Kinh Doanh

Cargo nâng đỡ hãng bay

Sơn Nguyễn Thứ Ba | 01/12/2020 07:30

Hình ảnh máy bay của Vietjet Air. Ảnh: Quý Hòa.

Mảng vận tải hàng hóa (cargo) đang hỗ trợ các hãng bay vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh.
Hình ảnh máy bay của Vietjet Air. Ảnh: Quý Hòa.

Thay vì đích nhắm là chở khách, giờ đây nhiều hãng bay trong nước đang nỗ lực nâng tỉ trọng của mảng vận tải hàng hóa (cargo) như một phương án vượt khó thời đại dịch. Đơn cử như mới đây, hãng bay Vietjet Air đã bắt tay cùng Tập đoàn UPS để cải thiện mảng vận chuyển hàng hóa giữa thị trường Mỹ và khu vực châu Á (nhất là đến Việt Nam và Thái Lan).

ỨNG PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH

Dự kiến, hàng hóa được vận chuyển của Vietjet bao gồm hàng may mặc, thủy sản, hàng y tế và các loại hàng hóa khác có xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan và các điểm khác. “Bên cạnh việc mở rộng mạng đường bay chở khách tại Việt Nam và Thái Lan, Vietjet còn là một trong những hãng hàng không đầu tiên ở châu Á hướng đến vận chuyển hàng không như một phần của chiến lược kinh doanh mới đang được triển khai nhằm ứng phó với đại dịch toàn cầu”, ông Đỗ Xuân Quang, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Vietjet Air Cargo, cho biết.

 

Hơn thế, việc hợp tác với UPS sẽ mở đường cho Vietjet đưa Hà Nội, TP.HCM  và Bangkok trở thành các trung tâm hậu cần khu vực cho dịch vụ vận chuyển hàng hóa một cửa từ châu Á đến phương Tây khi gắn kết vào mạng đường bay nội địa ở các nước cũng như khu vực Đông Bắc Á mà Hãng đang mở.

Một hãng hàng không khác đang nỗ lực cải thiện tỉ trọng của mảng cargo là Bamboo Airways. Hãng hàng không này mới đây cho biết đã được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cấp giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo đó, Bamboo Airways được thực hiện các chuyến bay thẳng không nối chuyến bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, giữa các sân bay lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM tới tất cả các sân bay quốc tế tại Mỹ, bao gồm các sân bay ở Los Angeles hoặc San Francisco mà Bamboo Airways xác định là những điểm đến đầu tiên. “Giấy phép cũng mở ra cơ hội hợp tác dưới hình thức liên danh giữa Bamboo Airways và các đối tác tại Mỹ để khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ trong thời gian tới”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bamboo Airways, cho biết.

Có thể thấy chiến lược phát triển mảng phụ trợ (Ancillary) trong đó cargo là hoạt động chủ đạo là hướng đi đúng để cải thiện hiệu quả hoạt động của hãng bay. Lý do là phải mất khá nhiều năm, thị trường khách du lịch mới có thể phục hồi về thời điểm trước đại dịch, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với các quốc gia khác (đặc biệt là EU, Mỹ) đang tăng trưởng lạc quan nhờ các hiệp định kinh tế lớn mới được ký kết.

LẤY NGẮN NUÔI DÀI

Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietjet, trước khi xảy ra đại dịch, Hãng đã từng chất đầy hàng trong bụng máy bay chở khách, trung bình mỗi chuyến từ 1-3 tấn. Hiện nay, việc triển khai máy bay chỉ chở hàng đã tăng sản lượng vận chuyển hàng hóa trên mỗi chuyến bay lên ít nhất 6 lần, giúp mang lại doanh thu cao hơn cho Hãng trong thời gian này.

Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airway. Ảnh: Quý Hòa.
Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. Ảnh: Quý Hòa.

Năm 2019, doanh thu phụ trợ của Vietjet (chủ yếu bao gồm các khoản thu dịch vụ cộng thêm, doanh thu vận chuyển hàng hóa, doanh thu bán hàng trên tàu bay (thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm) đạt 11.356 tỉ đồng, tăng 35% so với năm trước. Tỉ trọng doanh thu phụ trợ trên tổng doanh thu vận chuyển hàng không cải thiện từ 25,4% trong năm 2018 lên 28% năm ngoái. Đến quý III vừa qua, con số này đã tăng lên đến 46%.

Nhưng mảng cargo cải thiện vẫn chưa đủ sức để bù lỗ cho Vietjet. Trong quý III, báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 2.802 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 926 tỉ đồng. Dù sao nếu không có mảng cargo, mức lỗ của Vietjet có thể lớn hơn nữa. Theo IATA, trong vài năm tới, Việt Nam dự kiến sẽ có 23 sân bay, với lưu lượng hằng năm là 144 triệu lượt hành khách. Uớc tính vận chuyển hàng hóa sẽ tăng 12% từ năm 2020 đến năm 2030. “Sự tăng trưởng này, bao gồm cả hoạt động dân dụng và hàng hóa, sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới vào năm 2035”, IATA nhận định.

 

Nỗ lực của các hãng hàng không là đáng ghi nhận khi trên thế giới, hàng loạt hãng đang lao đao. Mới đây, Norwegian Air, hãng bay giá rẻ của Na Uy, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ở châu Á, AirAsia Japan đã xin phá sản khi đại dịch gần như xóa sổ du lịch trên toàn cầu.

Các hãng hàng không Việt đối mặt với thách thức tương tự và buộc Chính phủ phải can thiệp. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, từ việc cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Dự kiến Chính phủ sẽ giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Gói hỗ trợ này trước mắt sẽ giúp Vietnam Airlines đỡ thiếu hụt dòng tiền của năm 2020 (dự kiến thiếu từ 15.000-16.000 tỉ đồng), làm tăng khả năng thanh khoản và là cơ sở để đàm phán với các tổ chức tín dụng, đối tác cung cấp dịch vụ, cho thuê máy bay... thuận lợi hơn.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày