Phong Cách Sống

Để không còn nỗi lo botulinum

Kim Thuỳ Thứ Sáu | 18/09/2020 13:30

Ảnh: Vietbao.vn

Vụ ngộ độc do sử dụng pate minh chay đã gióng hồi chuông cảnh báo về việc kiểm soát an toàn thực phẩm.
Ảnh: Vietbao.vn

Sự việc ngộ độc hàng loạt do sử dụng thực phẩm có nhiễm độc tố Botulinum gần đây đang trở thành mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt khi nhu cầu thực phẩm đóng hộp gia tăng trong đại dịch.

Theo khảo sát của Nielsen về hành vi lưu trữ thức ăn tại nhà của người Việt Nam, trong giai đoạn đại dịch bùng phát đợt 1, nhu cầu về thực phẩm chế biến đã tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, thủy sản đông lạnh, đóng hộp tăng 40%; xúc xích, pate tiệt trùng, thịt đóng hộp 19%, còn lại là các dòng sản phẩm rau, củ, quả, nước uống đóng hộp tăng 36%. Tỉ lệ mua sắm qua mạng tăng trên 25%.

Ngành sản xuất và đóng hộp thực phẩm đã hưởng lợi từ đại dịch khi nhu cầu tích trữ tăng mạnh, song đi kèm đó là sự chủ quan trong việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, nhất là việc mua thực phẩm chế biến sẵn qua mạng như vụ ngộ độc Botulinum do sử dụng pate Minh Chay vừa qua. “Với liều 0,004 μg/kg cân nặng, nó sẽ giết chết một người trưởng thành. Chỉ cần 1 kg Botulinum đủ giết chết 1 tỉ người”, Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, chia sẻ.

Ảnh:nongnghiep.vn
Ảnh:nongnghiep.vn

Botulinum là chất độc xâm nhập trực tiếp vào các tế bào thần kinh, rồi ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Những triệu chứng ngộ độc Botulinum thường không xuất hiện ngay lúc xâm nhập vào cơ thể mà sẽ khởi phát bệnh trong khoảng 12-36 giờ thậm chí trên 10 ngày sau đó, làm cho các cơ bị tê liệt, gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, khiến chi phí điều trị loại độc này vô cùng đắt đỏ và không dễ tìm. Để cứu chữa những bệnh nhân bị ngộ độc nặng vì sử dụng pate Minh Chay, Bệnh viện Bạch Mai phải nhờ đến sự can thiệp, hỗ trợ của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Chống độc Ramathibodi tại Bangkok (Thái Lan) để mang về kịp thời 2 lọ thuốc giải độc với giá 16.000 USD do WHO viện trợ. Hậu quả sẽ rất khó lường nếu loại độc này không được phát hiện và ngăn chặn.

 

“Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum thường chỉ xảy ra với các loại thực phẩm đóng kín trong môi trường thiếu không khí như hộp, lon, chai, bao, túi, trong khi điều kiện sản xuất bị nhiễm bẩn và môi trường bên trong thực phẩm không đảm bảo để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển”, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.

Đồng quan điểm, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai, chuyên khoa Tiêu hóa Gan Mật, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết có 2 nguồn nhiễm độc là qua thực phẩm và vết thương. Vi khuẩn Botulinum phổ biến trong môi trường nên có thể lây nhiễm qua các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt là các loại thực phẩm đóng hộp như sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí.

Xét yếu tố dinh dưỡng trong thực phẩm, các loại đồ hộp vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho người dùng, nhưng hàm lượng dinh dưỡng không cao như khi thực phẩm đó được chế biến tươi sống và ăn ngay. Việc lạm dụng ăn nhiều đồ hộp và ăn thay thế các thực phẩm tươi sống khác là điều được khuyến cáo, theo chia sẻ của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

 

Nhiều nghiên cứu và ý kiến xoay quanh vụ việc pate Minh Chay đang gây bất lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nói riêng và thị thường thực phẩm đóng hộp nói chung. Tuy nhiên, đây cũng là một sự cảnh báo tới người tiêu dùng và cơ quan chức năng trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm trên mạng không kiểm tra được thành phần, nguồn gốc. Không ăn thực phẩm đóng hộp nếu hộp đựng của nó bị phồng lên hoặc nếu thực phẩm có mùi hư hỏng.

Nhìn ở góc độ khác, thực phẩm đóng hộp vẫn là nhóm ngành có tiềm năng phát triển lớn. Theo GlobeNewswire, thị trường thực phẩm đóng hộp toàn cầu sẽ tăng từ mức 91,4 tỉ USD vào năm 2018 lên mức 124,8 tỉ USD vào năm 2026, trong khi theo MRFR, thị trường rau đóng hộp toàn cầu dự kiến đạt xấp xỉ 13,2 tỉ USD vào năm 2024. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, kiến thức dinh dưỡng và ý thức an toàn của người tiêu dùng là mấu chốt quan trọng để tạo ra sự phát triển bền vững chung


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày