Kinh Doanh

Rau quả Việt lên ngôi tại thị trường Nhật, Hàn

Cẩm Tú Thứ Năm | 07/01/2021 14:30

Nông sản Việt Nam đang tạo sức hút lớn đối với thị trường Nhật và Hàn quốc. Ảnh: Trồng phúc bồn tử tại Đà Lạt.

Nông sản Việt Nam đang tạo sức hút lớn đối với thị trường Nhật và Hàn Quốc.
Nông sản Việt Nam đang tạo sức hút lớn đối với thị trường Nhật và Hàn quốc. Ảnh: Trồng phúc bồn tử tại Đà Lạt.

Việt Nam có lợi thế đối với nhiều mặt hàng nông sản mà Nhật, Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu ngày càng lớn, đặc biệt là trái cây nhiệt đới, rau ôn đới vụ đông. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của 3 nước đang khai thác khá hiệu quả cơ cơ hội này.

Ngay khi vừa khởi động dự án liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến nông sản hữu cơ tiêu chuẩn JAS Nhật, Công ty Lanbian VF Dâu Rừng đã được nhiều đối tác Hàn Quốc, Nhật đến đặt vấn đề tiêu thụ nông sản tươi và các sản phẩm chế biến. Chiếm phần lớn diện tích trang trại của doanh nghiệp này là cây phúc bồn tử trái đen và đỏ. Còn nhà máy Lanbian VF Dâu Rừng chế biến sản phẩm phúc bồn tử diện tích 1.000 m2 được trang bị máy móc hiện đại, phụ trợ quá trình sản xuất đạt công suất chế biến khoảng 5 tấn nguyên liệu tươi/tháng, chiếm 80% tổng sản lượng trái tươi sản xuất tại chỗ...

Ngoài ra, Công ty còn có khu vực nhà xưởng hầm rượu vang với diện tích 1.000 m2, đạt công suất lưu trữ 100.000 lít. Hầm rượu được xây dựng nhằm lưu trữ sản phẩm rượu vang ủ và lên men tự nhiên từ trái phúc bồn tử đen, đỏ trong 1 năm mới cho ra thị trường.

Ảnh:TL
Việt Nam có lợi thế đối với nhiều mặt hàng nông sản mà Nhật, Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu ngày càng lớn, đặc biệt là trái cây nhiệt đới, rau ôn đới vụ đông. Ảnh:TL

Dự án trên là một trong khá nhiều liên doanh, liên kết giữa Nhật - Việt Nam hay Hàn Quốc - Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thời gian gần đây, theo chân nhiều doanh nghiệp Nhật, Hàn đã đầu tư trồng rau, nấm, hoa, dược liệu tại một số vùng nông nghiệp. Hay như mới đây, Tập đoàn FPT đã hợp tác với Tập đoàn Fujitsu của Nhật để đưa giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong nông nghiệp của Fujitsu vào Việt Nam, nhằm biến khu vực Mộc Châu thành “Thành phố Đà Lạt thứ 2”.

Chi phí lao động và đất đai đắt đỏ khiến Nhật, Hàn Quốc phải đi tìm nguồn cung từ bên ngoài, Việt Nam đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu nhập khẩu đó, kể cả nhiều mặt hàng cao cấp dùng trong làm đẹp hoặc thực phẩm chức năng như sữa ong chúa, tảo xoắn Spirulina, sâm, yến sào...

Hiện nay, mỗi năm, Hàn Quốc phải nhập khẩu tới 35 tỉ USD nông sản các loại, Việt Nam chiếm cơ cấu khoảng 6% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc, tức xấp xỉ 2 tỉ USD; còn Nhật nhập khẩu khoảng 3,5 tỉ USD nông sản của Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật, Hàn khi đầu tư thường cũng góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản. Các doanh nghiệp này không chỉ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp quay trở lại thị trường nước họ, mà còn rất chuyên nghiệp trong việc tìm kiếm các thị trường quốc tế khó tính khác.

 

Cụ thể, người Hàn Quốc biết cách tấn công vào các thị trường có nền văn hóa ẩm thực sử dụng loại nguyên liệu giống với họ như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, hay những nước Hồi giáo như Indonesia, Malaysia. Ưu thế sản phẩm của họ là đạt yêu cầu hội nhập quốc tế. Chỉ riêng từ một loại nông sản là củ cải, người Hàn Quốc có thể làm ra rất nhiều sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Chẳng hạn, với củ cải đường kính lớn thì làm sản phẩm cuốn, thay cho lá xà lách mà người Việt thường sử dụng. Loại có đường kính nhỏ hơn và ngắn sẽ được cắt sợi mỏng, có thể muối chua hoặc để ăn sống như dưa leo, làm kim chi, phơi khô, sấy khô rồi muối.

Củ cải sẽ chiếm đến 2/3 công suất 15.000 tấn thành phẩm mỗi năm tại nhà máy chế biến ở Hải Dương - liên doanh giữa Công ty Lavifood và Công ty ILMI (Hàn Quốc). Theo đại diện của Lavifood, khi nhà máy đi vào hoạt động, ngoài xuất khẩu cũng sẽ cung cấp các sản phẩm liên quan đến củ cải, cải thảo, các loại kim chi, rau củ muối chua cho thị trường trong nước. Hiện có ít doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, nhưng hứa hẹn khoảng 5 năm tới, số người tiêu dùng tăng, những doanh nghiệp lớn cũng sẽ nhảy vào, lúc đó tính cạnh tranh sẽ cao hơn. Càng cạnh tranh, người nông dân càng có lợi.

Mới đây, Chương trình Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) tại Việt Nam và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khảo sát kết quả canh tác các giống rau Hàn Quốc tại Công ty Phong Thúy, Đức Trọng và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Đà Lạt. Đây là 2 đơn vị liên kết ổn định gần cả trăm đơn vị kinh tế, hộ gia đình sản xuất khoảng trên 200 ha theo quy trình VietGAP hơn 50 loại rau theo chuỗi giá trị, đạt tổng sản lượng cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối... trong cả nước mỗi năm hơn 16.000 tấn.

Với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, từ năm 2018-2020, 2 đơn vị dẫn đầu ở Lâm Đồng trong sản xuất chuỗi liên kết ở đây đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa khảo nghiệm thành công và tiếp tục nhân rộng tổng cộng khoảng 10 ha các giống rau mới nhập về từ Hàn Quốc theo phương pháp thủy canh và địa canh gồm xà lách, ớt, củ cải, cải bắp... đạt những chỉ tiêu khả quan.

 

Tại buổi khảo sát, Tiến sĩ Hyun Jong Nae, Giám đốc Chương trình Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) tại Việt Nam, cho rằng: “Đà Lạt và các vùng phụ cận có thổ nhưỡng, khí hậu và quy trình sản xuất rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng các giống rau công nghệ cao nhập từ Hàn Quốc.

Trong thời gian tới, tại những địa bàn này, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp các nguồn giống rau, củ, quả đã trồng thành công để doanh nghiệp, nông dân tổ chức sản xuất với quy mô cánh đồng lớn hơn. Đồng thời, sẽ tổ chức trồng khảo nghiệm các giống rau mới, trong đó có giống dâu tây mới của Hàn Quốc trong năm 2021”.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày