Bất động sản

Sôi động mua bán dự án tại Hà Nội

Thứ Năm | 09/10/2014 11:11

Các công ty trong nước vẫn thống trị cả ở bên bán và bên mua, có tới 63% bên mua là các công ty trong nước và 54% ở bên bán.
Rất nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực BĐS vừa được hoàn tất, cùng lúc một số giao dịch lớn khác cũng sắp đi đến giai đoạn cuối là nét diễn biến nổi bật trên thị trường BĐS Thủ đô thời gian qua.

Đáng chú ý là thương vụ mua lại phần văn phòng tòa nhà Corner Stone từ VIBank với giá trị 60,1 triệu USD của Tập đoàn Daibiru của Nhật Bản; Tập đoàn FLC mua lại khu đất vàng 36 Phạm Hùng từ Công ty Hải Phát trị giá 198 tỷ đồng; Dự án Sky Park Residence (đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa mới được chủ đầu tư Công ty Licogi 16 chuyển nhượng cho Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa với giá 143 tỷ đồng.

Bên cạnh các thương vụ mua bán trực tiếp như trên, nhiều vụ thâu tóm cổ phần để giành quyền điều hành cũng liên tục được công bố. Mới đây nhất, thông qua CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng (SDI), Vingroup đã giao dịch thành công 128,6 triệu cổ phần Công ty BĐS Hồng Ngân, sở hữu dự án Thành Phố Xanh (Mỹ Đình 1) quy mô 17,6 ha với tổng vốn đầu tư 7.900 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup cũng vừa mua lại 70% cổ phần Ocean Retail và đổi tên thành CTCP Siêu thị VinMart…

Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE, từ năm 2011 đến nay mỗi năm trung bình có khoảng 15 thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS. Đáng chú ý là các công ty trong nước vẫn thống trị cả ở bên bán và bên mua, có tới 63% bên mua là các công ty trong nước và ở bên bán con số này chiếm tới 54%.

Tuy nhiên, dòng vốn FDI rót vào lĩnh vực BĐS ngày càng gia tăng, trong 3 quý đầu năm 2014 đã có 1,2 tỷ USD được đăng ký và dòng vốn này chủ yếu thông qua hoạt động M&A. “Thời gian qua, thị trường chuyển nhượng Việt Nam có nhiều diễn biến sôi động hơn thể hiện qua số lượng giao dịch, yêu cầu tìm hiểu thị trường và tìm hiểu các tài sản để họ có thể mua lại. Bởi vì CBRE có rất nhiều văn phòng ở các thành phố khu vực châu Á và tại các văn phòng khu vực đó chúng tôi làm việc chặt chẽ với các nhà đầu tư tại các nước bản xứ”, ông Richard Leech cho biết thêm.

Theo quan sát của CBRE, những yêu cầu tìm hiểu thị trường để mua lại các tài sản tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh. Tại thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu mua các tài sản tại thị trường Việt Nam là các nhà đầu tư đến từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại các tòa nhà văn phòng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh các tòa nhà văn phòng đã và đang sử dụng, đã có nguồn thu nhập rồi kể cả những dự án chưa xây, đang xây hay là các khu đất đang phát triển dự án. Ông Richard Leech chia sẻ: “Một số nhà đầu tư muốn mua hẳn một chuỗi các dự án ở Việt Nam thay vì chỉ một, hai dự án đơn lẻ”.

Đồng quan điểm với CBRE, ông Vũ Minh Giang, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thái Minh Quang cho rằng, hiện hoạt động M&A BĐS tương đối tăng mạnh và đang có xu hướng dịch vào trong nội đô. Nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đến các dự án trong giới hạn của đường vành đai 3, đặc biệt những chủ đầu tư có dư nguồn tài chính khi đầu tư thường chọn vào khu vực nội đô.

Lý giải cho nguyên nhân hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS tăng nhanh, Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn BĐS Soho Việt Nam cho biết, hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS sôi động hơn trước do tính thanh khoản thị trường BĐS đang tăng trở lại, lãi suất đã rẻ hơn, một số công ty phát hành tăng thêm vốn rồi lại tài trợ cho quá trình mua bán phát triển các dự án BĐS mới. Ngoài ra, nguồn cung dự án không còn nhiều do hạn chế cấp phép trong nội thành.

Trong trường hợp mua bán dự án, chủ đầu tư có thể mua đứt hoặc hợp tác phân chia sản phẩm. Ông Vũ Minh Giang cho hay, một số đơn vị thi công tốt họ sẵn sàng bỏ tiền để cùng chủ đầu tư xây dựng dự án, sau đó hạch toán, phân chia sản phẩm với nhau như CTCP Đầu tư Lạc Hồng liên kết với Dự án AZ Lâm Viên Complex… Mô hình liên kết theo phân chia sản phẩm, liên kết xây dựng này phát sinh mạnh trong thời điểm khó khăn này.

Trong bối cảnh sản phẩm hoàn thiện bán ra thị trường còn khan hiếm, các nhà đầu tư tập trung tìm kiếm khu đất chưa xây dựng, chung cư trong khu đô thị, các dự án chưa khởi công hoặc xây xong phần móng. Tại Hà Nội, các dự án mua bán sáp nhập rất đa dạng, giao dịch nhiều ở Cầu Giấy, Từ Liêm Thanh Xuân, Hoàng Mai… Đa phần là DN có nhiều dự án nhưng mà nguồn tiền cạn rồi hoặc họ có nhiều công trình nên bán bớt dự án đi để tái cấu trúc danh mục đầu tư.

Bên cạnh các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS đã hoàn tất thì nhiều thương vụ lớn đang trong quá trình đàm phán và hoàn tất các thủ tục mua bán. Đại diện một DN BĐS tiết lộ, hiện Tập đoàn Aeon của Nhật đang đàm phán mua lại một dự án có diện tích từ 10-12 ha ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Nguồn Thời Báo Ngân hàng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày