Kinh Doanh

Năm 2023, chất lượng tài sản sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng

Nhật Anh Thứ Bảy | 11/03/2023 08:00

Hình ảnh minh họa: Quý Hòa.

Ngân hàng nào sẽ duy trì được chất lượng tài sản tốt trong năm 2023 khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với bài toán thanh khoản.
Hình ảnh minh họa: Quý Hòa.

Trong báo cáo mới nhất về ngành ngân hàng được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, áp lực suy giảm chất lượng tài sản đối với các ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023 khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với bài toán thanh khoản. Kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn đang bị tắc nghẽn và chưa có hướng giải quyết đột phá. ACBS cho rằng các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới trong khi áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi trái phiếu đáo hạn vào giữa và cuối năm nay. 

 

Cũng theo dữ liệu từ ACBS, hiện trái chủ lớn nhất là các ngân hàng, đang nắm giữ khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu ngân hàng). Tính đến cuối quý IV/2022, dư nợ trái phiếu doanh  nghiệp chiếm tỉ trọng 2,5% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng. Trong số đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng một nửa, tương đương 1,2% dư nợ tín dụng. 

Tỉ lệ nợ xấu danh mục trái phiếu doanh nghiệp trên bảng cân đối của các ngân hàng tính đến cuối quý IV/2022 vẫn ở mức xấp xỉ 0%. Tuy nhiên, theo thống kê của HNX, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chậm trả lãi trái phiếu trong quý IV/2022 và quý I/2023, trong đó bao gồm nhiều tập đoàn lớn như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Trung Nam,…

ACBS cho biết họ nhận thấy một số tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp bất động sản như việc ban hành Nghị định 08/2023, sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020 và Nghị định 65/2022 cho phép các doanh nghiệp đàm phán với trái chủ thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản, kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm tối đa 2 năm và nới lỏng các điều kiện phát hành. Ngoài  ra, Chính phủ và Cơ quan Nhà nước cũng đã có những đề xuất để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản huy động được nguồn vốn vay ngân hàng và mở bán dự án. 

 

Về môi trường vĩ mô, diễn biến tỉ giá và lạm phát theo chiều hướng tích cực hơn cũng sẽ giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt và phục hồi nhu cầu vay mua nhà. Những yếu tố đó đều sẽ giúp cải thiện sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản, qua đó giảm áp lực nợ xấu lên hệ thống ngân hàng. 

Trong năm 2023, ACBS cho rằng chất lượng tài sản cũng như chi phí dự phòng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng, phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro cũng như năng lực quản trị rủi ro tín dụng của từng ngân hàng. “Các ngân hàng luôn kiểm soát được tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp như VCB (0,7%), ACB (0,7%) có khả năng duy trì được chất lượng tài sản tốt trong năm 2023”, ACBS nhìn nhận. 

Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng đánh giá, các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao như VCB (317%), bid (217%), CTG (188%) và MBB (238%) cũng sẽ có khả năng bảo vệ chất lượng tài sản của mình trong bối cảnh nợ xấu tăng cao và có khả năng kiểm soát chi phí dự phòng ở mức vừa phải. 

Có thể bạn quan tâm:

Lãi suất huy động khó có thể giảm mạnh trong năm nay


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày