Nissan: “Họa vô đơn chí”

Hà Cúc Thứ Năm | 26/09/2019 10:00

Ông Hiroto Saikawa buộc phải từ chức. Ảnh:cdn.com

Tương lai chông chênh của hãng xe nhật sau những sự cố từ nội bộ.
Ông Hiroto Saikawa buộc phải từ chức. Ảnh:cdn.com

Trong vòng chưa đầy một năm, Nissan đã mất Chủ tịch vì vụ bê bối tài chính, lợi nhuận giảm mạnh và  mối quan hệ với Renault bên bờ sụp đổ.

Hội đồng Quản trị Nissan đã thông báo ông Hiroto Saikawa sẽ thôi chức CEO từ ngày 16.9.2019. Saikawa từ chức chỉ vài ngày sau khi ông thừa nhận mình cùng các lãnh đạo cấp cao của Nissan đã được trả hàng chục triệu yên - khoản tiền thưởng cao quá mức nếu giá cổ phiếu của Công ty tăng trưởng tốt.

Sự ra đi của Giám đốc Điều hành Hiroto Saikawa tiếp tục là một đòn giáng mạnh vào tương lai của hãng xe nổi tiếng của Nhật sau cú sốc cựu Chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt giữ vào năm ngoái.

Carlos Ghosn là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực và được trả lương cao nhất ngành ô tô thế giới. Được mệnh danh là “sát thủ chi phí”, ông đã giúp vực dậy hãng xe Pháp Renault và Nissan với chiếc lược cải tổ triệt để. Tuy nhiên, Ghosn đang bị quản thúc tại nhà ở Tokyo sau những cáo buộc sai phạm về tài chính, không báo không đúng thu nhập trong nhiều năm và chuyển lỗ đầu tư cá nhân vào Nissan.

Trước khi gặp bê bối về thù lao thì khả năng lãnh đạo của Saikawa tại Nissan cũng đã bị nghi ngờ. Sau báo cáo doanh thu mờ nhạt hồi tháng 5 khi Saikawa thừa nhận “đã chạm đáy”, ông đã phải đối mặt với câu hỏi có thể trụ được tại hãng xe Nhật này không. Hội đồng Quản trị Nissan cũng tiết lộ rằng, kết quả điều tra cho thấy, Công ty đã thiệt hại khoảng 327 triệu USD do cựu Chủ tịch Ghosn và cựu Giám đốc Greg Kelly điều hành yếu kém.

Khi ngành công nghiệp ô tô đang đối mặt với một sự thay đổi lớn, câu hỏi đặt ra là ai nên điều hành hãng xe lớn này? Chủ tịch Nissan, ông Yasushi Kimura, cho biết trong một cuộc họp báo được sắp xếp vội vàng tại trụ sở Nissan ở Yokohama: “Thay thế Giám đốc Điều hành sẽ quyết định tương lai của hãng trong ngành công nghiệp ô tô đang cạnh tranh đầy quyết liệt”.

Đà sụt giảm kinh doanh của Nissan kéo dài kể từ khi ông Ghosn bị bắt. Lợi nhuận của Công ty năm ngoái đã giảm mạnh, trong khi doanh số bán xe toàn cầu đã giảm 6% trong quý trước. Nissan dự báo lợi nhuận hằng năm sẽ giảm 28%. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả kinh doanh của năm 2019 còn bi quan hơn. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 6.2019, thu nhập ròng của Nissan giảm 94,5%, xuống còn 6,4 tỉ yen (tương đương 59 triệu USD).

Theo Nissan, lợi nhuận bị ảnh hưởng tiêu cực do giảm doanh thu và các yếu tố bên ngoài khác như chi phí nguyên liệu, biến động tỉ giá, phí đầu tư để đáp ứng các quy định mới. Doanh số bán hàng toàn cầu giảm 6% xuống còn 1,23 triệu đơn vị. Tất cả thị trường bán hàng của Nissan đều giảm, trừ thị trường Trung Quốc. Tại Nhật, doanh số bán hàng giảm 2,6% xuống còn 126.000 chiếc. Duy nhất thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng 2,3% lên 344.000 chiếc.

Doanh số bán hàng của Nissan tại các thị trường lớn khác cũng đều đi xuống. Cụ thể, tại Mỹ, doanh số bán giảm rất mạnh xuống còn 351.000 chiếc. Tại thị trường châu Âu, bao gồm Nga, giảm 16,3% xuống còn 135.000 chiếc. Ở thị trường châu Á và châu Đại Dương, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi, giảm 13,1% xuống còn 174.000 chiếc. Trước tình hình kinh doanh yếu kém, Nissan phải tuyên bố sẽ cắt giảm 12.500 việc làm trên toàn thế giới cho đến ngày 31.3.2023.

Nissan đang xem xét danh sách 10 ứng cử viên cho người kế nhiệm ông Saikawa, trong đó, ông Masakazu Toyoda, người đứng đầu Ủy ban Đề cử của công ty. Một quyết định dự kiến sẽ được ra vào cuối tháng 10.

Một mối  quan tâm khác trong khủng hoảng của Nissan là việc từ chức của ông Saikawa có  ảnh hưởng gới mối quan hệ giữa Renault và Nissan lâu nay không. Hợp tác này đã trở nên khó khăn kể từ khi ông Ghosn bị bắt và căng thẳng về tương lai của liên minh bùng lên thường xuyên, bất chấp những nỗ lực hàn gắn của cả hai bên.

Do đó, nhiệm vụ hàng đầu mà người kế nhiệm ông Saikaw phải thực hiện là củng cố liên minh này khi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang có xu hướng hợp nhất, khi các hãng xe lớn như BMW bắt tay với các công ty phát triển công nghệ xe tự lái. Các nhà phân tích nói rằng chỉ bằng cách kết hợp, Nissan và Renault mới có thể đủ khả năng đầu tư công nghệ lớn cần thiết để tránh bị tụt hậu so với các đối thủ. Renault hiện sở hữu 43% cổ phần tại Nissan, ở chiều ngược lại, Nissan sở hữu 15% cổ phần không có quyền biểu quyết tại Renault.

Bên cạnh đó, Nissan phải thực hiện một cuộc “đại tu” lớn để củng cố lại hãng xe sau những khủng hoảng liên tiếp. Ngoài nỗ lực giảm hàng trăm ngàn việc làm, để đảm bảo an toàn, Nissan cũng sẽ giảm 10% năng lực sản xuất toàn cầu vào cuối năm 2022. Phạm vi doanh nghiệp cũng giảm ít nhất 10% vào cùng năm.

Trong tương lai, Nissan dự định tập trung đầu tư vào mô hình cốt lõi toàn cầu và mô hình chiến lược khu vực. Theo đó, Nissan sẽ đầu tư mạnh vào các công nghệ như hỗ trợ trình điều khiển ProPilot và hệ truyền động điện, gồm cả các dòng ô tô điện pin. Nissan cũng sẽ tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mới, bao gồm các dịch vụ di động chia sẻ hành trình.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày