Kinh Doanh

Ngọt đắng chuyện suất ăn công nghiệp

Thứ Ba | 05/04/2016 08:30

Giả sử trung bình mỗi phần cơm trưa giá 20.000 đồng/người, thì quy mô thị trường suất ăn trưa cho người lao động là lên đến hơn 1.000 tỉ đồng mỗi ngày.

Trái với thị trường chứng khoán có lên có xuống, vẫn có một ngành nghề luôn tồn tại ổn định. Ðó là lĩnh vực cung cấp dịch vụ ăn uống tại chỗ. Rõ ràng, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, những bữa ăn công nghiệp cũng ngày càng phổ biến hơn. Gần đây, cũng đã có một công ty đầu tiên đại diện cho ngành dịch vụ này chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán: Công ty Cổ phần Suất ăn Công nghiệp Atesco (ATS).

Hiểu một cách đơn giản, suất ăn công nghiệp là những khẩu phần ăn được phân chia sẵn và mang đến trực tiếp cho người dùng. Trước Atesco, còn có Công ty Suất ăn Hàng không Nội Bài vừa được niêm yết ở sàn UpCOM. Nếu như Atesco định hướng cung cấp suất ăn tới khu vực công nhân, thì Công ty Suất ăn Hàng không chỉ phục vụ cho những chuyến bay.

Thực tế, Atesco không chỉ hoạt động trong lĩnh vực suất ăn công nghiệp. Công ty này còn kinh doanh dịch vụ nhà hàng khách sạn, lưu trú và kinh doanh bất động sản. Nếu xét theo quy mô doanh thu và lợi nhuận, có thể xếp Atesco vào 2 lĩnh vực nêu trên, chứ không phải như tên gọi Suất ăn Công nghiệp của mình.

Dù mảng kinh doanh suất ăn công nghiệp có quy mô doanh thu nhỏ, nhưng cách Atesco đặt tên như thế cũng là bước khởi đầu quan trọng. Bởi tư duy về mô hình kinh doanh suất ăn công nghiệp bài bản vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, dù loại hình này đã tồn tại từ lâu.

Tại Hải Dương, trong nhiều năm qua, Atesco thường xuyên cung cấp những bữa ăn cho các khu công nghiệp. Hợp đồng đầu tiên của Atesco diễn ra vào năm 2006 với Công ty Sumidenso Việt Nam, với số lượng 1.500-2.000 suất ăn mỗi ngày cho đến nay. Ngoài ra, danh sách khách hàng của Công ty còn có Khu Công nghiệp Đại An (cũng ở Hải Dương), hoặc các đơn vị khác như Học viện An ninh Nhân dân, Công ty Bảo hiểm Quân đội, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Tính chung, Atesco cung cấp khoảng 3.000 suất ăn mỗi ngày tại Việt Nam.

Liệu mô hình này có mang lại lợi nhuận tốt? Ðối với Atesco, năm 2014, tỉ suất sinh lợi trên doanh thu của mảng kinh doanh này là 37,4%. Sang năm 2015, tỉ lệ này sụt giảm chỉ còn 10%, với 12,85 tỉ đồng doanh thu và 1,26 tỉ đồng lợi nhuận. Theo lý giải của Atesco, có 2 lý do quan trọng khiến lợi nhuận giảm là giảm doanh thu và chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng. Những con số này cho thấy đặc trưng của ngành: muốn lời nhiều cần phải bán với số lượng lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải có vùng đệm an toàn cho doanh thu vì các khách hàng thường ký hợp đồng ngắn hạn từng năm một.

Mô hình cung cấp thức ăn cho khu công nghiệp là không mới, do đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện. Chỉ là chưa có trường hợp điển hình nào tập trung mở rộng về quy mô. Theo bản cáo bạch của Atesco, công ty này có quy mô trung bình khá so với các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Hiện nay, theo thông tin từ cổng thông tin giới thiệu và quảng bá các khu công nghiệp ở Việt Nam (VIIPIP), ở miền Bắc có 65 khu công nghiệp với hơn 1 triệu người lao động. Nhưng chỉ có trên 40 doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp hoạt động có đăng ký giấy phép kinh doanh. Theo Atesco, đích ngắm của họ là thị trường Hà Nội (14 khu công nghiệp) và Hải Dương (11 khu công nghiệp).

Ai cũng cần ăn uống. Nhu cầu vì thế là rất lớn, nhưng có thể thấy thị trường vẫn khá phân mảnh. Nếu tính chung cả nước, đến năm 2014 đã có khoảng 300 khu công nghiệp. Còn theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 12.2015, số lượng lao động của Việt Nam lên đến khoảng 53 triệu người. Giả sử trung bình mỗi phần cơm trưa giá 20.000 đồng/người, thì dung lượng thị trường đã lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, suất ăn công nghiệp dành cho khu công nghiệp cũng mới chỉ là một ngách nhỏ. Các dịch vụ nhận đặt hàng nấu ăn theo tiệc cũng là một loại hình suất ăn công nghiệp. Vì thế, quy mô thị trường còn có thể cao hơn nữa.

Tuy nhiên, kinh doanh suất ăn công nghiệp cũng có không ít rủi ro, khi liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cái khó thứ 2 là khâu logistics. Mô hình kinh doanh này khó từ đầu vào với nhiều loại nguyên liệu, và lại càng khó hơn với đầu ra. Món nào ăn nóng ngon hơn thì không nên đến tay người dùng khi đã nguội lạnh. Dù điểm lợi của suất ăn công nghiệp ở các khu công nghiệp là thường có bếp, nhưng doanh nghiệp cũng sẽ phải tốn thêm phần chi phí vận chuyển nguyên vật liệu.

Có lẽ, đây cũng chính là hai bài toán quan trọng mà nếu giải được, mô hình suất ăn công nghiệp sẽ hoàn thiện hơn. Tương lai kinh doanh suất ăn công nghiệp cũng sẽ dần đổi khác. Giới chủ doanh nghiệp hiện nay phần lớn thường chưa xem trọng bữa ăn cho nhân viên của mình. Mô hình suất ăn công nghiệp trong tương lai sẽ không chỉ hướng đến mục tiêu là sạch, mà còn phải đủ chất theo thực đơn dinh dưỡng khoa học, chứ không bát nháo như hiện nay.

Thiên Phong


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày