Xe Thông Minh

Ô tô điện và thương mại điện tử ô tô đang định hình lại nền công nghệ ô tô toàn cầu

Phi Vũ Thứ Ba | 28/09/2021 09:29

Ảnh: VinFast.

Hai động lực lớn hứa hẹn sẽ sớm tạo nên cuộc cách mạng trên thị trường ô tô.
Ảnh: VinFast.

Nền công nghiệp ô tô toàn cầu đang chứng kiến một trong những sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong lịch sử khi cộng hưởng cùng lúc “Cuộc cách mạng xe điện” và “Cuộc cách mạng thương mại điện tử ô tô”. Cơ hội nào cho các startup “non trẻ” trong lĩnh vực ô tô điện?

Cách mạng thương mại điện tử ô tô: “Mũi tên trúng 2 đích”

Cuộc cách mạng thương mại điện tử ô tô là hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng kỹ thuật số. Trong hơn 2 năm qua, sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 vô tình khiến cho cuộc cách mạng này diễn ra nhanh hơn, sâu hơn và rộng hơn trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc kinh doanh ô tô online được coi là “một mũi tên trúng 2 đích”: một mặt giúp gia tăng và cá nhân hóa các trải nghiệm không giới hạn của khách hàng với các sản phẩm; mặt khác giúp các nhà sản xuất ô tô tiếp cận đa nền tảng tới mọi khách hàng với thông tin đầy đủ, chính xác và tiết kiệm chi phí.

Là một công ty ô tô toàn cầu, VinFast - thương hiệu ô tô của Việt Nam - tất nhiên không nằm ngoài cuộc cách mạng ấy. Đầu tháng 8/2021, VinFast công bố triển khai giải pháp kinh doanh ô tô trực tuyến toàn diện đầu tiên tại Việt Nam. Khách hàng có thể trải nghiệm, so sánh, đặt cọc, vay vốn hay đặt lịch bảo dưỡng, sửa chữa... chỉ với vài thao tác trên website chính Hãng. Sự ra đời đúng thời điểm của mô hình kinh doanh ô tô online đã đem đến cho VinFast 10.000 đơn đặt hàng VF e34, chiếm gần một nửa trong tổng số trên 25.000 đơn đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên của Việt Nam này.

Một số người cho rằng mô hình kinh doanh online của VinFast chỉ hướng tới khách hàng trong nước, song giới kinh doanh và các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô đều nhìn nhận đây là bước đà quan trọng để VinFast sẵn sàng triển khai tại Mỹ và châu Âu - các thị trường mục tiêu của hãng xe này.

Trao đổi với NCĐT qua điện thoại, anh Hoàng Quân, sinh sống và làm việc tại bang California (Mỹ), cho biết năm ngoái, anh mua chiếc xe thứ 2 qua kênh online và trải nghiệm khá tiện lợi. Có 2 lý do để anh Quân chọn hình thức này. Thứ nhất là sợ dịch bệnh nên hạn chế tiếp xúc chỗ đông người; và thứ 2 là giá cả khi mua online minh bạch hơn.

“Mua xe cả mới và cũ ở Mỹ không có giá niêm yết nên khi mua theo kiểu truyền thống, phải thương thảo giá xe với nhân viên bán hàng. Việc này rất mất thời gian”, anh Quân nói.

Thắt chặt chi tiêu và không muốn trả thêm các phí khác khi mua xe là tâm lý chung của người tiêu dùng Mỹ hiện nay. Theo Axios, đó cũng là lý do khiến các công ty kinh doanh xe đã qua sử dụng như Vroom hay Carvana tăng trưởng rất nhanh nhờ chuyển đổi số mô hình kinh doanh, trong đó có việc kinh doanh trực tuyến, giúp giảm chi phí không đáng có.

“Hiện nay, khách hàng thích ý tưởng có 15.000 ô tô để lựa chọn mà không cần phải đi từ đại lý này sang đại lý khác”, ông Paul Hennessy, Giám đốc Điều hành Vroom, nói.

Không chỉ Mỹ, mà ngay cả châu Âu, thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới, đồng thời là thị trường xe điện có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, cũng đang có xu hướng “online hóa”. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Thị trường McKinsey năm 2020, người tiêu dùng đang sử dụng kênh bán hàng trực tuyến để tương tác mọi ngành hàng. Tăng trưởng kênh trực tuyến đã tăng trung bình 13% ở các quốc gia thuộc châu Âu, cao nhất là Đức với 28%. McKinsey cho rằng việc hiện diện trực tuyến có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thực tế, nhiều hãng sản xuất ô tô trên thế giới cũng đã có những động thái rất rõ nét. Theo Axios, cả Honda và Ford đã lên kế hoạch xây dựng nền tảng bán xe đã qua sử dụng trực tuyến cho hơn 3.000 đại lý. Điều này có nghĩa là sắp tới, khách hàng có thể lựa chọn cả xe mới và xe đã qua sử dụng trên nền tảng của họ. Thậm chí, Ford còn lên kế hoạch cắt giảm sản xuất ô tô hàng loạt, lưu trữ tại các đại lý sang mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng online, để giảm chiết khấu, chi phí không cần thiết. “Chúng tôi cam kết hướng tới một hệ thống dựa trên đơn đặt hàng và duy trì hàng tồn kho ở mức cung cấp từ 50-60 ngày”, ông Jim Farley, Giám đốc Điều hành Ford, cho biết.

Các nhà sản xuất châu Âu cũng không ngồi yên. Mercedes-Benz đang đặt mục tiêu doanh số trực tuyến chiếm 25% tổng số ô tô bán ra vào năm 2025. Volvo tham vọng hơn khi đặt mục tiêu chuyển tất cả doanh số lên online vào năm 2030.

Cách mạng xe điện: Ô tô điện là sản phẩm cốt lõi

Không chỉ thay đổi mô hình bán hàng, các nhà sản xuất ô tô cũng đã xác định rõ ô tô điện là sản phẩm cốt lõi, đồng thời lên kế hoạch cắt giảm, tiến tới ngừng sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong.

 

Giai đoạn 2020-2021 được xem là cột mốc quan trọng của xe điện khi chứng kiến ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn tham gia thị trường. Mới đây, Stellantis, nhà sản xuất ô tô hợp nhất giữa Fiat Chrysler và Groupe PSA (Pháp), đã công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 35,5 tỉ USD vào xe điện và công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025.

Như vậy, 4 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới là Volkswagen, General Motors, Ford Motor và Stellantis đều xác nhận tham gia sản xuất xe điện và đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sản phẩm sang xe điện vào năm 2025 hoặc năm 2030.

Mỹ hiện là thị trường ô tô lớn thứ 2 thế giới và cũng là thị trường mà mọi nhà sản xuất ô tô toàn cầu, trong đó có VinFast, nhắm đến. Sau thời gian nhùng nhằng vì lợi ích của các ông lớn trong lĩnh vực xăng dầu, Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh sự hiện diện của xe điện ở quốc gia này. Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ kỳ vọng hơn một nửa xe ô tô bán ra là xe điện vào năm 2030.

Theo đó, kế hoạch đầu tư 15 tỉ USD của ông Biden để xây dựng mạng lưới trạm sạc quốc gia được các nhà phân tích cho rằng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Mỹ nhắm đến mục tiêu có 500.000 trạm sạc, tăng gấp 5 lần so với số trạm sạc hiện nay. Động thái này có thể nhằm thay đổi đánh giá của Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT) về Mỹ khi quốc gia này vẫn đi sau Trung Quốc và châu Âu về sản xuất và tiêu thụ xe điện, và khoảng cách đó ngày càng được nới rộng hơn từ năm 2017 đến năm 2020.

Ảnh: VInFast.
Ảnh: VinFast.

Theo IEA, doanh số lũy kế ô tô điện trên toàn cầu đến năm 2020 đã đạt hơn 10 triệu xe. Vào cuối năm 2017, các nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Mỹ đã sản xuất 20% số xe điện toàn cầu nhưng đến năm 2020, con số này giảm còn 18%. Hiện châu Âu là thị trường có sức tăng trưởng mạnh mẽ nhất năm 2020 với 1,4 triệu xe, tăng gần 6 lần chỉ trong 4 năm qua.

Cùng lúc mang các sản phẩm ô tô điện hướng tới châu Âu - thị trường xe điện có sức tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, và Mỹ - thị trường đang được chính phủ chú trọng đặc biệt để thay đổi vị thế trong cuộc cách mạng xe điện, VinFast đã cho thấy sự nhạy bén nắm bắt cơ hội của họ trong chiến lược đi ra thế giới.

Mỹ và Châu Âu: Sự lựa chọn “không ngẫu nhiên” của VinFast

Trong thời kỳ đầu của cuộc cách mạng ô tô điện, cơ hội được chia đều cho tất cả các thương hiệu, dù mới hay cũ. Nhiều chuyên gia ô tô cho rằng, các startup ô tô điện nếu được đầu tư mạnh mẽ, bài bản và có chiến lược đúng đắn hoàn toàn có thể chiếm lợi thế trong giai đoạn khởi động của cuộc đua này.

Ngoài cái tên quen thuộc Tesla, Nio và Xpeng là 2 công ty nổi bật trên sàn chứng khoán Mỹ trong khoảng một năm trở lại đây. Tuy nhiên, cả 3 thương hiệu này đều có doanh số phần lớn ở Trung Quốc - thị trường xe điện tăng trưởng nhanh nhưng lại không dễ tham gia.

 

Phần còn lại của thế giới là Mỹ và châu Âu mới thực sự là sân chơi chung cho các startup trong lĩnh vực xe điện như VinFast. Châu Âu hiện là thị trường có tốc độ tăng trưởng xe điện nhanh nhất, cơ hội là rõ ràng! Song, Mỹ đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn sau thông điệp đầy tham vọng của Tổng thống Joe Biden. 

Đầu tiên là thị trường xe điện tại Mỹ còn rất nhiều cơ hội. Theo Schmidt Automotive Research, đơn vị chuyên theo dõi doanh số bán xe điện ở châu Âu, trong 6 tháng đầu năm 2021, 17% ô tô mới được bán ra ở châu Âu là xe chạy pin hoặc hybrid. Trong khi đó, con số này chưa đến 4%, theo Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne tổng hợp tại Mỹ.

Thứ 2 là phân khúc xe điện du lịch gia đình còn thiếu vắng thương hiệu ô tô. Theo website WardsAuto, nếu tính luôn Tesla, có khoảng 9 doanh nghiệp khởi nghiệp xe điện đang nhắm vào thị trường Mỹ.

Các bên có nhiều cách tham gia thị trường, có doanh nghiệp cung cấp xe tải điện cho các doanh nghiệp vận tải như Workhorse, có doanh nghiệp chỉ nhắm vào phân khúc xe điện cao cấp như Faraday Future. Nổi bật trong số đó là Rivian khi được Amazon đầu tư và hợp đồng cung cấp 100.000 xe tải chạy bằng điện cho Amazon. Nhưng nhìn chung, không nhiều đơn vị tham gia hoàn toàn phân khúc xe du lịch gia đình như Tesla.

Trong khi đó, dù cam kết tham gia thị trường xe điện nhưng 4 ông lớn trong ngành sản xuất xe vẫn cần lộ trình để chuyển đổi hoàn toàn sản phẩm của mình. Quan trọng hơn, Nio và Xpeng, 2 doanh nghiệp xe điện hàng đầu Trung Quốc, cũng chưa có kế hoạch gia nhập thị trường Mỹ. Chính vì thế, cánh cửa cơ hội dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xe điện với sản phẩm có sẵn vào Mỹ như VinFast đang rộng mở.
VinFast có lẽ hiểu thị trường Mỹ hơn ai hết và Hãng đã có kế hoạch rất cụ thể. Ông Phạm Nhật Vượng - cha đẻ của VinFast, cho biết, mục tiêu trước mắt của hãng xe Việt là sẽ bán 160.000-180.000 xe mỗi năm tại thị trường Mỹ, chiếm khoảng 1% thị phần.

Con số này sẽ tăng thêm vài trăm ngàn chiếc xe trong các năm tiếp theo. 2 mẫu xe SUV điện (xe thể thao đa năng) VF e35 và VF e36 là những sản phẩm chiến lược đầu tiên được ra mắt tại thị trường Mỹ, châu Âu và Canada.

Việc lựa chọn SUV cũng nằm trong chiến lược của VinFast để đạt được khả năng bán hàng và hỗ trợ cao nhất từ các chương trình thúc đẩy phát triển xe điện của Mỹ và châu Âu.

Thứ nhất, SUV là dòng xe được người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu ưa thích nhất. Năm 2020, trong số hơn 14 triệu xe bán ra ở Mỹ thì có một nửa là SUV. Tương tự, theo JATO Dynamics, trong tháng 1/2021, có hơn 830.000 xe được đăng ký mới tại 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu thì 44% trong số đó là SUV. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay. 

Thứ 2, theo IEA, xe điện SUV có giá thành cao hơn so với các mẫu xe điện nhỏ khác nên mang lại tỉ suất lợi nhuận tốt hơn. 

Thứ 3, ở Mỹ phần lớn các dòng xe SUV đều nằm trong khung hưởng mức thuế ưu đãi nhất vì Chính phủ quan điểm việc điện khí hóa các mẫu xe có kích cỡ lớn và phát thải nhiều như SUV sẽ có lợi cho mục tiêu giảm khí thải ở các thành phố lớn hơn là các mẫu xe nhỏ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày