Công Nghệ

Đậu xe miễn phí, tại sao không?

Văn Quốc Thứ Năm | 04/05/2017 12:30

Một thành phố càng có nhiều bãi đậu xe thì càng không khuyến khích người dân đi bộ hay đi xe đạp.

Cho dù trụ sở mới mà Apple đang xây dựng tại California không phải là “tòa nhà văn phòng tốt nhất thế giới” như Steve Jobs đã tuyên bố không lâu trước khi mất vào năm 2011, nhưng nó sẽ là một cảnh tượng đáng kinh ngạc. Tòa nhà chính trông giống như một đĩa bay có một cái lỗ ở chính giữa. Nhìn ra bên ngoài qua những cánh cửa sổ lớn uốn lượn, nhân viên làm trong tòa nhà sẽ thấy cả một mảng rừng bát ngát với khoảng 7.000 cây xanh được tuyển chọn kỹ lưỡng.

Rừng cây không phải là quang cảnh duy nhất mà họ thấy. Đó còn là những bãi đậu ô tô rộng lớn. Với 14.000 nhân viên, Apple đang xây dựng gần 11.000 chỗ đậu xe. Nhiều xe sẽ được để dưới tòa nhà chính, nhưng hầu hết xe sẽ được nhét chật kín trong 2 nhà để xe khổng lồ ở phía Nam.

Tính cả chỗ đậu xe, làn đường cho xe chạy và các con đường dốc để dẫn xe vào các bãi đậu, rõ ràng Apple đang cần đến một diện tích khổng lồ: trụ sở mới sẽ có 318.000m2 diện tích văn phòng và phòng lab, nhưng các bãi đậu xe sẽ chiếm diện tích còn nhiều hơn con số này, lên tới 325.000m2.

Apple đang xây dựng 11.000 chỗ đậu xe không chỉ vì Công ty muốn thế mà còn bởi Cupertino, thành phố nơi Apple đặt trụ sở mới, yêu cầu điều đó. Cupertino đưa ra một quy định cho mọi tòa nhà. Chẳng hạn, một nhà phát triển bất động sản muốn dựng lên 1 block căn hộ sẽ phải làm 2 chỗ đậu xe cho mỗi căn hộ; 1 trong 2 chỗ đó phải có mái che. Đối với một nhà hàng thức ăn nhanh, Thành phố yêu cầu một chỗ đậu cho cứ mỗi 3 chỗ ngồi trong nhà hàng.  Còn đối với một sân chơi bowling, phải có 7 chỗ đậu xe mỗi đường băng bowling cộng thêm một chỗ đậu nữa cho mỗi nhân viên. Các thành phố lân cận Cupertino cũng đưa ra các quy định tương tự. Với diện tích lớn dành cho đậu xe như thế, hầu hết chỗ đậu đều miễn phí. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết người lái xe đi lòng vòng quanh Thung lũng Silicon bằng ô tô và cũng không có gì lạ khi khu vực này được coi là điểm nóng kẹt xe.

Một thành phố càng có nhiều bãi đậu xe thì càng không khuyến khích người dân đi bộ hay đi xe đạp. Ngoài ra, nếu biết có một bãi đậu xe miễn phí ở bất kỳ nơi nào trên đường thì tội gì không lái xe? Rõ ràng, các bãi đậu xe miễn phí ở Mỹ là một lý do vì sao việc đầu tư lớn vào giao thông công cộng đã không chiêu dụ được người dân từ bỏ đi ô tô, theo David King, thuộc Đại học Bang Arizona. Vào năm 1990, 73% người Mỹ đi làm bằng việc lái xe một mình. Đến năm 2014, sau khi bỏ công thực hiện nhiều dự án xe buýt tốc độ cao và xe điện đầy tốn kém, số người lái ô tô đi làm vẫn không giảm mà tăng lên: 76%.

Dau xe mien phi, tai sao khong?

Cho đến nay tại nhiều thành phố của Mỹ, người dân có thể đậu xe trên đường không phải tốn tiền hoặc chỉ trả một khoản phí rất nhỏ. Ở Boston, chẳng hạn, hầu hết máy tính tiền đỗ xe chỉ tính khoảng 1,25 USD/giờ. Ở nhiều thành phố khác trên thế giới, tình hình cũng tương tự. Tại Chennai, Ấn Độ, mức phí chỉ 20 rupee (30 cent) mỗi ngày. Nhiều người muốn tận dụng mức phí rẻ (hoặc miễn phí) như vậy thay vì trả theo mức phí thị trường để được đỗ trong nhà xe. Kết quả là họ cứ đi lòng vòng tìm chỗ đậu. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng phần lớn nạn kẹt xe là do tài xế cứ chạy tìm bãi đậu. Một kỷ lục thuộc về thành phố Freiburg ở Đức, khi nghiên cứu cho thấy 74% số xe bận đi tìm chỗ đậu.

Cho rằng những vụ kẹt xe kinh hoàng là do thiếu bãi đậu xe, nhiều nước đã đặt ra mục tiêu là phải làm nhiều chỗ đậu xe hơn. Các nước như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines đã yêu cầu các nhà phát triển bất động sản phải xây dựng chỗ đậu xe bất cứ khi nào họ dựng lên một tòa nhà mới. Nhưng những gì đang diễn ra ở các nước phương Tây, như tại Mỹ, cho thấy cung cấp nhiều chỗ đậu xe hơn với mức phí rẻ hoặc miễn phí không phải là câu trả lời cho vấn đề giao thông đô thị.

Tất nhiên, xây dựng bãi đậu xe khắp các thành phố giúp người dân tìm chỗ đậu dễ dàng hơn. Nhưng chi phí nói chung lại quá lớn. Tại Mỹ, những bãi đậu xe nhiều tầng có chi phí xây dựng khoảng 25.000 USD/chỗ đậu và đậu xe dưới tầng hầm là 35.000 USD/chỗ đậu. Đáng ngại hơn, vì chỗ đậu xe quá nhiều và chúng lại miễn phí nên nhiều người có xu hướng lạm dụng nó. Một nghiên cứu của Washington DC cho thấy bãi đậu xe miễn phí có liên quan đến 97% xác suất một người sẽ lái xe đi làm một mình. Số tiền và diện tích đất hoang phí dành cho việc xây dựng các bãi đậu ô tô khiến cho cuộc sống đắt đỏ hơn với tất cả người dân, thậm chí những người không lái xe. Donald Shoup, chuyên gia về kinh tế học đậu xe, ước tính làm chỗ đậu xe cộng thêm 67% vào chi phí xây dựng một trung tâm mua sắm ở Los Angeles; mức tăng thêm sẽ là 93% nếu bãi đậu xe được xây ngầm.

Vì thế, theo giới chuyên gia kinh tế, các thành phố nên ngưng việc tăng lượng cung bãi đậu xe. Thay vào đó, họ nên tăng phí đậu xe sao cho phí đậu trên đường và để ở bãi đậu xe gần bằng nhau và cần tính phí đối với mọi đối tượng người dân.

Một lý do khác cho việc phải tính phí đầy đủ với việc đậu xe là sẽ thúc đẩy nhanh một cuộc cách mạnh giao thông. Nếu xe không người lái cuối cùng được phép chạy trên đường, bắt khách và thả khách từng người một, có thể làm cho nhiều bãi đậu xe trở nên không cần thiết. Nhưng tương lai này sẽ xảy ra sớm hơn nếu chính phủ các nước tăng giá đậu xe. Xe không người lái sẽ hấp dẫn với mọi người vì chúng sẽ cho phép họ tận dụng thời gian không phải lái xe để làm việc gì đó. Như vậy sẽ không tốn nhiều phí đậu xe.

Nhiều thành phố phương Tây vẫn đang đau đầu do chính sách đậu xe không hợp lý. Nhưng không quá trễ cho các thành phố châu Phi và châu Á để học từ sai lầm của họ. Tại hầu hết thành phố châu Phi và châu Á hiện nay, lái xe ô tô vẫn chưa phổ biến, người dân chủ yếu đi bằng xe máy và họ cũng chưa quen với bãi đậu xe miễn phí. Vì thế, hãy nghĩ đến việc tính phí đậu xe.

Lấy Nhật làm ví dụ. Nhờ được “giải thoát” khỏi những chiếc ô tô đậu trên đường, các con phố chật hẹp ở Tokyo luôn yên ắng hơn so với nhiều thành phố lớn khác. Thỉnh thoảng một cái sân nhỏ hoặc một dải đất trống được chuyển thành một bãi đậu ô tô và một số có phí đậu xe đắt hơn những chỗ khác. Takaomi Kondoh, đang làm việc cho một công ty quản lý tòa nhà và bãi đậu xe ở Nhật, giải thích, phí thường cao hơn ở khu vực gần trung tâm giao thông, vì người đi làm phải tranh nhau chỗ đậu xe. Gần trạm trung tâm ở Tama, một khu ngoại ô, mức phí là 17.000 yen/tháng (150 USD). Nhưng chỉ cách đó 10 phút đi bộ, giá chỉ là 10.000 yen/tháng. Một khi người dân quen với ý nghĩa rằng các con đường nội đô chỉ dành để đi bộ và lái xe, chứ không phải làm chỗ đậu xe thì sẽ rất khó mà nghĩ khác được.

Văn Quốc

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày