Phát triển bền vững

Châu Á- Thái Bình Dương có thể bị thiệt hại đến 24% GDP vì biến đổi khí hậu

Ngọc Thủy Thứ Sáu | 26/01/2024 16:49

Mặc dù châu Á - Thái Bình Dương đã tiếp tục có những nỗ lực khử cacbon trong năm 2022, nhưng tốc độ khử cacbon hiện tại vẫn chưa đạt mức cần thiết.

Châu Á - Thái Bình Dương, gồm cả Việt Nam là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng nằm trong tâm điểm của khủng hoảng khí hậu.
Mặc dù châu Á - Thái Bình Dương đã tiếp tục có những nỗ lực khử cacbon trong năm 2022, nhưng tốc độ khử cacbon hiện tại vẫn chưa đạt mức cần thiết.

PwC mới công bố Báo cáo chỉ số kinh tế Net Zero lần thứ 15, một chỉ số thường niên về tiến độ giảm phát thải CO2 liên quan đến năng lượng và khử cacbon tại các nền kinh tế. 

Theo đó, châu Á - Thái Bình Dương (*) là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 3,9% (cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 3,5%). Tuy nhiên, khu vực này cũng nằm trong tâm điểm của khủng hoảng khí hậu, về cả khía cạnh làm gia tăng phát thải các-bon (với lượng phát thải chiếm gần một nửa tổng số phát thải toàn cầu) và về việc phải hứng chịu các tác động vật lý của biến đổi khí hậu như các khu vực khác trên thế giới.

Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng của khu vực, nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ tác động của biến đổi khí hậu. Trong kịch bản phát thải cao, nếu không có các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu kịp thời thì khu vực này có thể thiệt hại đến 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tính đến năm 2100.

Mặc dù châu Á - Thái Bình Dương đã tiếp tục có những nỗ lực khử cacbon trong năm 2022, nhưng tốc độ khử cacbon hiện tại vẫn chưa đạt mức cần thiết. Cụ thể, tốc độ giảm cường độ phát thải cacbon của khu vực trong năm 2022 đạt mức 2,8%, tăng hơn gấp đôi so với mức 1,2% vào năm 2021 nhưng con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 17,2% cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Những con số này cho thấy một bức tranh đáng quan ngại. Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi về mặt chính sách và thị trường, nhất là trong bối cảnh thế giới đang chuyển sự chú ý từ năng lượng tái tạo và xe điện sang các hành động giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu đa dạng hơn, hướng tới giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, môi trường xây dựng và các ngành công nghiệp.

(*) Các nền kinh tế được bao gồm trong chỉ số của khu vực Châu Á Thái Bình Dương: Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Pakistan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày