Kinh Doanh

Nghịch lý thừa tiền của ngân hàng

Thứ Tư | 15/10/2014 15:32

Ngân hàng đang thừa vốn vay ngắn hạn, nhưng thiếu vốn cho vay dài hạn.
Trong khi các doanh nghiệp than vãn lãi suất vẫn cao, không vay được, thì nhiều ngân hàng lại khẳng định có nguồn vốn rẻ nhưng chiếm tỷ trọng lớn là nguồn vay ngắn hạn.

Nghịch lý này được nêu ra tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM về tình hình hoạt động của ngân hàng trên địa bàn và tìm giải pháp giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn chịu áp lực lãi vay

Hiện lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm so với trước, nhiều doanh nghiệp đang trông chờ lãi suất cho vay sẽ giảm thêm.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, vốn là 1 trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Chưa thấy bao giờ doanh nghiệp thờ ơ về vốn như hiện nay, dù đó là nhu cầu rât lớn của doanh nghiệp.

Hiện mức lãi suất trung dài hạn mà doanh nghiệpphải vay là 10-12%/năm, vậy các ngân hàng có hạ thêm lãi suất 1-2%/năm được không? Vấn đề làm sao lãi suất cho vay chỉ 6-7%/năm và doanh nghiệp chỉ cần được áp dụng trong 1 năm ở mức này.

Lãi suất cho vay ngoại tệ, hiện có doanh nghiệp phải chịu lãi vay tới 6-7%/năm của ngân hàng chứ không phải 5%/năm như nhiều ngân hàng công bố.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho biết thực tế những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng đang rất khó. Đa số các doanh nghiệp nhỏ đều tự túc được đồng vốn của mình bằng cách huy động từ người thân, bạn bè… vì họ thấy tự mình không đáp ứng đủ điều kiện của ngân hàng, và nếu doanh nghiệp nhỏ được vay thì lãi suất cũng khá cao.

Vấn đề đáng lo mà nguyên nhân không phải do ngân hàng hay doanh nghiệp, đó là thị trường ngưng trệ, sức mua giảm.

Chúng ta xuất thân từ thị trường bao cấp, chúng ta không có kênh phân phối, trong khi khối các doanh nghiệp FDI có kênh phân phối rất tốt. Do vậy, nhiều khi doanh nghiệp nội hàng ế mà không biết bán ở đâu?

Ông Đỗ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc CTCP Thủy đặc sản Seaspimex, lãi suất cho vay trung hạn đang ở mức 11%/năm trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn 8%/năm cũng là áp lực lãi vay cho doanh nghiệp.

Hiện nay, các ngân hàng cũng không thống nhất trong việc thẩm định phương án, dự án vay đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp đem phương án kinh doanh của mình đến ngân hàng A thì không vay được, nhưng đến ngân hàng B thì lại được xét cho vay khiến doanh nghiệp rất băn khoăn.

Bên cạnh đó, đối với tài sản thế chấp ngân hàng nên cho vay với mức cao hơn hiện nay là 70% giá trị tài sản đảm bảo đối với doanh nghiệp quan hệ lâu năm với ngân hàng. Vì có những doanh nghiệp khó khăn đang vươn lên nhưng lại không có nguồn vốn để phát triển nên cũng thiệt thòi.

Nghịch lý nhà băng thừa vốn rẻ

Các ngân hàng cũng đang kêu khó khăn về nguồn vốn trung dài hạn, vì hiện nay nhiều ngân hàng vốn gửi vào ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn 3-6 tháng, trong khi cho vay ra trên 12 tháng là chủ yếu.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết hiện lãi suất huy động vốn bình quân của ngân hàng là 5,74%, lãi suất cho vay bình quân là 9,79%, chênh lệch giữa cho vay – huy động (margin) là hơn 4%.

Hiện tiền gửi vào ACB chủ yếu là ngắn hạn chiếm đến 85%, trong khi đó cho vay ra chủ yếu là trung hạn. Tại ACB có nghịch lý là người dân lại vay vốn trung hạn nhiều hơn là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Còn doanh nghiệp lại chủ yếu vay ngắn hạn.

Theo ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank): “Chúng tôi rất muốn cho doanh nghiệp vay, VietCapitalBank đã cấp hạn mức mà doanh nghiệp không sử dụng hết đang còn dư tới 2.450 tỷ đồng, chiếm 21%. Đối với những khách hàng lâu năm VietCapitalBank luôn có những hỗ trợ và gói sản phẩm với lãi suất chỉ 8%/năm cho 6 tháng đầu sau đó điều chỉnh lãi suất theo thị trường. Ngay như hiện nay ngân hàng cũng đang thiết kế gói sản phẩm cho vay lãi suất chỉ 5%/năm vay trong 03 tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp có vòng quay vốn lâu hơn nên không thể vay gói này”.

Phía ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đại diện ngân hàng cho biết đang đẩy mạnh cho vay mua, sửa chữa nhà được trên 4.500 tỷ đồng. Do vậy, nguồn vốn để cho vay trung dài hạn rất thiếu.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank đề nghị: “Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng tỷ lệ cho vay trung dài hạn trên nguồn vốn ngắn hạn lên trên mức 30% như hiện nay để ngân hàng có vốn cho vay trung dài hạn”.

Tại buổi làm việc, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM, cho rằng ngân hàng Nhà nước nên sử dụng công cụ điều hành của mình để giảm lãi suất cho vay trung dài hạn hiện đang là 11%/năm, quá cao khi CPI (chỉ số giá tiêu dùng) đang tăng thấp chỉ 4,61% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng các ngân hàng cũng nên giảm chênh lệch lãi suất giữa đầu vào – đầu ra (margin) xuống còn khoảng 2,5-3% so với mức 3,5-4% như hiện nay để giảm lãi suất cho vay vì xu hướng lãi suất gửi tiết kiệm đang giảm.

Nguồn Infonet


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày