Phát triển bền vững

Giờ G chế tài tái chế

Nguyễn Mai Thứ Sáu | 08/12/2023 07:30

Thu gom và xử lý vỏ ộp sữa. Ảnh: TL

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực từ đầu năm 2024 đưa hoạt động tái chế rác thải vào chế tài đối với doanh nghiệp.
Thu gom và xử lý vỏ ộp sữa. Ảnh: TL

Công ty FrieslandCampina vừa ký thỏa thuận hợp tác cùng Công ty Giấy Đồng Tiến và Công ty Cơ khí Xây dựng Trường Thịnh với cam kết tái chế 100% rác thải bao bì tới năm 2030. Trước đó vài tháng, TH Group khởi động chiến dịch trao tặng những món quà thân thiện môi trường cho khách hàng thu gom đủ 20 vỏ hộp, không phân biệt nhãn hiệu hay nhà sản xuất, được làm sạch và gấp gọn tới cửa hàng TH True Mart để tái chế...

Có thể thấy đây là hoạt động “chạy đua” của doanh nghiệp ngành sữa trước thời hạn chủ động thực thi nghị định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR - Extended Producer Responsibility) có hiệu lực từ đầu năm sau. Để thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Chỉ tính riêng các vỏ hộp sữa, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường đến 10-15 tỉ vỏ hộp, nhưng con số thu gom và tái chế các loại vỏ đồ uống chưa đến 5%. Số lượng rác thải bao bì gia tăng nhanh chóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của con người, đe dọa sự phát triển bền vững.

 

Nghịch lý lớn là Việt Nam đang xếp thứ 4 trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, trong khi vẫn phải nhập khẩu nhựa và giấy phế liệu cho công nghiệp tái chế. Chính vì vậy, EPR được đánh giá là lực đẩy cho ngành công nghiệp tái chế khi đưa doanh nghiệp vào khuôn khổ tái chế với chế tài cụ thể. Theo ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Đồng Tiến, vỏ hộp sữa được xem là một trong những loại rác thải khó tái chế vì được tổng hợp từ nhiều loại vật liệu. Muốn tái chế phải qua nhiều công đoạn, ứng dụng dây chuyền, máy móc hiện đại để bóc tách phần của vỏ sữa. Tuy gây tác động lớn tới môi trường nhưng hiện việc tái chế hộp sữa mới chỉ dừng lại ở các dự án manh mún và rời rạc.

Thực tế này được bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc Vận hành Công ty Cổ phần Tái chế Bao bì PRO Việt Nam thuộc Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), xác nhận xử lý rác thải là một thách thức lớn của Việt Nam hiện nay. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 728.000 tấn rác thải bao bì đồ uống, gồm các loại như bao bì nhôm, nhựa, vỏ hộp sữa... Tuy nhiên, thu gom rác thải quy mô chỉ vừa và nhỏ. “Ở các tỉnh, thành hiện tại, việc thu gom của các cơ quan nhà nước mới chỉ dừng lại ở thu gom, xử lý hơn là thu gom, tái chế. Thu gom, tái chế nằm ở khối tư nhân nhưng chưa có đầu tư về công nghệ, hạn chế về hiệu quả”, bà Thanh nói.

Đặc biệt, từ thu gom tới tái chế cần một quy trình theo tiêu chuẩn nhưng Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng tái chế đạt tiêu chuẩn EPR, nhất là những nhà máy đủ khả năng tái chế các loại rác thải. Có nhiều rào cản nhà đầu tư trong lĩnh vực này do chi phí tái chế tăng cao, sản xuất không hiệu quả.

Công ty Cơ khí Xây dựng Trường Thịnh đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền hiện đại để tái chế bao bì giấy các loại, đặc biệt là bao bì giấy đựng đồ uống, tạo ra các sản phẩm giấy tái chế đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Dương Văn Hồng, Giám đốc Công ty Trường Thịnh, cho biết sẽ tạo mạng lưới thu gom bao bì giấy vỏ hộp sữa và giấy carton ở các khu dân cư, trường học; thực hiện quy trình phân loại, xử lý rác thải thu gom theo đúng quy định.

 

Các doanh nghiệp tái chế như Trường Thịnh mong muốn được hỗ trợ đủ mạnh, chính sách ưu đãi cần thiết và phù hợp để mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực tái chế. Với lực đẩy từ EPR, Trường Thịnh sẽ trở thành một trong các nhà cung cấp nguyên liệu tái chế cho Công ty Giấy Đồng Tiến -  đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam có cơ sở hạ tầng đủ năng lực để tái chế hoàn toàn vỏ hộp giấy. Trước đó, Tetra Pak và Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến có khoản đầu tư trị giá 3,5 triệu EUR vào nhà máy tái chế giấy Đồng Tiến. Dây chuyền này sẽ tăng gần gấp đôi công suất tái chế tại Đồng Tiến lên 17.000 tấn/năm.

Lãnh đạo của Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến cho biết nếu hoạt động thu gom vỏ hộp giấy tại các cơ sở và người dân hiệu quả, sẽ lan rộng ra toàn xã hội, tạo nguồn cung dồi dào cho việc tái chế vỏ hộp giấy, giúp Công ty sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn.

Trước đó, Tetra Pak và một nhóm các công ty đã sáng lập PRO Vietnam gồm 22 thành viên với các công ty như TH Group, Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina Việt Nam, La Vie, Nestlé, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, và Universal Robina Corporation... Nhóm này đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể thu gom, tái chế 100% bao bì mà các thành viên đưa ra thị trường.

Có thể thấy, các bước đi này đang thử nghiệm mô hình phát triển hệ sinh thái tái chế vỏ hộp giấy hoàn thiện để hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống đáp ứng được yêu cầu đặt ra của cơ quan quản lý. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như là một quy định bắt buộc. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự khảo sát kỹ càng, tin cậy về tỉ lệ tái chế trên thực tế để đặt ra tỉ lệ tái chế phù hợp; nếu đặt ra tỉ lệ tái chế thấp hơn thực tế thì EPR mất tác dụng, nếu cao quá so với tỉ lệ này thì không khả thi.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày