành bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với khả năng vỡ nợ khi doanh số toàn thị trường đã “hết sức” để gượng dậy. Không những vậy, rủi ro còn lan sang lĩnh vực tài chính. Một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất của Trung Quốc đã trễ hạn thanh toán một số sản phẩm đầu tư. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn với thách thức gần như đến từ mọi phía.

Nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản đang chìm trong khủng hoảng. Ảnh: Getty.
Nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản đang chìm trong khủng hoảng. Ảnh: Getty.

Để ổn định thị trường tài chính, PBOC giữ quan điểm duy trì lãi suất chủ chốt và chỉ thực hiện các đợt hạ lãi suất quy mô nhỏ. Như vậy, vừa có thể tăng nguồn cung tiền mà không gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận của các ngân hàng. Ngày 15/8 vừa qua, PBOC đã bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt, với mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2020 đối với các khoản vay kỳ hạn 1 năm.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 100 trong số 343 thành phố của Trung Quốc hạ lãi suất thế chấp đối với các khoản vay mua nhà lần đầu hoặc loại bỏ mức lãi suất tối thiểu bắt buộc theo quy định. Tháng 6/2023, lãi suất thế chấp trung bình ở nền kinh tế lớn thứ 2 là 4,11%, thấp hơn 0,51 điểm phần trăm so với 1 năm trước.

Lần gần nhất Trung Quốc có động thái tương tự là vào đầu năm 2009. Khi đó, một số ngân hàng quốc doanh đã hạ lãi suất cho những khách vay đủ điều kiện ở một số khu vực nhất định, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.

Có thể bạn quan tâm:

Xe điện Trung Quốc gặp khó ở châu Âu

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày