Kinh Doanh

90 sân golf: Liệu có quá nhiều?

Thứ Tư | 27/05/2015 07:30

Việc sở hữu sân golf đồng nghĩa với gia tăng danh tiếng và đẳng cấp của doanh nghiệp. Nhưng liệu sân golf có mang lại lợi nhuận?

Nếu không có gì thay đổi, dự án sân golf Legend Hill Golf Resort của Tập đoàn bất động sản BRG có tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD sẽ được đưa vào khai khác vào cuối năm nay ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Còn trong lúc này, tại Vịnh Hạ Long, Tập đoàn Tuần Châu đã xin phép tỉnh Quảng Ninh cho mở rộng sân golf 18 lỗ lên thành 27 lỗ, kèm theo đó là xây 3 khu biệt thự mới trong một dự án lấn biển có quy mô cơi nới thêm 400 ha.

Một tập đoàn bất động sản lớn mới đây cũng đệ đơn đầu tư một dự án sân golf 54 lỗ, trị giá hơn 1.300 tỉ đồng ở khu đất bãi ngoài đê sông Đuống, thuộc khu vực phòng hộ, thoát lũ. Một tập đoàn bất động sản khác cũng xin được đầu tư dự án sân golf rộng hơn 100 ha tại Bình Định nhằm hoàn thiện chuỗi nghỉ dưỡng cho khu resort của mình. Và ở Cần Thơ, một dự án sân golf 18 lỗ diện tích 80 ha mới đây cũng đã được chấp nhận.

Dường như đang có một trào lưu đầu tư mới nổi lên đối với môn thể thao quý tộc này. Kèm theo đó là những băn khoăn về hiệu quả đối với bản thân doanh nghiệp và kinh tế xã hội nói chung.

Theo quy hoạch về phát triển sân golf đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước sẽ có 90 sân golf, tức trung bình mỗi tỉnh thành sẽ có 1,4 sân. Đây là con số đáng kể đối với một quốc gia có diện tích hẹp, người đông và phụ thuộc vào nông nghiệp như Việt Nam. Thậm chí, nếu các dự án golf mới được chấp thuận, số sân golf tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ sớm vượt quá 100.

Về mặt kinh doanh, các động thái đầu tư mới cũng được xem là nhằm đón đầu xu thế giải trí của các nhà quản trị cao cấp nước ngoài, khi dòng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự đoán sẽ cải thiện đáng kể trong những năm tới. Số người chơi golf ở Việt Nam hiện vào khoảng 15.000 người, mà đa phần là người nước ngoài.

“Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên trên thế giới”, ông Mark Siegel, Giám đốc Ðiều hành công ty tổ chức giải thi đấu golf lớn nhất châu Á Golfasian nói. Theo vị này, du lịch kèm chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam từ 200-300 triệu USD doanh thu hằng năm.

Ông Mark Siegel, Giám đốc Ðiều hành Golf Asian - Nguồn: golftravelmedia.com
Ông Mark Siegel, Giám đốc Ðiều hành Golfasian - Nguồn: golftravelmedia.com

Tuy vậy, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 6.2014 cho thấy chỉ mới có 29 dự án golf được đưa vào khai khác và vẫn còn khá nhiều dự án đang đắp chiếu và chiếm hữu đất một cách hoang phí.

Đối với một chủ đầu tư bất động sản, golf có thể mang lại nhiều thứ. Golf giúp hoàn thiện chuỗi nghỉ dưỡng từ khách sạn, biệt thự đến giải trí. Việc sở hữu một sân golf đồng nghĩa với danh tiếng và đẳng cấp của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể. Nhưng điều này đã đủ hấp dẫn và mang lại lợi nhuận cho các chủ đầu tư sân golf?

Chia sẻ trên Wall Street Journal, nữ Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết dự án 100 triệu USD của mình sẽ không thể kiếm được lợi nhuận từ chính nó, mà tác động có lẽ là thúc đẩy thêm lượng khách cho các khách sạn và căn hộ xung quanh sân golf này.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG (bên tay trái) - Nguồn: brggroup.com.vn
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG (bên tay trái) - Nguồn: brggroup.com.vn

Trong khi đó, mới đây, chủ đầu tư của sân golf Phan Thiết đã trình chính quyền tỉnh xin phép chuyển đổi công năng của dự án này thành khu đô thị. Báo cáo cho thấy kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 1997, hoạt động của sân golf Phan Thiết đã không hiệu quả. Tác động đến kinh tế xã hội tỉnh Phan Thiết cũng rất thấp với các khoản đóng góp cho ngân sách không đáng kể.

Một doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành cáp trước đây là Sacom cũng đang lấn sân sang golf với dự án Sacom Tuyền Lâm. Tổng vốn đầu tư cho dự án này tính đến cuối năm 2014 đã lên tới 686 tỉ đồng, nhưng doanh thu bán thẻ hội viên golf năm 2014 chỉ đạt 1 tỉ đồng.

Việc hòa vốn cho một dự án golf là không đơn giản. Nghiên cứu cho thấy một sân golf 18 lỗ như sân golf Phan Thiết, muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải là 33.000 lượt người chơi/năm.

Các sân golf cũng có thể gây nguy hại cho môi trường sống xung quanh vì cần một lượng nước và hóa chất rất lớn để nuôi dưỡng cỏ. Theo phân tích của Tạp chí Golf Digest (Mỹ), một sân golf 20 lỗ cần tới 150.000m³ nước sạch mỗi tháng, tương đương nhu cầu sử dụng của khoảng 20.000 hộ gia đình.

Bên cạnh vốn đầu tư lớn, diện tích thu hồi đất nông nghiệp và tạo ra công ăn việc làm thường xuyên cho người dân vẫn là câu hỏi lớn. Cơ chế lỏng lẻo trong việc quản lý sân golf ở một số tỉnh thành cũng gây ra những hệ lụy nhất định.

Ví dụ, chủ đầu tư dự án sân golf Thủy Dương tại Thừa Thiên Huế mới đây đã bị phát hiện múc đất bên trong dự án đem bán mà không xin phép. Hay dự án sân golf 156 ha nằm bên trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng được xem là một trong những nguyên nhân hạn chế khả năng mở rộng của sân bay này, buộc Chính phủ phải lên kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành trị giá vài chục tỉ USD.

Nhìn chung, ở một thị trường vẫn còn mới phát triển như Việt Nam và nhu cầu khá khiêm tốn, những tay chơi mới gia nhập sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh và có thể buộc những người cũ phải từ bỏ giấc mơ sân golf, đặc biệt khi chúng được xây dựng khá tập trung và kế cận nhau.

Ông Evans Mahoney, Giám đốc King’s Island Golf Resort - Ảnh: LinkedIn
Ông Evans Mahoney, Giám đốc King’s Island Golf Resort - Ảnh: LinkedIn

Là một người hoạt động trong ngành, ông Evans Mahoney, Giám đốc King’s Island Golf Resort cho rằng 100 sân golf là con số mà Việt Nam sẽ khó quản lý. Ông còn dự đoán trong thập kỷ tới, sẽ có thêm nhiều xáo trộn trong ngành để quyết định dự án nào tồn tại được. Khi đó, chuyện chuyển đổi công năng từ golf sang dự án bán đất như sân golf Phan Thiết liệu sẽ lặp lại ?

Sơn Nguyễn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày