Công Nghệ

Xuất hiện thiết bị bay không người lái, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc

Đại Việt Thứ Năm | 15/09/2022 18:03

Thiết bị bay không người lái giám sát, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu đạt giải nhất QVIC 2022. Ảnh: Đại Việt.

Thiết bị bay không người lái, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu đã đạt giải nhất cuộc thi Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022.
Thiết bị bay không người lái giám sát, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu đạt giải nhất QVIC 2022. Ảnh: Đại Việt.

Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022 (QVIC 2022) cuộc thi đổi mới sáng tạo dành cho những công ty khởi nghiệp đã tìm ra quán quân mùa thứ 2, giải thưởng thuộc về MiSmart của Phạm Thanh Toàn. MiSmart mang tới giải pháp giám sát, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).

Thiết bị bay không người lái của MiSmart thiết kế chứa phần mềm điều khiển bay, quản lý bay, phần mềm AI với khả năng phân tích hình ảnh và giám sát trên không có tỉ lệ chính xác đến 97%. Thiết bị bay này có khả năng nâng vật nặng và sử dụng ở chế độ tự động, bán tự động hoặc điều khiển bằng tay.

Startup Phạm Thanh Toàn đạt giải nhất QVIC 2022. Ảnh: Đại Việt.
Startup Phạm Thanh Toàn đạt giải nhất QVIC 2022. Ảnh: Đại Việt.

Anh Phạm Thanh Toàn, cho biết các thiết bị bay không người lái giúp cho năng suất phun thuốc trừ sâu của nông dân tăng gấp 20 lần mà không ảnh hưởng đến người lao động. Giải pháp này cũng giúp tiết kiệm được 30% lượng thuốc sâu và 90% lượng nước cần sử dụng. Sản phẩm giúp giảm chi phí sản xuất và có thể diệt sâu bệnh trên những diện tích lớn.

Nhờ sự tối ưu của thiết bị mà năng suất làm việc của người nông dân đã tăng 25 lần so với cách thức truyền thống. Đây cũng là giải pháp tốt cho tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp hiện nay.

“Mỗi thiết bị bay không người lái giám sát, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu (Drone) của chúng tôi đang được bán với giá 350 triệu đồng. Đây là mức giá rẻ hơn so với sản phẩm ngoại nhập khoảng 10% và chúng tôi đã bán được 100 thiết bị”, anh Toàn nói.

Theo nghiên cứu ban đầu của MiSmart thì giá trị thị trường của sản phẩm Drone tại Việt Nam khoảng 200 triệu USD. Chính vì vậy, cơ hội cho sản phẩm đi sâu vào ngành nông nghiệp là rất lớn.

Cũng theo anh Toàn, anh theo đuổi và phát triển sản phẩm Drone xuất phát từ thực trạng nông dân Việt thường xuyên “được mùa, mất giá”, nhiều người phải rơi nước mắt trên cánh đồng của mình. Anh đau đáu, trăn trở về việc này và quyết tâm ứng dụng công nghệ để hỗ trợ nông dân.

Ngoài giải nhất thuộc về MiSmart thì giải nhì của QVIC 2022 thuộc về VPTech, giải ba thuộc về GraphicsMiner với những sản phẩm về âm thanh và đồ chơi robot đậm chất công nghệ, thông minh và thân thiện môi trường.

Top 10 của QVIC 2022 được vinh danh. Ảnh: Đại Việt.
Top 10 của QVIC 2022 được vinh danh. Ảnh: Đại Việt.

QVIC là chương trình được ra mắt năm 2019 với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là chương trình có mục tiêu “ươm mầm” các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. QVIC 2022 có sự tham gia của hơn 100 công ty trên khắp Việt Nam.

Chương trình đã phát hiện và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp sáng tạo vừa và nhỏ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, IoT (Internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo và công nghệ đa phương tiện… sử dụng các công nghệ và nền tảng di động tiên tiến.

Các startup sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật liên quan như được quyền truy cập vào phòng thí nghiệm của Qualcomm và được tư vấn về phát triển sản phẩm trong suốt thời gian ươm tạo. Các startup chiến thắng của chương trình nhận được giải nhất trị giá 100.000 USD, giải nhì trị giá 75.000 USD và giải ba trị giá 50.000 USD.

Bà An Chen, Phó chủ tịch Kỹ thuật của Tập đoàn Qualcomm, cho biết trong suốt hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã chứng minh cho thế giới thấy sự cần thiết của việc kết nối thông qua nền tảng công nghệ. Mỗi công ty khởi nghiệp tham gia QVIC 2022 đều gây ấn tượng với bà vì tinh thần đổi mới sáng tạo và sự nhạy bén trong kinh doanh. Bà mong đợi được nhìn thấy sự phát triển và thành công không ngừng của họ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, chia sẻ Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của 5G, AI, điện toán đám mây và các ứng dụng ngày càng đa dạng của công nghệ IoT đa dạng. Chương trình QVIC đã mang lại những sự hỗ trợ cần thiết giúp các công ty khởi nghiệp. Ông hoan nghênh 3 công ty dành chiến thắng và tiếp tục cổ vũ cộng đồng khởi nghiệp thể hiện khả năng đổi mới đất nước.

Có thể bạn quan tâm

Propzy dừng hoạt động tại Việt Nam


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày