Thế giới

Ukraine có đủ tiền để mua vũ khí phương Tây?

Thứ Năm | 16/10/2014 20:16

Việc Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ trang bị vũ khí chính xác cao của phương Tây cho quân đội khiến nhiều người nghi ngờ bởi khả năng tài chính của Kiev.

“Sáng nay, tôi đã có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của hai đối tác rất quan trọng của Ukraine. Tôi khẳng định rằng, việc cung cấp các công nghệ thông minh mới sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả của các lực lượng vũ trang của Ukraine”, trang tin quân sự Vpk dẫn lời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại cuộc họp Quốc hội Ukraine hôm 14/10 cho biết.

Ông Poroshenko lưu ý rằng, một số các loại vũ khí do đối tác cung cấp “vượt quá sự kỳ vọng của Kiev”. Việc thiết lập những quan hệ đối tác hiệu quả sẽ cho phép Kiev tiếp cận với các loại vũ khí tối tân, ông Poroshenko nhấn mạnh.

“Ukraine đang tiến hành mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế cơ bản, bao gồm quân sự - kỹ thuật, trong đó việc hợp tác quân sự đã được đẩy mạnh với các đối tác của chúng ta, bao gồm các quốc gia NATO, EU, Mỹ, Canada…”, Tổng thống Poroshenko nói.

Tuy nhiên, đề nghị của Kiev vẫn chưa được chính quyền Tổng thống Barack Obama chấp thuận.Theo nhận định của Lenta, ngay cả khi Mỹ bật đèn xanh thì Kiev cũng không có khả năng tài chính để mua những vũ khí có thể tạo nên bước ngoặt trên chiến trường miền Đông. Bởi vũ khí có nguồn gốc từ phương Tây thường rất đắt đỏ,Lenta cho biết thêm.Trước đó, hôm 18/9, trong chuyến thăm Washington, Tổng thống Ukraine Petro kêu gọi Quốc hội Mỹ cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, trong đó nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự của Kiev tại khu vực Donbass cần thiết phải có “vũ khí sát thương và nhiều thiết bị quân sự khác”.

Được biết, kế hoạch trang bị vũ khí phương Tây nằm trong chương trình chi tiêu quốc phòng được Tổng thống Ukraine công bố hồi cuối tháng 9. Theo kế hoạch, Ukraine sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên gấp 5 lần (tương đương 5% GDP). Số lượng binh lính thuộc lực lượng vũ trang của nước này cũng được tăng gấp đôi.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Tổng thống Petro Poroshenko đã nêu ra trong “Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020” mới được công bố. Một khi được thực hiện, Ukraine sẽ là một trong những quốc gia bạo chi nhất cho quân sự trên thế giới.

Theo kế hoạch được Tổng thống Petro Poroshenko công bố ngày 25/9, Ukraine sẽ hiện đại hóa đất nước trong vòng 6 năm tới. Theo đó, Ukraine cùng lúc khởi động khoảng 60 cuộc cải cách trong toàn bộ các lĩnh vực, trong đó phát triển quân đội và các tổ hợp quốc phòng là một trong những ưu tiên.

Chưa nói tới các lĩnh vực khác, chỉ riêng chương trình cải cách quốc phòng của Ukraine cũng đã bị đánh giá là quá tham vọng, thậm chí là viển vông.

Theo kế hoạch đề ra, số lượng binh lính Ukraine sẽ tăng từ 2,8 người/1 nghìn dân lên 7 người/1 nghìn dân trong thời gian tới. Điều này có nghĩa là tổng quân số của các lực lượng vũ trang (gồm quân đội, Cơ quan an ninh và Biên phòng) sẽ tăng lên gấp hơn 2 lần, đạt gần 500.00 quân.

Việc gia tăng quân số kéo theo một loạt chi phí hậu cần cho quân đội và khiến chi phí quốc phòng nói chung tăng rất mạnh.

Giám đốc Cục Tài chính Bộ Quốc phòng Ukraine Ivan Marko khẳng định rằng trong năm 2014, Ukraine phải chi hơn 38,7 tỷ grivna (gần 3 tỷ USD) cho các nhu cầu quân sự và tổng chi cho quốc phòng là gần 4,8 tỷ USD.

Trên thực tế, chi tiêu quốc phòng của Ukraine đã cán mức 5% GDP của nước này và là một trong những chỉ số cao nhất trong số các nước từng thuộc Liên Xô trước đây.

Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, trong năm 2015, Ukraine sẽ chi khoảng 775 triệu USD (chiếm gần 20% tổng chi phí quốc phòng) để mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự mới. Trong khi đó, Tổng thống Poroshenko mới đây cũng cho biết có đến 65% thiết bị kỹ thuật của Ukraine đã bị hư hỏng nặng sau các chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine và nước này cần phải thay mới toàn bộ.

Một chiếc xe tăng hiện đại được sản xuất ngay tại Ukraine hiện được cho là có mức giá khoảng 300.000 USD. Như vậy hơn 700 triệu USD để đổi mới vũ khí chỉ đủ để mua khoảng 200 chiếc xe tăng và một số phương tiện thiết giáp phục vụ vận tải để trang bị cho lục quân. Nếu như vậy, Ukraine sẽ không còn ngân sách để hiện đại hóa các lực lượng phòng không và hải quân.

Trong khi thiếu tiền mua vũ khí, Ukraine phải dành ra tới 62% tổng ngân sách quốc phòng để duy trì quân đội, trong đó phần lớn được dùng để chi trả lương, nuôi quân và đào tạo tân binh.

Ngoài ra, muốn nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang, Ukraine phải tiến hành tập trận với chi phí rất lớn, nhất là trong bối cảnh từ khi Liên Xô tan rã, Ukraine chưa tổ chức bất cứ cuộc tập trận nào.

Thượng tướng quân đội Ukraine Yuri Netkachev cũng phải thừa nhận ngay cả với mức chi 5% GDP thì Ukraine cũng chỉ đủ kinh phí để duy trì các lực lượng hiện nay và khuyến khích binh lính không đào ngũ vì khó khăn kinh tế, chứ không đủ sức thay đổi diện mạo cỗ máy quân sự vốn đã quá rệu rã.

Nguồn Báo Đất Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày