Phát triển bền vững

Thị trường bất động sản đang phát triển theo hướng bền vững

Thành Đạt Thứ Sáu | 05/01/2024 14:52

Ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên Gamuda Land Vietnam

Nếu như xe điện tạo ra cuộc cách mạng di chuyển xanh, bất động sản bền vững tạo ra trào lưu sống xanh.
Ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên Gamuda Land Vietnam

Phát triển đô thị bền vững được dự báo trở thành xu hướng trong năm 2024. Gamuda Land là một trong những nhà phát triển bất động sản vận dụng ESG vào phát triển dự án.

Chia sẻ với NCĐT, ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên Gamuda Land Vietnam, cho biết cách đây 15 năm khi bắt đầu phát triển dự án Celadon City, Gamuda Land đã đặt nặng yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công dù lúc đó khái niệm ESG còn rất mờ nhạt.

Ông có thể đánh giá tầm quan trọng của ESG trong kế hoạch phát triển của Gamuda Land?

Trong Kế hoạch Xanh Gamuda, chúng tôi đặt mục tiêu cắt giảm 40% phát thải carbon vào năm 2040. Điều đó có nghĩa rằng những dự án chúng tôi triển khai sẽ phải thực hành các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị bền vững. Chúng tôi đặc biệt quan tâm những tiêu chí này ngay từ khâu thiết kế. Điều này có tầm quan trọng rất lớn. Chúng tôi muốn phát triển những tòa nhà với thiết kế giúp tiết kiệm năng lượng nhiều nhất có thể. 

Yên Sở Park - Gamuda City. Ảnh: Gamuda Land
Yên Sở Park - Gamuda City. Ảnh: Gamuda Land

 Cụ thể, những dự án nào sẽ được áp dụng tiêu chí này, thưa ông?

Tất cả các dự án của chúng tôi đều phải được chứng nhận xanh như EDGE hoặc LOTUS. Dự án Eaton Park, Edison Park, và tất cả các dự án mới của chúng tôi sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn để có chứng nhận xanh. Khi chúng tôi nhận được chứng nhận xanh có nghĩa là các tòa nhà của chúng tôi hoạt động rất hiệu quả. Khi phát triển dự án, bên cạnh thiết kế, chúng tôi sẽ rất chú trọng đến không gian, nước thải và năng lượng tái tạo. Gamuda Land sẽ trồng một triệu cây xanh trong các dự án do chúng tôi phát triển tại Việt Nam.

Một điều nữa chúng tôi muốn làm là số hóa, vì chúng tôi tin rằng khi thực hiện số hóa, chúng ta sẽ có thể giảm phát thải hiệu quả và tốt cho môi trường. Vì vậy, tất cả các dự án của chúng tôi sẽ phải áp dụng quy trình BIM để kiểm soát chi phí và xây dựng kế hoạch vốn cho công trình. Từ đó, chúng tôi sẽ hạn chế tối đa lãng phí trong quá trình xây dựng.

Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch xanh hóa chuỗi cung ứng, vì chúng tôi cho rằng, công tác xây dựng cũng gây ra nhiều tác hại cho môi trường. Vì vậy, điều chúng tôi đang cố gắng thực hiện là sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường nhất có thể. Và dĩ nhiên nhà thầu chúng tôi chọn phải tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường. Nhà thầu được chọn phải được chứng nhận ISO 14.000. Có rất nhiều việc chúng tôi cần phải làm để đạt được mức giảm phát thải 40%. Vì vậy, đây không chỉ là một vài việc mà là rất nhiều việc chúng tôi cần phải làm.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững sẽ tốn kém. Ông có nghĩ lợi nhuận của Gamuda Land sẽ giảm?

Nếu chúng ta lên kế hoạch sớm thì tôi nghĩ mức độ ảnh hưởng đến chi phí sẽ không nhiều. Ví dụ, nếu khâu thiết kế làm tốt, thì chúng ta sẽ có nhiều ánh sáng và gió trong tòa nhà hơn. Những điều này hoàn toàn có thể được thực hiện trong giai đoạn thiết kế. Vì vậy, nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện những điều này ở khâu thiết kế thì chi phí thi công hay vận hành sẽ không cao.

Công trình xanh có thể tốn thêm 5% -10% chi phí, nhưng chắc chắn mọi người thấy rằng nhiều người có xu hướng trả thêm tiền để có sản phẩm xanh, tuân thủ ESG. Giá bán sẽ có thể cao hơn khi tư duy của người mua nhà đã thay đổi. Họ sẵn sàng chi thêm một khoản tiền cho mục đích bảo vệ môi trường. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc Gamuda Land phát triển bất động sản xanh.

Giống như ô tô điện, cả thế giới hiện đang nói về ô tô điện. Trong thiết kế dự án, chúng tôi phải đáp ứng yếu tố bền vững để đáp ứng nhu cầu sống theo tiêu chí bền vững của khách hàng.

Ở Malaysia, việc áp dụng ESG vào thị trường bất động được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ở Malaysia, ESG đã đi được một quãng đường khá dài, bởi vì các công ty niêm yết ở Malaysia bắt buộc phải báo cáo về ESG. Vì vậy, các công ty phải báo cáo những gì họ đã làm cho ESG. Tôi nghĩ rất sớm thôi, Việt Nam cũng sẽ phải làm điều tương tự. Các công ty Việt Nam sẽ phải báo cáo về ESG vì đây là một phần rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh.

Hãy nhìn vào hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, chúng ta thực sự cần phải làm điều đó. Hà Nội lạnh quá, một phần do biến đổi khí hậu. Tuần trước trời vẫn còn rất nóng, rồi đột nhiên trở lạnh. Bây giờ nhiệt độ khoảng 11-12 độ. Ở Hàn Quốc, Seoul âm 13 độ, năm lạnh nhất. Thời tiết càng trở nên khắc nghiệt.

Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện COP28 và dường như chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc và quyết tâm thực hiện mục tiêu này. Tôi nghĩ sắp tới sẽ có nhiều chính sách về ESG và cũng có nhiều quy tắc ESG buộc các nhà phát triển bất động sản phải tuân thủ.

Công viên sinh thái 16.4 ha tại Celadon City. Ảnh: Gamuda Land
Công viên sinh thái 16.4 ha tại Celadon City. Ảnh: Gamuda Land

Gamuda Land đã quan tâm đến ESG khi chuẩn bị triển khai dự án Celadon City cách đây 15 năm?

Trước khi ESG trở thành một từ khóa phổ biến như hiện nay, Gamuda Land đã thực hành các tiêu chí phát triển bền vững rất tốt, vì chúng tôi tin vào quy luật cho - nhận của môi trường. Đến bất cứ nơi nào, chúng tôi đều muốn làm cho nơi đó trở nên tốt hơn. 

Nếu có cơ hội đến các khu đô thị của Gamuda Land ở Malaysia và Việt Nam, mọi người sẽ thấy chúng tôi đã rất cố gắng cải thiện điều kiện sống ở những nơi đó. Công viên Yên Sở ở Hà Nội là một ví dụ. Công viên nằm ở cuối hạ lưu của một con sông và có rất nhiều cống xả nước thải. Khi phát triển dự án tại đây, chúng tôi xây nhà máy xử lý nước thải và sau đó môi trường tại đây được cải thiện. Giờ đây, công viên Yên Sở là một trong những môi trường sống được ưa thích nhất Hà Nội.

Chúng tôi làm những điều này không phải vì ESG mà vì triết lý kinh doanh của chúng tôi. Một trong những khẩu hiệu của chúng tôi là tôn trọng thiên nhiên và môi trường. Ở Celadon City cũng vậy, trước khi chúng tôi đến, đó là vùng đất trồng bị bỏ hoang. Không ai muốn đến đó sống. Khi chúng đến, chúng tôi trồng cây. Chúng tôi đã trồng hơn 2.000 cây ở dự án này. Và hiện tại, đây là một trong những nơi đáng sống nhất TP.HCM.

Để hoàn thành mục tiêu trồng một triệu cây xanh tại Việt Nam, Gamuda Land triển khai kế hoạch phát triển quỹ đất tới đâu rồi, thưa ông?

Trong 5 năm tới, tập đoàn đặt mục tiêu đạt được doanh thu hàng năm 8 tỉ ringgit (1,7 tỉ USD). Thị trường Việt Nam dự kiến đóng góp một nửa số đó. Tại thị trường này, chúng tôi kỳ vọng đạt doanh thu 4 tỉ ringgit trong 5 năm. 

Để làm được điều này, chúng tôi cần mua lại rất nhiều dự án, và dĩ nhiên chúng tôi ưu tiên phát triển dự án ại TP.HCM, Hà Nội, và Bình Dương. Trong hai năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mua lại khoảng sáu đến tám dự án để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. 

Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch triển khai dự án tại Long An và Đồng Nai. Có khoảng 60% dự án của chúng tôi sẽ tập trung ở TP.HCM và 40% tại Hà Nội.

Gần đây, chúng tôi bàn giao căn hộ của mình tại Celadon City. Năm 2023, chúng tôi đã bàn giao 15 block căn hộ. Chúng tôi cũng bắt đầu triển khai các dự án tại Bình Dương và dự án Eaton Park tại thành phố Thủ Đức.

Việt Nam vẫn là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn. Chúng tôi có dự án ở Anh, Singapore, Úc và Malaysia, Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn thấy Việt Nam là một trong những thị trường rất hấp dẫn. Về doanh thu, Việt Nam đang là thị trường có mức đóng góp rất cao trên toàn hệ thống. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày