Phát triển bền vững

Thế giới chỉ có 10 quốc gia đạt chất lượng không khí tốt cho sức khỏe vào năm 2023

Nguyên Hồ Thứ Ba | 26/03/2024 16:26

Một người phụ nữ đeo khẩu trang khi đi làm trong bối cảnh sương mù và ô nhiễm dày đặc ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Một người bình thường có thể nhịn ăn trong 2 tháng, nhịn uống 3 ngày nhưng không thể sống nếu thiếu không khí trong vài phút.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang khi đi làm trong bối cảnh sương mù và ô nhiễm dày đặc ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Không khí sạch là một điều cần thiết cho cuộc sống, tuy nhiên, một phân tích mới cho thấy năm 2023, chỉ có 10 quốc gia và 9% thành phố trên toàn cầu có chất lượng không khí đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về ô nhiễm bụi mịn, hay còn được biết đến với cái tên PM2.5.

Một số nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở Trung Đông, châu Phi, Trung và Nam Á. Theo báo cáo của IQAir, một công ty công nghệ chất lượng không khí của Thụy Sĩ chuyên thu thập dữ liệu cảm biến không khí trên toàn thế giới: Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Tajikistan và Burkina Faso được xếp hạng là 5 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất vào năm 2023. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng tình hình ở châu Phi cận Sahara vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ vì chỉ 24 trong số 54 quốc gia cung cấp đủ dữ liệu. Bên cạnh đó, Polynesia thuộc Pháp, Mauritius và Iceland có ít ô nhiễm không khí nhất.

Các thủ đô có mức ô nhiễm PM 2.5 trung bình cao nhất và thấp nhất vào năm 2023. Ảnh: Bloomberg.
Các thủ đô có mức ô nhiễm PM 2.5 trung bình cao nhất và thấp nhất vào năm 2023. Ảnh: Bloomberg.

Các thủ đô có không khí tồi tệ nhất là New Delhi; Dhaka, Bangladesh; Ouagadougou, Burkina Faso; Dushanbe, Tajikistan; và Baghdad, theo IQAir. Các thủ đô có nồng độ PM2.5 thấp nhất chủ yếu nằm ở châu Đại Dương, Scandinavia và Caribe, bao gồm Wellington, New Zealand; Reykjavik, Iceland; và Hamilton, Bermuda.

Ông Glory Dolphin Hammes, Giám đốc Điều hành của bộ phận IQAir Bắc Mỹ, đơn vị đã công bố báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới hàng năm, cho biết: Một trong những dạng ô nhiễm không khí phổ biến nhất, PM2.5, đây là nguyên nhân giết chết nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác hiện có”.

Các nguồn gây ô nhiễm PM2.5 rất khác nhau, từ lò gạch ở Bangladesh đến khai thác mỏ ở Mỹ Latinh. Nhưng nguồn áp đảo nhất vẫn là việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí ngoài trời, chủ yếu do PM2.5 gây ra, là nguyên nhân gây ra cái chết sớm của hơn 4 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Một phân tích riêng do nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Hóa học Max Planck ở Đức cho thấy, nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây ra 65% số ca tử vong đó.

Ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 có liên quan đến việc tăng tỉ lệ đau tim và đột quỵ, đồng thời có thể gây ra hiện tượng được gọi là căng thẳng oxy hóa, về cơ bản, căng thẳng sẽ làm tổn thương các tế bào của cơ thể nhanh hơn. Căng thẳng oxy hóa có liên quan đến nhiều loại bệnh khác nhau, từ bệnh Parkinson đến ung thư. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với PM2.5 cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

Nồng độ PM2.5 trung bình vào năm 2023. Mức độ cao hơn cho thấy chất lượng không khí kém hơn. Ảnh: IQAir.
Nồng độ PM2.5 trung bình vào năm 2023. Mức độ cao hơn cho thấy chất lượng không khí kém hơn. Ảnh: IQAir.

Hiểu được chất lượng không khí ngoài trời có thể giúp giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như hạn chế tập thể dục ngoài trời khi mức PM2.5 cao, đeo khẩu trang có độ lọc tốt như N95, KF94, KN95, hoặc sử dụng bộ lọc HEPA khi ở trong nhà.

Mặc dù kết luận chung của báo cáo là tiêu cực nhưng nó cũng lưu ý một số điểm sáng. Ví dụ, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong 2 thập kỷ qua, sau khi được xem là một trong những khu vực có chất lượng không khí kém nhất. Chile, mặc dù phải đối phó với khói từ cháy rừng vào tháng 2 năm ngoái, nhưng đã báo cáo mức ô nhiễm PM2.5 giảm 15% kể từ năm 2022 và nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm của Nam Phi cũng giảm ở mức tương tự.

Điều đáng rút ra lớn nhất, Dolphin Hammes cho biết, không chỉ là tình trạng ô nhiễm PM2.5 đang ở mức cao nguy hiểm mà nó còn lan tỏa trên diện rộng, hay còn được gọi là ô nhiễm xuyên biên giới. Hướng gió của một nước cũng có thể có tác động rất lớn đến chất lượng không khí địa phương, chẳng hạn như nhờ hướng gió, nhiều quốc gia ở Caribe có chất lượng không khí tốt hơn nơi khác. Mặt khác, Hàn Quốc từ lâu đã phải đối mặt với mức độ ô nhiễm PM2.5 cao do gió mang loại ô nhiễm này đến từ các nhà máy điện đốt than ở miền Bắc Trung Quốc. Khi biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, tình trạng ô nhiễm cũng đang gia tăng.

Ông Dolphin Hammes cho biết: “Chúng tôi thấy Canada là nguồn gây ô nhiễm PM2.5 chính ở Mỹ, chỉ vì các vụ cháy rừng nghiêm trọng trong năm ngoái. Và những cơn gió đã phân phối nó khắp nước Mỹ, đến nhiều thành phố ở vùng Đông Bắc và Trung Tây”.

Có thể bạn quan tâm:

Giới trẻ Trung Quốc chọn xổ số để đối mặt với nỗi lo kinh tế

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày