Công Nghệ

Libra của Facebook lại phải đối mặt với rào cản mới từ các nước G7

Trang Lê Chủ Nhật | 20/10/2019 07:08

Nguồn ảnh: Reuters

Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc G7 khuyến cáo những dự án như đồng Libra có thể sẽ cản trở những nỗ lực phòng chống nạn rửa tiền xuyên biên giới.
Nguồn ảnh: Reuters

Vào 17/10, đồng tiền số Libra của Facebook lại đối diện với những thử thách mới, khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kêu gọi những đồng tiền stablecoin (*) không nên cấp phép phát hành, cho đến khi những rủi ro mà đồng tiền này đặt ra được giải quyết.

"Khi được phát hành trên quy mô rộng lớn, stablecoin có thể đe dọa hệ thống tiền tệ thế giới và ổn định tài chính", nhóm nghiên cứu thuộc G7 cho biết trong một báo cáo đến các Bộ trưởng tài chính trong cuộc họp hằng năm của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington,

Trong báo cáo, nhóm còn nói thêm, những dự án như đồng Libra cũng giống như các loại tiền điện tử khác, có thể cản trở những nỗ lực phòng chống nạn rửa tiền xuyên biên giới, tài trợ khủng bố, đe doạ đến các vấn đề an ninh mạng, thuế và các quyền riêng tư. 

Ông Benoit Coeure, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết, "nhóm G7 cho rằng, không nên có dự án stablecoin toàn cầu hoạt động cho đến khi các thách thức pháp lý, quy định và giám sát và rủi ro được giải quyết".

Đáp lại, Hiệp hội Libra cho biết, họ sẽ làm việc với các nhà quản lý. "Hiệp hội Libra đang phối hợp với các cơ quan quản lý, để đáp ứng các quy tắc chống rửa tiền và cùng các nỗ lực khác để ngăn chặn tài chính bất hợp pháp", đại diện Hiệp hội Lira cho biết trong một tuyên bố.

Trong khi các cơ quan quản lý đang rà soát rất kỹ dự án Libra, ngày 14/10, 21 công ty vẫn cam kết ủng hộ thực hiện dự án, bất chấp sự ra đi của các công ty lớn như Visa, Mastercard.

Tháng 6 vừa qua, Facebook đã công bố một kế hoạch phát hành tiền số Libra vào năm 2020. Facebook muốn khắc phục đặc tính cực kỳ biến động, điều khiến các đồng tiền ảo không thể được sử dụng trong thanh toán và thương mại. Facebook tin tưởng, Libra sẽ trở thành đồng tiền số toàn cầu, ổn định và có thể giúp hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống tham gia vào hệ thống tài chính.

Nguồn ảnh: Reuters
Nguồn ảnh: Reuters

Tuy nhiên, dự án tiền Libra đang gây lo ngại cho các nhà lập pháp và các giới chức quản lý tài chính nhiều quốc gia. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại về việc libra có thể  gây bất ổn hệ thống tài chính toàn cầu và làm suy yếu sự kiểm soát của các quốc gia với chính sách tiền tệ. Những người khác nói rằng đồng có thể làm suy yếu quyền riêng tư của người dùng.

Báo cáo của G7 cho biết các nhà chức trách nên áp dụng các quy tắc hiện hành, về thanh toán và chống rửa tiền, cũng như các tiêu chuẩn thị trường vốn và ngân hàng, cho các stablecoins.

Báo cáo này nói thêm rằng cần có các quy tắc mới dành cho các công nghệ mới nổi, khi Ủy ban Ôn định Tài chính - cơ quan được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - sẽ đánh giá các vấn đề pháp lý liên quan, trước khi báo cáo cho Nhóm 20 quốc gia giàu có vào tháng 4 tới.

Trước đó, Uỷ ban Dịch vụ tài chính Hạ Viện Mỹ cho rằng, Libra đang gây ra các nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, thương mại, an ninh quốc gia và chính sách tiền tệ. Họ đã yêu cầu Facebook ngừng triển khai kế hoạch này, cho tới khi các cơ quan quản lý và quốc hội thông qua một cơ chế pháp lý phù hợp.

Ngày 23/10, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg sẽ ra điều trần trước Hạ viện Mỹ về dự án Libra.

 (*) Stablecoin là một loại đồng tiền số đảm bảo bởi các đồng tiền truyền thống và các tài sản khác. Đồng tiền số này có mức giá cố định, giá trị thị trường của Stablecoin thường được gắn chặt với giá của một tài sản cố định, như USD.

►Tiền số Libra của Facebook bị các công ty tài chính lớn quay lưng

Nguồn Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày