Kinh Doanh

Xuất khẩu gỗ sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm

Cẩm Tú Thứ Hai | 31/07/2023 17:50

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nội thất và lâm sản đạt 6,5 tỉ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ. Ảnh: TL.

Mục tiêu xuất khẩu 14 tỉ USD của ngành gỗ nhiều khả năng sẽ đạt được khi nhu cầu tại nhiều thị trường lớn bắt đầu phục hồi.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nội thất và lâm sản đạt 6,5 tỉ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ. Ảnh: TL.

Tại "Diễn đàn Công nghiệp Gỗ và Nội thất Việt Nam" ngày 28/7, Hội mỹ nghệ - chế biến gỗ TP.HCM HAWA công bố kết quả khảo sát với các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng tại các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình 30%. Tuy nhiên, trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai nhận định, thực tế giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. “So với mức phát triển GDP trung bình của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn”, ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, trước những thách thức thời gian qua, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã không hề bị động. Một mặt, doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới. Trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh.

Các thị trường tiêu thụ lớn đang xuất hiện nhiều xu hướng và yêu cầu mới
Các thị trường tiêu thụ lớn đang xuất hiện nhiều xu hướng và yêu cầu mới

Cụ thể, các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.

Là thành viên của của Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới 3Horizons tại London, Anh Quốc, dựa vào kinh nghiệm ứng phó từ các đợt suy thoái kinh tế trước đây, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng cơ hội tăng trưởng vẫn có để chúng ta có thể đón đầu. Theo ông Chương, sự cộng hưởng của những biến động tiêu cực của thế giới đã khiến thế giới vận hành theo một cách thức hoàn toàn mới, luật chơi mới, nên người chơi cũng phải mới để thích ứng kịp thời.

Đại diện chương trình SIPPO Việt Nam, bà Trần Như Trang cho biết các thị trường xuất khẩu gỗ hàng đầu của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… không chỉ có tín hiệu tích cực về tăng trưởng sản lượng, mà còn xuất hiện nhiều xu hướng và yêu cầu mới. Trong đó đáng chú ý là các yêu cầu về giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường. Có thể nói, tín hiệu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với ngành nội thất của Việt Nam, sẽ có nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho ngành này hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết chế biến gỗ và nội thất những tháng đầu năm 2023 đón nhận những con số không tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nội thất và lâm sản đạt 6,5 tỉ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ.

Có thể bạn quan tâm:

Vốn đầu tư FDI đạt gần 16,24 tỉ USD, tăng 4,5% trong 7 tháng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày