Thế giới

Văn phòng cho thuê toàn cầu ế khách

Mỹ Quyên Thứ Ba | 20/06/2023 11:17

Chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài được coi là chất xúc tác giúp thị trường bất động sản náo nhiệt trong thời gian qua. Ảnh: Nikkei Asia.

Các cơ quan quản lý tài chính trên toàn cầu đang ngày càng lo ngại về tác động của sự sụt giảm nhu cầu văn phòng lên hệ thống tài chính.
Chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài được coi là chất xúc tác giúp thị trường bất động sản náo nhiệt trong thời gian qua. Ảnh: Nikkei Asia.

Nhu cầu văn phòng trên khắp thế giới đã giảm khi nhiều người làm việc tại nhà hơn và các doanh nghiệp đẩy mạnh cắt giảm việc làm để đối phó với tình trạng tăng trưởng chậm. Vào cuối tháng 3, tỉ lệ văn phòng trống đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tại 10 trong số 17 thành phố lớn trên thế giới.

 

Không chỉ văn phòng có nhu cầu yếu mà khách sạn và các cơ sở thương mại khác cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra bất ổn tài chính do các khoản vay bất động sản quá hạn.

Trên thực tế, một số nhà đầu tư lớn đã rút khỏi hoạt động kinh doanh khách sạn tại Mỹ. Park Hotels & Resorts, chủ sở hữu của Hilton San Francisco Union Square, vào ngày 5/6 đã thông báo ngừng thanh toán vay thế chấp và chấp nhận mất khách sạn này cho các chủ nợ. Tổng số nợ Park Hotels & Resorts phải trả liên quan đến Hilton San Francisco và một tài sản khác là 725 triệu USD.

Giám đốc Điều hành của Park Hotels & Resorts, ông Thomas Baltimore, cho rằng việc vỡ nợ là do nhu cầu công tác và tổ chức hội nghị yếu đi, vì các công ty tái cơ cấu. Theo ông Baltimore, tỉ lệ văn phòng trống xung quanh khách sạn đang ở mức cao kỷ lục vì San Francisco ghi nhận tỉ lệ nhân viên quay trở lại văn phòng thấp hơn so với các thành phố khác.

Tỉ lệ văn phòng trống tại khu vực San Francisco đạt gần 20% vào cuối tháng 3, theo CBRE, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản thương mại. Thị trường đã được hỗ trợ bởi các công ty công nghệ thông tin, chẳng hạn như Salesforce và Twitter (nay là X Corp), nhưng nhu cầu đã giảm kể từ mùa thu năm 2022 do nhiều công ty công nghệ thông tin cắt giảm lực lượng lao động trong bối cảnh tăng trưởng chậm.

Thị trường văn phòng bên ngoài Mỹ cũng không khá khẩm hơn là bao. Tỉ lệ trống trên tổng số văn phòng cho thuê ở Hồng Kông đã tăng trên 15% lên mức cao kỷ lục, khi các doanh nghiệp từ Trung Quốc đại lục giảm không gian văn phòng, trong khi các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu chuyển cơ sở tới Singapore hay một số địa điểm khác. Tỉ lệ trống ở Tokyo tương đối thấp so với các thành phố khác nhưng cũng xấp xỉ 5% - mốc được coi là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế có thể bước vào đà suy giảm.

Trên toàn thế giới, tỉ lệ văn phòng trống là 12,9% vào cuối tháng 3, thấp hơn mức 13,1% được công bố trong giai đoạn 2009-2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo CBRE. Với lưu lượng người qua lại ít hơn ở các trung tâm thành phố, trung tâm mua sắm, khách sạn và các cơ sở thương mại khác đều có tỉ lệ hoạt động giảm.

Tỉ lệ bỏ trống bất động sản văn phòng ở một số thành phố. Ảnh: Nikkei Asia
Tỉ lệ bỏ trống bất động sản văn phòng ở một số thành phố. Ảnh: Nikkei Asia.

Các cơ quan quản lý tài chính trên toàn cầu đang ngày càng lo ngại về tác động của sự sụt giảm nhu cầu văn phòng lên hệ thống tài chính. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ hồi tháng 5, ông Michael Barr, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bày tỏ lo ngại về sự yếu kém của thị trường văn phòng đô thị, ông nói: “Chúng tôi đang xem xét cẩn thận nguy cơ từ bất động sản thương mại”.

 

Số tiền các chủ sở hữu văn phòng và các bất động sản thương mại khác vay từ các ngân hàng Mỹ đã lên tới mức gần 3.000 tỉ USD, trong số đó 70% đến từ các cơ sở cho vay vừa và nhỏ.

Khi chính sách tiền tệ Mỹ được nới lỏng, các ngân hàng cỡ vừa tăng cường bơm tiền vào bất động sản thương mại. Tuy vậy, đây có thể là điều đẩy ngân hàng vào đường cùng.

Giá bất động sản thương mại của Mỹ đã giảm 15,3% trong tháng 4 so với 1 năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2009, theo công ty nghiên cứu Green Street của Mỹ. Nhiều tài sản đã trở nên ít sinh lời hơn khi người thuê nhà chuyển đi, trong khi việc huy động vốn mới trở nên tốn kém hơn đối với các doanh nghiệp.

Do khó có thể vay tiền để trả nợ, một số chủ sở hữu bất động sản buộc phải bán tài sản, qua đó khiến giá bất động sản ngày càng xuống thấp, đồng thời đẩy giá trị thế chấp xuống theo. Hệ quả là cơ sở cho vay khó thu hồi tiền hơn và sẽ có xu hướng cho vay ít hơn. Đây là kịch bản giới chức các nước lo ngại vì sẽ cản trở đà hồi phục của nền kinh tế.

Châu Âu không tránh khỏi nguy cơ này. Ngân hàng Trung ương châu Âu hồi tháng 5 bày tỏ lo ngại về lượng tiền mà các quỹ đầu tư đổ vào bất động sản. Giá bất động sản đã giảm ở châu Âu. Nếu các quỹ đầu tư sụp đổ, điều đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngân hàng.

Chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài được coi là chất xúc tác giúp thị trường bất động sản náo nhiệt trong thời gian qua. Tại Nhật, nhiều cá nhân và quỹ hưu trí đã rót vốn vào bất động sản thông qua các quỹ đầu tư. Nhưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng ở Mỹ và các nơi khác đã thay đổi cục diện một cách mạnh mẽ.

Có thể bạn quan tâm: 
Khi âm nhạc dịch chuyển cả một nền kinh tế

Nguồn Nikkei Asia


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày