Kinh Doanh

Doanh nghiệp cảng bắt đầu phục hồi khi giá cước được dự báo đã chạm đáy

Song Luân Thứ Ba | 28/11/2023 15:37

Việc phục hồi đơn hàng và sản lượng cho ngành vận tải biển và cảng biển chậm hơn so với tốc độ giảm của hàng tồn kho. Ảnh: Quý Hòa.

Trước đó, do giá vận chuyển vẫn ở mức thấp nên đã có một số chuyển động đáng chú ý từ các công ty vận tải lớn trên toàn cầu.
Việc phục hồi đơn hàng và sản lượng cho ngành vận tải biển và cảng biển chậm hơn so với tốc độ giảm của hàng tồn kho. Ảnh: Quý Hòa.

Chỉ số vận tải đường biển Baltic Dry Index, đo lường chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới, đã tăng 13,3% vào phiên giao dịch 24/11 lên 2.102 điểm, mức cao nhất trong hơn 1 tháng. Đồ thị giá chỉ số vận tải đường biển đóng cửa tăng mạnh lên mốc đỉnh cũ hồi giữa tháng 10. Chi phí vận tải đường biển đang biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và hướng về vùng giá tiếp theo quanh 2.600 điểm.

Chỉ số vận tải đường biển Baltic Dry Index, đo lường chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới, đã tăng 13,3% vào phiên giao dịch 24/11. Ảnh: Tradingeconomics
Chỉ số vận tải đường biển Baltic Dry Index, đo lường chi phí vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới, đã tăng 13,3% vào phiên giao dịch 24/11. Ảnh: Tradingeconomics

Trước đó, do giá vận chuyển vẫn ở mức thấp nên đã có một số chuyển động đáng chú ý từ các công ty vận tải lớn trên toàn cầu. Dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, THE Alliance công bố kế hoạch đình chỉ hai tuyến đường Đông Tây trọng điểm để ngăn chặn sự suy giảm về giá. Liên minh THE, bao gồm các thành viên Hapag-Lloyd, Ocean Network Express, Yang Ming Marine Transport và HMM, sẽ tạm thời dừng các tuyến EC4 và FE5 hoạt động từ châu Á đến Bờ Đông Mỹ và Bắc Âu. Ngoài ra, Hapag-Lloyd đã thông báo hủy 12 chuyến tàu Á - Âu.

Trong bối cảnh nhu cầu yếu, Mirae Asset kỳ vọng các công ty lớn sẽ có thêm hành động để giảm nguồn cung cho đến giữa năm 2024, điều này sẽ giúp giá vận chuyển phục hồi.

 

Thêm vào đó, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam, Mirae Asset đánh giá nhờ mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và logistics. Ngoài ra, 2 bên cam kết tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, các chính sách kinh tế và thương mại hỗ trợ cũng như các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu này. Các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường đã được giải quyết thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư. “Chúng tôi tin rằng ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt - Mỹ, khi Mỹ hiện là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam”, Mirae Asset nhận định. 

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành cảng biển. “Bất chấp tín hiệu phục hồi trong 10 tháng đầu năm 2023, chúng tôi không kỳ vọng giá trị hoặc khối lượng xuất nhập khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024”, Mirae Asset nhìn nhận. 

Cụ thể, tiết kiệm của hộ gia đình tại Mỹ vẫn ở mức thấp, điều này báo hiệu không tốt cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai. Ngoài ra, mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy FED có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất nhưng nhiều khả năng FED sẽ duy trì mức lãi suất cao hiện tại cho đến tháng 6/2024. 

Theo SSI Research, mức tồn kho hiện tại vẫn cao hơn khoảng 7% so với đường xu hướng nhiều năm, điều này cho thấy dấu hiệu quá trình giảm hàng tồn kho chỉ mới hoàn thành được một nửa
Theo SSI Research, mức tồn kho hiện tại vẫn cao hơn khoảng 7% so với đường xu hướng nhiều năm, điều này cho thấy dấu hiệu quá trình giảm hàng tồn kho chỉ mới hoàn thành được một nửa.

Tiêu dùng thấp và chính sách tiền tệ thắt chặt đe dọa sự phục hồi tiêu dùng ở Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam. Mặt khác, trong bối cảnh các bên tham gia chính đang hành động nhằm giảm nguồn cung vận tải biển, Mirae Asset cho biết họ tin rằng giá vận tải đã chạm đáy và ít nhất sẽ duy trì ở mức hiện tại. Điều này sẽ hỗ trợ các công ty có doanh thu chủ yếu đến từ vận tải biển.

Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research lại cho rằng, với sự chuyển dịch hiện tại của người tiêu dùng sang tiêu dùng dịch vụ ở Mỹ cùng với các dấu hiệu suy thoái trong hoạt động kinh tế, không kỳ vọng sự phục hồi hình chữ V về mức tồn kho tại các doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ, và do đó việc phục hồi đơn hàng và sản lượng cho ngành vận tải biển và cảng biển chậm hơn so với tốc độ giảm của hàng tồn kho.

"Trong giai đoạn 2007-2008, chúng tôi cũng quan sát thấy giá trị tồn kho danh nghĩa của Mỹ mất 1 năm để giảm xuống mức đáy, nhưng mất 3 năm để trở lại mức đỉnh trước đó", SSI Research cho biết thêm. 

Có thể bạn quan tâm 

Xuất khẩu dệt may sắp cán đích 40,3 tỉ USD


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày