Kinh Doanh

Thắt tín dụng USD: Nhất tiễn hạ song điêu

Thứ Hai | 20/06/2016 12:30

Chỉ mới 5 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành 67% kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ cả năm 2016.

Đầu tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 07 mở lại van tín dụng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ. Ngay lập tức, Thông tư đã nhận được sự hoan nghênh vì đáp ứng đúng kỳ vọng của thị trường, đặc biệt là khối doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ (giày dép, may mặc, đồ gỗ), chế biến thủy hải sản…

Tuy nhiên, lại xuất hiện luồng ý kiến khác của một bộ phận không nhỏ các chuyên gia kinh tế cho rằng động thái khơi thông trở lại nguồn vay ngoại tệ này cũng đồng nghĩa với việc “ngầm công nhận” chính sách thắt chặt tín dụng USD trước đây (quy định trong Thông tư 24 mới chỉ có hiệu lực được 2 tháng) đã không thu được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, khi phân tích mối liên kết giữa thị trường nợ (diễn biến phát hành trái phiếu chính phủ) và thị trường ngân hàng (biên độ tăng trưởng tín dụng) và thị trường ngoại hối trong tương quan chéo với các yếu tố vĩ mô như chỉ số lạm phát, chính sách tỉ giá trung tâm, cán cân thương mại, người viết đã phát hiện một số thông tin thú vị. Phát hiện này cho thấy chính sách đưa lãi suất huy động USD về 0%, đồng thời thu hẹp cho vay USD đối với khối doanh nghiệp không hề thất bại như một số ý kiến nhận định.

Câu chuyện phải quay trở về thời điểm 2 tháng trước. Khi đó, quy định giới hạn nguồn tín dụng USD cho khối doanh nghiệp được sử dụng như công cụ trực tiếp nhằm chống tình trạng đô la hóa. Kế đến, cơ quan điều hành muốn mang đến cho các thành viên tham gia thị trường “luồng tư duy mới” qua Thông tư 24 khi chuyển từ quan hệ vay-gửi ngoại tệ truyền thống sang quan hệ mua-bán. Bối cảnh vĩ mô thời điểm này ổn định với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm tăng 1,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2015 và chỉ số lạm phát đạt 0,99%.

Tính đến cuối quý I, lượng tín dụng mà hệ thống ngân hàng bơm ra nền kinh tế đã tăng 1,54% và tổng phương tiện thanh toán tăng 3,08% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, những ảnh hưởng gián tiếp từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng như đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc lúc ấy được nhận định sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng có độ trễ nhất định.

That tin dung USD: Nhat tien ha song dieu
Khi Thông tư 07 “nới” lại hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, thị trường đã phản ứng rất tích cực - Ảnh: tapchitaichinh.vn

Xét phương diện chu kỳ sản xuất và tiêu dùng của quốc gia, các hộ gia đình sẽ thu hẹp một phần chi tiêu sau khi đã mở rộng hầu bao mua sắm dịp lễ Tết cuối năm khiến cho các doanh nghiệp sản xuất, kể cả những doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường quốc tế, sẽ có dịp nghỉ “xả hơi” trước khi bắt tay vào thực hiện những lô hàng chính vụ để hoàn thành mục tiêu doanh thu quý II.

Với những “điều kiện thời tiết” hết sức thuận lợi này, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định “thắt van tín dụng tạm thời” để hỗ trợ thực hiện những mục tiêu kinh tế quan trọng được Chính phủ giao từ đầu năm nay. Đó là gia tăng dự trữ ngoại hối; ổn định và giảm lãi suất cho vay; phát hành trái phiếu chính phủ đạt kế hoạch nhằm cân đối ngân sách quốc gia; ổn định tỉ giá; và kiểm soát lạm phát dưới 5%. Thực tế chứng minh việc chọn thời điểm cuối tháng 3 để “thắt van” là chính sách linh hoạt và hiệu quả, khi đem lại nhiều lợi thế chiến lược nhằm hoàn thành các trọng trách lớn nói trên của năm 2016.

Cũng cần nói thêm, khi Thông tư 24 được áp dụng, luồng ý kiến quan ngại chủ yếu đến từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu vì siết chặt nguồn vốn vay USD đồng nghĩa với việc họ phải huy động vốn bằng nội tệ với lãi suất chênh lệnh cao hơn khoảng 2-3 điểm phần trăm, dẫn đến chi phí tăng cao, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Dù các doanh nghiệp quan ngại là vậy, nhưng thống kê cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam sau 5 tháng vẫn thặng dư 1,638 tỉ USD.

Cần nhấn mạnh, sự thành công của chính sách không nằm tập trung ở thị trường tín dụng mà đầu tiên nằm ở thị trường nợ. Khi hệ thống ngân hàng có lượng USD lớn nhàn rỗi từ việc ngừng cho vay, Nhà nước đã thông qua kênh ngoại hối bơm một lượng tiền nội tệ vào thị trường. Chỉ trong vòng 2 tháng, 72.000 tỉ đồng (tương đương hút vào hơn 3,2 tỉ USD, theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã được đưa vào lưu thông tính đến tháng 5, tạo nên trạng thái dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng.

Điều này đã giúp kéo lãi suất giảm sâu khi nguồn cung của các tổ chức tín dụng được đẩy mạnh. Nhờ vậy, mục tiêu gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia mà Chính phủ giao đã từng bước được thực hiện theo đúng “ý đồ”. Tính chung, trong 5 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 7 tỉ USD.

Như vậy, chính sách thắt chặt tín dụng USD tuy chỉ được áp dụng trong vòng 60 ngày, đã cùng lúc hỗ trợ thực hiện 2 mục tiêu quan trọng: không chỉ giúp tăng dự trữ ngoại hối, mà còn ổn định lãi suất và hướng tới giảm lãi suất cho vay. Có thể thấy, trong khoảng thời gian Thông tư 24 có hiệu lực, việc tăng trưởng huy động vốn (5,3%) cao hơn tăng trưởng tín dụng (4,3%) đã tạo đà lãi suất thấp, từ thị trường liên ngân hàng “thẩm thấu” xuống vùng lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp và cá nhân.

Với dòng vốn dư thừa, các ngân hàng thương mại đã tìm đến thị trường trái phiếu chính phủ. Và như tiên liệu của các nhà điều hành chính sách, giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ đã sôi động trở lại như một hệ quả tất yếu. Trên thị trường sơ cấp, tổng lượng trái phiếu trúng thầu trong tháng 4 và tháng 5.2016 đã đạt hơn 59.400 tỉ đồng với lãi suất trúng thầu giảm mạnh khoảng 0,25 điểm phần trăm so với tháng trước đó (lãi suất kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 20 năm ở mức 5,3%, 6,14% và 7,75%). Còn trên thị trường thứ cấp, mức giảm lãi suất giao dịch trung bình cũng giảm 0,15-0,20 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn từ 2-5 năm.

Nhìn chung, bộ máy lãnh đạo mới của Ngân hàng Nhà nước đã đạt kết quả “nhất tiễn song điêu” khi sử dụng Thông tư 24 để điều hành linh hoạt lượng cung tiền trên thị trường, từ đó hoàn thành những mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đặt ra. Đặc biệt, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, chỉ mới 5 tháng đầu năm đã hoàn thành 67% kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ cho cả năm 2016, so với chỉ đạt 27% kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ cả năm 2015.

Khi Thông tư 07 “nới” lại hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, thị trường đã phản ứng rất tích cực. Rõ ràng, sự “hy sinh” trong 60 ngày đã tác động tích cực và đa chiều lên sự vận hành của cả thị trường tiền tệ, trái phiếu và tín dụng. Quy định cho vay vốn USD ngắn hạn theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), ấn định tỉ giá mua lại ngoại tệ ngay vào thời điểm giải ngân, sẽ giúp hệ thống ngân hàng chủ động phòng ngừa biến động tỉ giá khi FED thay đổi lãi suất trong tương lai gần.

Minh Nguyệt 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày