Người Tiên Phong

Du lịch chờ “cú nhảy số”

Hải Đăng Thứ Tư | 01/11/2023 16:11

Một cuộc khảo sát do nền tảng công nghệ du lịch Egencia thực hiện cho thấy 74% khách du lịch sử dụng thiết bị di động để nghiên cứu các lựa chọn du lịch của họ. Ảnh: nld.com.vn.

Nhiều nền tảng công nghệ đang định hình tương lai bền vững của ngành du lịch tại Việt Nam.
Một cuộc khảo sát do nền tảng công nghệ du lịch Egencia thực hiện cho thấy 74% khách du lịch sử dụng thiết bị di động để nghiên cứu các lựa chọn du lịch của họ. Ảnh: nld.com.vn.

Nhiều nền tảng công nghệ đang định hình tương lai bền vững của ngành du lịch tại Việt Nam.

Theo khảo sát gần đây của Prosper Insights & Analytics, 2023 là năm ngành du lịch bắt đầu quay trở lại mức trước đại dịch. Tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi Trung Quốc và châu Á phục hồi hoàn toàn. Trong bối cảnh này, những xu hướng gắn liền với công nghệ trở thành chuẩn mực mới trong du lịch. Chẳng hạn, đó là các nền tảng đặt vé trực tuyến, thanh toán không tiếp xúc, hỗ trợ khách hàng thông qua chatbot và trợ lý ảo, cùng với các công cụ đang giúp hành khách cập nhật liên tục trạng thái hành trình...

Số hóa trỗi dậy

Bà Nguyễn Minh Thu, Giám đốc Nhân sự Sheraton Saigon Hotel & Towers, nhấn mạnh, bên cạnh nguồn nhân lực, công nghệ đang đi đầu trong việc chuyển đổi cục diện ngành du lịch. Nắm bắt các công nghệ tiên tiến không phải là lựa chọn mà là điều tất yếu của các doanh nghiệp trong ngành du lịch.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “Sự trỗi dậy của số hóa đã định hình lại cách mọi người đi du lịch, đặt phòng và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình”. Trên thực tế, chỉ riêng tại Việt Nam, theo khảo sát của Statista trên 2.614 người Việt được thực hiện vào tháng 11/2020, 60% số người được hỏi biết và sử dụng đại lý du lịch trực tuyến. Tiến sĩ Ribeiro nói thêm: “Sự thay đổi theo hướng số hóa này không chỉ giới hạn ở đặt phòng mà còn mở rộng sang việc sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể”.

Một cuộc khảo sát do nền tảng công nghệ du lịch Egencia thực hiện cho thấy 74% khách du lịch sử dụng thiết bị di động để nghiên cứu các lựa chọn du lịch của họ. Điều này càng khẳng định rằng, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần thích ứng với xu hướng này và cung cấp giải pháp thân thiện với thiết bị di động”.

Chẳng hạn, Công ty Lữ hành Saigontourist những năm gần đây đã xây dựng được nguồn dữ liệu khách hàng để phục vụ phân tích thị trường và chiến lược tiếp thị; định hướng khách hàng sử dụng các kênh tư vấn, mua tour có kết nối tập trung, nhận diện và chăm sóc khách hàng trên một nền tảng số duy nhất... Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Saigontourist, cho biết ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số góp phần không nhỏ vào doanh thu kinh doanh lữ hành hơn 5.050 tỉ đồng vào năm 2019 và nhanh chóng phục hồi sau giai đoạn COVID-19, với doanh thu hơn 2.600 tỉ đồng năm 2022 và hơn 2.200 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm 2023.

Một chạm đi khắp Việt Nam

Một bước phát triển đáng kể khác trong ngành du lịch là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) và học máy. Những công nghệ này đang được dùng để tạo ra trải nghiệm du lịch được cá nhân hóa cho khách hàng. Ví dụ, các chatbot được hỗ trợ bởi A.I có thể giúp hành khách lên kế hoạch cho chuyến đi, đưa ra đề xuất về các điểm tham quan địa phương và thậm chí hỗ trợ đặt chỗ.

 

Nổi lên như những nhân tố thay đổi cuộc chơi trong ngành du lịch, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (VR/AR) có thể mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời, giúp họ khám phá các địa điểm trước khi thực sự đặt chân đến. Theo báo cáo của Greenlight Insights, thị trường VR/AR trong ngành du lịch dự kiến sẽ đạt 2,4 tỉ USD vào năm 2023.

Tiến sĩ Ribeiro cho rằng: “Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như thiết bị di động, A.I và VR/AR có thể giúp các doanh nghiệp tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo và cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách ngày nay”. Du lịch TP.HCM đã ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao và “Bản đồ tương tác thông minh 3D/360” nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch khi tham quan các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử... Du khách khi tương tác với công nghệ thực tế ảo (VR) sẽ có trải nghiệm cảm giác bay trong không gian ảo trên bầu trời thành phố.

Điểm tích cực là nhiều công nghệ cũng đang được triển khai ở nhiều điểm đến tại Việt Nam. Chẳng hạn, Đà Nẵng cũng đưa vào ứng dụng VR360 mang thông điệp “Một chạm đến Đà Nẵng” tại địa chỉ vr360.danangfantasticity.com. Đây là công nghệ thực tế ảo giúp dẫn đường cho du khách trải nghiệm tour khám phá Đà Nẵng sống động hơn. Tại Quảng Bình, từ năm 2015, Sơn Đoòng đã thực hiện dự án nhằm quảng bá hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic. Năm 2020, tờ The Guardian (Anh) đã đưa cảnh quan hùng vĩ của Sơn Đoòng vào Top 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới...

Với nỗ lực chuyển đổi số, các địa phương và doanh nghiệp du lịch Việt đã góp phần mang đến một diện mạo mới, hiện đại, văn minh và xanh hóa ngành công nghiệp không khói, phù hợp với xu hướng phát triển mới hậu đại dịch. Với xu hướng này, ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam và Nam Thái Lan của Booking.com, cho biết thúc đẩy tương lai du lịch thông qua công nghệ và sáng tạo đòi hỏi một cách tiếp cận 3 hướng: cam kết kiên định đối với du lịch bền vững, tầm nhìn xa về các chuyến đi có tính kết nối và liên tục theo đuổi quy trình đặt phòng dễ dàng, an toàn hơn. 

“Một ví dụ là chương trình du lịch bền vững của chúng tôi với quy mô toàn cầu nhằm cung cấp thông tin cho du khách mong muốn đưa ra những lựa chọn du lịch bền vững hơn. Hiện chúng tôi có hơn 500.000 cơ sở lưu trú trên toàn cầu được công nhận vì những nỗ lực phát triển bền vững và được gắn huy hiệu Du lịch bền vững, trong đó có hơn 5.000 nơi tại Việt Nam”, ông Varun Grover nói.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày