Công Nghệ

Drone đã tới giờ cất cánh

Phúc Thịnh Thứ Tư | 14/12/2016 12:30

Thị trường drone thương mại dự kiến sẽ lên tới 127 tỉ USD vào năm 2020.

Trên những bức tường đầy màu sắc của thành phố Jaipur (Ấn Độ), nơi hơn 300 thực khách đang chung vui trong một buổi tiệc cưới linh đình theo phong cách Bollywood, những thiết bị bay không người lái (gọi là drone hay UAV) đang lướt đi nhẹ nhàng trên không nhằm nắm bắt những khoảnh khắc đẹp của của cô dâu chú rể trong ngày trọng đại.

Theo Vijay Tonk, hiện quản lý một công ty nhiếp ảnh, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, việc sử dụng drone là cần thiết để tìm vị trí phù hợp cho những góc quay đẹp, nắm bắt được sự hoàng tráng của buổi tiệc nhờ tầm nhìn bao quát. Theo anh Tonk, khách hàng không ngại bỏ ra hơn 500 USD cho dịch vụ này, để làm cho buổi tiệc của họ trở nên sinh động hơn.

Trên thế giới, việc sử dụng drone, cũng như các công nghệ điều khiển từ xa qua sóng radio, cho mục đích thương mại đang trở nên phổ biến hơn, khi các “ông lớn” như DHL, Google và cả Amazon đang quyết liệt xây dựng đội bay của riêng mình.

Tại châu Á, Bưu chính Singapore đã thành công trong việc vận chuyển hàng hóa gồm một áo phông và một lá thư bằng drone cho khách hàng tên Pulau Ubin, mở ra triển vọng phát triển dịch vụ giao hàng bằng drone tại nước này.

Alibaba (Trung Quốc) cũng đang có kế hoạch vận chuyển hàng hóa bằng drone cho các khách hàng tại 3 thành phố lớn Quảng Châu, Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, theo một đại diện của Alibaba, vì quân đội kiểm soát 80% không phận của Trung Quốc, nên việc mở rộng dịch vụ sang các tỉnh khác là rất khó.

Trung Quốc đang là người chơi lớn trên thị trường drone. Trong quý III/2016, theo bảng xếp hạng của Drone Industry Insight, trong top 10 công ty sản xuất drone lớn nhất thế giới có đến 6 công ty đến từ Trung Quốc, Mỹ góp 3 đại diện và 1 đại diện đến từ Pháp. Hiện công ty đang dẫn đầu DJI của Trung Quốc đang được định giá lên tới 8 tỉ USD. Mặc dù không công bố doanh thu trong năm 2015 nhưng theo ước tính của các chuyên gia, con số có thể là 1 tỉ USD doanh thu. Công ty kỳ vọng trong lần kêu gọi vốn đầu tư tiếp theo, giá trị của họ có thể lên đến 10 tỉ USD.

Theo PwC, thị trường cho drone thương mại hiện có giá trị khoảng 2 tỉ USD nhưng sẽ lên tới 127 tỉ USD vào năm 2020 khi các ứng dụng của drone trở nên đa dạng và phổ biến hơn. Cũng theo hãng tư vấn này, drone có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế từ nông nghiệp (gieo giống cây trồng, phun thuốc trừ sâu...), xác minh các yêu cầu bảo hiểm, cho đến điện ảnh (drone đã được sử dụng trong quá trình quay nhiều phim bom tấn như Skyfall, The Wolf of Wall Street hay The November Man).

Một lý do cho sự tăng trưởng của drone là các công ty tham gia sản xuất với quy mô lớn đã làm giảm đáng kể chi phí trên mỗi chiếc drone xuất xưởng, qua đó giá bán cũng rẻ hơn. Theo chuyên gia tư vấn Piotr Romanowski, thuộc PwC, chi phí cho công nghệ drone cũng giảm đáng kể.

Drone da toi gio cat canh
Thiết bị không người lái có thể tham gia nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, điện ảnh... Ảnh: fpv.tv

Ngày càng có nhiều startup nhảy vào vào lĩnh vực này và cạnh tranh theo đó cũng trở nên khốc liệt hơn. Theo AngelList, đã có 1,9 tỉ USD được đầu tư cho các startup về drone; giá trị trung bình của mỗi startup vào khoảng 5,3 triệu USD. Một số cái tên đáng chú ý như Skycatch, DroneDeploy hay Matternet.

Tại Việt Nam, drone đã trở nên bớt xa lạ với người dùng những năm gần đây. Được biết chủ yếu với tên gọi Flycam, những thiết bị bay không người lái có gắn camera này đang chiếm được cảm tình từ giới nhiếp ảnh cũng như các bạn trẻ yêu công nghệ. Theo một ủy viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.HCM, hiện lượng nhiếp ảnh gia sở hữu thiết bị này là khá lớn, với mức giá nằm trong khoảng từ vài trăm USD đến 1.000 USD.

Trước đó, Flycam cũng đã ghi dấu ấn khi mô tả sự kỳ vĩ, ngoạn mục của hang Sơn Đoòng. Các cảnh quay với tầm bao quát lớn của nhiếp ảnh gia Ryan Deboodt đã thuyết phục nhà sản xuất chương trình Good Morning America, Maria Stefanopoulos quyết định thực hiện một chương trình truyền hình trực tiếp tại hang động nói trên.

Flycam ở Việt Nam cũng đã được sử dụng để quay các cảnh phim, như trong bộ phim Dấu Chân Du Mục. Theo đạo diễn Đinh Thái Thụy, nếu không sử dụng Flycam thì sẽ không lột tả được sự sinh động và hùng vĩ của các cảnh đẹp mà đoàn có dịp quay được tại Phan Rang. Đạo diễn cũng cho biết thêm, việc sử dụng các máy quay truyền thống với chân máy cố định bị giới hạn rất nhiều trong các góc quay, trong khi sử dụng Flycam sẽ đem lại hiệu ứng thị giác hấp dẫn cho người xem. Bên cạnh đó, sự cơ động trong việc chọn góc quay và tầm nhìn bao quát giúp cho việc quay những cảnh hành động trở nên đơn giản và tốn ít thời gian hơn nhiều, theo đạo diễn Đinh Thái Thụy.

Lợi ích của thiết bị này còn ở việc chụp các công trình kiến trúc cao tầng. Một nhiếp ảnh gia tại TP.HCM cho biết nếu như trước đây anh phải vất vả chạy khắp công trình để tìm cho mình một góc chụp hợp lý, thì nay chuyện đã dễ dàng hơn rất nhiều nhờ drone. 

Theo Nghị định 36, các tổ chức hoặc cá nhân muốn sử dụng Flycam phải làm thủ tục xin phép Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội. Tuy nhiên, không phải người sử dụng Flycam nào cũng ý thức được điều này. Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, không phải cá nhân nào muốn sử dụng thiết bị này cũng có thể ra Hà Nội để xin cấp phép; nhưng nếu thành lập một câu lạc bộ cho những người đam mê thiết bị này và hội đứng ra đại diện để xin phép Cục Tác chiến thì các thành viên trong hội có thể tự do tác nghiệp trong các khu vực được cho phép.

Phúc Thịnh

Cho đến nay, thiết bị không người lái (drone) vẫn được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực quân sự. Với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật trong những năm gần đây, phạm vi, thời gian hoạt động và khả năng mang vác của drone đã được tăng lên đáng kể. Lấy ví dụ về 1 máy bay không người lái mà Mỹ chào bán tại Việt Nam, MQ-1 Predator, có thể đạt tốc độ 217km/h với tầm bay hơn 1.000 km, khả năng mang vác 6 tên lửa AGM-175 Griffin. Với khả năng này, có thể kỳ vọng các drone thương mại trong tương lai nếu được đầu tư phù hợp, có thể hoạt động với công suất tương đương và cạnh tranh trực tiếp với các loại hình vận chuyển khác. 

Hiện tại phần lớn drone thương mại là loại có nhiều rô-tơ, có khả năng cất cánh thẳng đứng. Tuy nhiên, tải trọng còn thấp nên vai trò của drone thương mại vẫn chỉ dừng lại ở việc vận chuyển các món hàng có trọng lượng nhẹ trong phạm vi hẹp hay mang kèm theo các máy ảnh để quay phim hoặc chụp hình.  

Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ drone lớn nhất với 35% thị phần, các nước châu Âu chiếm 30% tổng cầu, Trung Quốc đứng thứ 3 với 15% và 20% còn lại đến từ các quốc gia khác. Lượng drone bán ra tại Mỹ đã tăng 224% từ tháng 4.2015 đến tháng 4.2016 với gần 200 triệu USD doanh thu, theo báo cáo của NPD Group. Trong đó, thiết bị bay gắn kèm máy ảnh độ nét cao 4K đang là mặt hàng được ưa chuộng, chiếm 1/3 tổng doanh thu trong năm vừa qua. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày