Kinh Doanh

Báo cáo tài chính Quý III: Ai cười, ai khóc?

Viết Nguyên Thứ Năm | 10/11/2016 07:30

So với quý trước, sự sụt giảm về lợi nhuận trong các doanh nghiệp đã diễn ra mạnh hơn.

Mùa báo cáo tài chính lại về. Theo thống kê từ các sàn chứng khoán, 2/3 doanh nghiệp niêm yết đã công bố các con số kinh doanh. So với quý trước, sự sụt giảm về lợi nhuận trong các doanh nghiệp đã diễn ra mạnh hơn. Nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái, đà tăng lợi nhuận có phần khởi sắc. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, gấp vài lần, thậm chí hàng chục lần, lại phổ biến ở các công ty có lợi nhuận còn khiêm tốn, trong vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng.

Ở nhóm các doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế hàng ngàn tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm nay, chỉ Kido (KDC), Masan (MNS) có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất. Trong khi đó, tại Vinamilk, lợi nhuận quý III tăng chưa tới 20%. Hay lợi nhuận của một số doanh nghiệp trong nhóm ngàn tỉ đồng như PV Gas (GAS) đã giảm so với cùng kỳ.

Các công ty dẫn đầu về lợi nhuận, xét con số tuyệt đối, hiện tập trung ở nhóm ngân hàng. Trong đó, Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) đều lãi ròng trên 5.000 tỉ đồng. Quý III/2016, Vietcombank đã có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần 40% so với cùng kỳ, còn VietinBank xấp xỉ 25%. Ở nhóm ngân hàng thương mại, Techcombank (TCB) đang dẫn đầu, với lợi nhuận sau thuế trong 3 quý đầu năm nay xấp xỉ 2.300 tỉ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ.

Theo thông tin công bố, các ngân hàng đạt lãi cao đều nhờ hoạt động kinh doanh ngoại hối khả quan hơn, đi từ chỗ ghi nhận lỗ sang lãi, như trường hợp của Techcombank. Hay nhờ tiết giảm chi phí, dự phòng rủi ro thấp hơn mà lợi nhuận của Ngân hàng Á Châu (ACB), Vietcombank, Techcombank, Ngân hàng Quân Đội (MBB)... đều tăng.

Ở hoạt động tín dụng, đa số ngân hàng đã có sự dịch chuyển, gia tăng cho vay cá nhân. Dư nợ cho vay cá nhân của Techcombank hiện chiếm 43,5% tổng dư nợ cho vay, của Vietcombank trong khoảng 23-25%. Nhờ sự dịch chuyển này, hoạt động dịch vụ của các ngân hàng cũng đã tăng tốc. Trong năm 2015, tỉ trọng thu dịch vụ của Vietcombank đã đạt 30% và tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm nay. Đối với Techcombank, dù mảng tín dụng khả quan, tỉ trọng dịch vụ vẫn chiếm tới 31,81% trong tổng cơ cấu lợi nhuận.

Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn có những mảng tối. Do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đều tăng, Ngân hàng Kiên Long đã lỗ hơn 8 tỉ đồng trong quý III này. Hay cả Eximbank (EIB) và Sacombank đều giảm lãi 70% so với cùng kỳ. Dù Eximbank đã tìm cách giảm nợ xấu từ 5,3% tổng dư nợ cho vay (6 tháng đầu năm) xuống còn 3,35% hiện tại nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này trong 3 quý đầu năm vẫn tăng 85% so với cùng kỳ.

Bao cao tai chinh Quy III: Ai cuoi, ai khoc?
 

Trong khi đó, các công ty ngành thép lại ăn nên làm ra. Công ty Kim khí TP.HCM (HMC) gần đây cho biết, lợi nhuận sau thuế đã tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ và đạt doanh thu thuần gần 1.900 tỉ đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm. Đối với Công ty Đầu tư Thương mại SMC (SMC), 2016 là năm của những đột biến, với lợi nhuận sau thuế lần đầu tiên chạm ngưỡng 285 tỉ đồng chỉ sau 9 tháng. Lãnh đạo SMC lý giải, diễn biến tăng giá thép nhập khẩu tại Việt Nam đã dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng cán nóng, cán nguội, hàng mạ..., khiến cầu tăng cao, giá bán cũng tăng. Với tình hình đó, việc nhập hàng trong mức kiểm soát và nhập đều đặn, ổn định theo những đơn hàng đặt từ đầu năm đã giúp SMC có lợi nhuận biên tốt.

Hoạt động kinh doanh tại Thép Tiến Lên (TLH), Thép Nam Kim (NKG), Hoa Sen Group (HSG) cũng khởi sắc. Nhưng Hòa Phát (HPG) lại nổi bật hơn cả khi hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách áp thuế tự vệ trong ngành thép và lần đầu tiên trong 1 quý, HPG đạt 1.600 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ngành xây dựng cũng ghi nhận những gương mặt kinh doanh ấn tượng trong mùa báo cáo tài chính quý III. Đáng chú ý là Công ty Hòa Bình (HBC) với lãi sau thuế trong quý III/2016 tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ. Doanh thu thuần cũng tăng gần 2,5 lần, đạt xấp xỉ 3.000 tỉ đồng. Tính chung 9 tháng, HBC đã sớm hoàn tất và vượt các kế hoạch kinh doanh cả năm. Động lực đẩy tăng giá cổ phiếu HBC có lẽ còn đến từ việc hầu hết các khoản vay đều dưới hình thức tín chấp, như đại diện HBC từng cho biết. Công ty này cũng đang lên kế hoạch chuyển nhượng dự án Khu Công nghiệp Nhị Thành - Long An.

Coteccons (CTD) tiếp tục cho thấy sức mạnh của kẻ dẫn đầu. Nhiều dự án bất động sản lớn của Vingroup, TNR, Tân Hoàng Minh, Đại Quang Minh… đều do Coteccons thực hiện. Nhờ đó, Công ty tiếp tục có quý III/2016 và lũy kế 9 tháng tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế và vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận. Nhưng nếu như Coteccons, Hòa Bình đạt kết quả kinh doanh khả quan thì nhiều doanh nghiệp xây dựng như Công ty Xây dựng Sông Hồng (ICG), Công ty Đệ Tam (DTA), Công ty Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE) lại lao đao. Đây là những doanh nghiệp nhỏ, thua thiệt về vị thế, uy tín, vốn và khả năng thực hiện công trình nên không thể đủ sức cạnh tranh đấu thầu với những tên tuổi lớn.

Ngành ghi nhận dấu ấn khởi sắc trong mùa báo cáo tài chính quý III năm nay còn là cao su thiên nhiên (Cao su Đồng Phú, Cao su Phước Hòa, Cao su Tây Ninh, Cao su Đà Nẵng...)  tiện ích (Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Sông Ba, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2...), bất động sản (Vingroup, Sacomreal, Khang Điền, Kinh Bắc...), chứng khoán (Công ty Chứng khoán Sài Gòn, Chứng khoán TP.HCM...).

Bao cao tai chinh Quy III: Ai cuoi, ai khoc?
 

Tuy nhiên, cũng như lĩnh vực ngân hàng và xây dựng, sự khởi sắc chỉ tập trung ở những công ty có thị phần vượt trội, có nhiều lợi thế. Số đông doanh nghiệp còn lại ít nhiều gặp trở ngại, thua lỗ. Đáng chú ý là Công ty Xây dựng Bình Chánh (BCI) đã bất ngờ lỗ gần 34 tỉ đồng. Theo giải trình từ Công ty, nguyên nhân thua lỗ là do số lượng đất nền, căn hộ bàn giao cho khách hàng trong kỳ giảm mạnh. BCI cũng còn lượng hàng tồn kho hơn 2.000 tỉ đồng, buộc doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng gần 19 tỉ đồng.

Ở những ngành như thủy sản, vận tải biển, dầu khí..., bức tranh kinh doanh trở nên ảm đạm khi đứng trước một loạt khó khăn. Khan hiếm nguyên liệu đã buộc doanh nghiệp thủy sản phải nhập nguyên liệu về chế biến. Cùng với đó là những lo ngại về ô nhiễm môi trường và Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Brazil... đều siết chặt điều kiện nhập hàng. Vì thế, ngoại trừ Vĩnh Hoàn (VHC), Hùng Vương (HVG) vẫn giữ được kinh doanh tăng trưởng ổn định, phần lớn doanh nghiệp thủy sản đều ít nhiều bị căng thẳng.

Riêng nhóm doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải biển thực sự lao đao. Quý III này là quý thứ 7 liên tiếp Công ty Vận tải biển Việt Nam - Vosco (VOS) thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ được Vosco xác nhận là do thị trường duy trì ở mức kém quá lâu, khiến giá nhiên liệu tuy giảm nhưng không đủ bù đắp giá cước xuống thấp. Giá cổ phiếu VOS hiện về dưới 2.000 đồng/cổ phiếu và đang ở diện bị kiểm soát.

Tình hình của PVDrilling (PVD) cũng không khả quan. Lần đầu tiên kể từ khi niêm yết vào năm 2006, công ty này không lãi nổi 10 tỉ đồng trong một quý. Theo lý giải của PVD, hoạt động kinh doanh của Công ty sụt giảm vì hiệu suất sử dụng giàn khoan chỉ đạt 62%, đơn giá cho thuê giàn khoan giảm mạnh từ 55-60%. PVD không có giàn khoan thuê hoạt động trong quý III/2016 và khối lượng công việc, đơn giá các dịch vụ liên quan đến giàn khoan đã giảm từ 40-60%.

Việc thua lỗ nặng cũng diễn ra ở một số doanh nghiệp thuộc ngành khác như Gỗ Trường Thành (TTF), Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Ở 2 công ty này, giá vốn hàng bán đã cao hơn doanh thu. Đó là chưa kể, các công ty còn vướng vào lãi vay cao hay TTF phải trích dự phòng hàng tồn kho, khoản phải thu khó đòi lớn. Kết quả là TTF lỗ ròng hơn 1.400 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, còn HNG lỗ 686 tỉ đồng.  Đối với những công ty chịu biến động tỉ giá liên quan đến đồng yen Nhật như Nhiệt điện Phả Lại (PPC), mức lỗ đã lên đến gần 350 tỉ đồng do chi phí tài chính tăng quá mạnh.

Có thể thấy, trong quý III năm nay, đặc điểm ngành nghề và môi trường kinh doanh, các yếu tố ảnh hưởng đến đầu vào và đầu ra sản phẩm như tỉ giá, giá nguyên liệu, cung cầu thị trường, chính sách... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù thị trường trải qua nhiều sóng gió, nhưng những doanh nghiệp như Nhựa Bình Minh (BMP), Vinamilk (VNM), Dược Hậu Giang (DHG), Vĩnh Hoàn (VHC), Hòa Phát (HPG)... vẫn giữ được phong độ kinh doanh tăng trưởng ổn định.

Viết Nguyên


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày