Kinh Doanh

Hà Nội cần thêm 42 trung tâm thương mại

Thứ Năm | 21/08/2014 15:33

Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 418 chợ dân sinh (trong đó có 4 chợ đầu mối), 135 siêu thị và 24 Trung tâm thương mại.
Sáng 19/8, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội trong điều kiện hội nhập quốc tế và chuẩn bị hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, thị trường bán lẻ vẫn chưa phát triển theo kỳ vọng, hàng Việt chưa cạnh tranh được với hàng ngoại ngay trên sân nhà. Hiện nay sức mua của thị trường bán lẻ suy giảm, quý II chỉ tăng trưởng 8,3%. .

Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 418 chợ dân sinh (trong đó có 4 chợ đầu mối), 135 siêu thị và 24 Trung tâm thương mại.

Theo quy hoạch của Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội cần đầu tư xây dựng mới 23 siêu thị hạng một, 111 siêu thị hạng hai, 865 siêu thị hạng ba; 10 trung tâm thương mại (TTTM) hạng một, 7 TTTM hạng hai, 16 TTTM hạng ba, 9 TTTM cấp vùng.

Phát triển 595 chợ dân sinh, trong đó có 24 chợ hạng 1, 79 chợ hạng 2, 478 chợ hạng 3, đến 2020 tiến hành nâng cấp 381 chợ, xây mới 213 chợ và giải tỏa 14 chợ.

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn Thành phố vẫn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc như quỹ đất dành cho thương mại còn ít, khó bố trí tại địa bàn các quận trung tâm. Một số loại hình thương mại không có tiêu chí thiết kế cụ thể và cơ chế quản lý nên khó khăn trong việc xác định quy mô, vị trí. Việc kết hợp phát triển thương mại - du lịch trên địa bàn chưa được chú trọng; trình độ chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa của các doanh nghiệp thương mại còn thấp…

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp có hệ thống phân phối bán lẻ lớn trên địa bàn như Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro, Tổng công ty Nhất Nam cho rằng, doanh nghiệp trong nước hiện có sự lo ngại trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Đề nghị Thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong cấp địa điểm kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và có cơ chế quản lý thích hợp đối với hàng hóa nhập khẩu.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định thị trường Hà Nội rất tiềm năng, trong thời gian tới, Thành phố sẽ quan tâm chỉ đạo để tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong ngắn hạn và dài hạn, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn sau đầu tư cho các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung chống gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả.

Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng các giải pháp công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Phó Chủ tịch cũng khẳng định, Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện trong cơ chế, chính sách để DN phát triển trong xu thế hội nhập.

Nguồn Theo DVO


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày