Phong Cách Sống

Sữa thực vật có thay thế sữa bò?

Phạm Thùy Thứ Sáu | 28/02/2020 15:44

Ảnh: vnecomomy.vn.

Sự tăng trưởng nhanh của sữa thực vật đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp thực phẩm và giới khoa học...
Ảnh: vnecomomy.vn.

C ác loại sữa thay thế có nguồn gốc từ thực vật được làm từ sữa đậu nành, hạnh nhân, dừa, yến mạch và gạo ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, sữa từ thực vật vẫn chưa thể thay thế sữa bò ít nhất là trong vài thập niên tới.

Ngày nay, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra giá trị dinh dưỡng của sữa bò không thật sự tốt như mong đợi. Sữa bò không ngăn được loãng xương. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ, Anh và Thụy điển là 3 quốc gia tiêu thụ sữa bò nhiều nhất cũng là 3 quốc gia có tỉ lệ loãng xương cao nhất. Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sữa bị nhiễm nhiều chất từ hormone tự nhiên vốn có trong bò, khi những hormone này được đưa vào cơ thể người, sự rối loạn hormone sẽ gây dậy thì sớm ở trẻ nhỏ. Trên thực tế, tiêu thụ sữa tại Mỹ đã sụt giảm trong nhiều năm qua. Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ năm 1996-2016, tiêu thụ sữa ở quốc gia này giảm tới 25%.

 

Một nghiên cứu của nhóm nhà dịch tễ học dinh dưỡng tại Đại học Đông Phần Lan đã tìm thấy mối liên hệ giữa lượng sữa và bệnh tim do hàm lượng chất béo bão hòa của sữa. Các nhà nghiên cứu đã chia những người tham gia thành 4 nhóm dựa trên lượng sữa họ uống và thấy rằng “chỉ những người uống nhiều nhất - gần một lít mỗi ngày - có nguy cơ mắc bệnh tim có thể là do những người uống quá nhiều sữa không có chế độ ăn uống lành mạnh”, Jyrkia Virtanen, đại diện nhóm, cho biết.  Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ béo phì tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ qua khiến con người ngày càng ý thức về những gì ta ăn.

Trên thế giới, các dòng sữa “thế hệ thứ 2” đang phát triển nhanh chóng. Theo số liệu của Nielsen, ước tính thị trường sữa có nguồn gốc thực vật toàn cầu đạt 11,9 tỉ USD vào năm 2017 và sẽ tăng trưởng tới mức 34 tỉ USD vào năm 2024. Trong 4 năm qua, doanh số sữa thực vật tăng 23% tại Mỹ. “Đây không phải là xu hướng mà là sự thay đổi mô hình. Và thế hệ trẻ, những người có mối quan tâm thực sự về biến đổi khí hậu, bảo vệ động vật, đạo đức trong sản xuất thực phẩm, chính là người dẫn dắt cuộc chơi này vì họ sẽ thừa hưởng tất cả lợi ích từ chúng. Doanh số bán sữa thay thế sẽ vượt qua sữa truyền thống có thể là 10, 15 hoặc 20 năm nữa”, ông Toni Petersson, CEO Công ty Oatly chuyên sản xuất sữa yến mạch ở Thụy Điển, nhận định.

Nhưng các số liệu thống kê doanh thu ngành sữa thế giới lại nói một câu chuyện khác. Theo báo cáo năm 2018 của Mạng nghiên cứu sữa (IFCN), sản lượng sữa toàn cầu đã tăng lên hằng năm, dự kiến nhu cầu sữa sẽ tăng 35% vào năm 2030 lên 1.168 triệu tấn, cho thấy tiêu thụ sữa tươi không có dấu hiệu chậm lại. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các nước đang phát triển, nơi nhiều người tiêu dùng đang làm quen với sữa.

Ở Việt Nam, tiềm năng tiêu thụ sữa còn rất lớn và tăng dần qua các năm. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhấn mạnh, mặc dù mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam đạt gần 19 lít vào năm 2018, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với các nước châu Á khác. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Virac, tính đến cuối tháng 3.2019, doanh thu tiêu thụ sữa nước tại Việt Nam tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018, tốc độ tăng trưởng kép ngành đạt 20,9% mỗi năm.

Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đã được quy hoạch phát triển theo hướng đa sản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 cùng nhiều cơ chế, chính sách đổi mới nhằm giúp các doanh nghiệp trong ngành phát triển và tăng sự cạnh tranh khi hội nhập quốc tế. “Một thách thức mang tính xu hướng mà các doanh nghiệp ngành sữa cần vượt qua là thói quen của người tiêu dùng thay đổi trong những năm gần đây, như xu hướng ăn uống ở ngoài và tiêu thụ sữa hạt”, các chuyên gia của SSI cho biết thêm.

Không khó nhận ra sự thay đổi đa dạng các dòng sữa thực vật mới trên kệ sữa tại các siêu thị lớn ở Việt Nam. Sự gia tăng phổ biến đối với các sản phẩm sữa thay thế có nhiều nguồn khác nhau như giảm niềm tin vào sự thần kỳ của sữa bò, ngày càng nhiều người quan tâm đến động vật hoặc tình hình môi trường nguy hiểm của việc sản xuất sữa truyền thống.

 

Nhưng hiện tại, chưa có một nghiên cứu nào đưa ra kết luận chắc chắn rằng sữa từ thực vật có thể thay thế được sữa động vật để bổ sung dinh dưỡng cho con người. Theo dược sĩ Trương Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Nhi khoa Hà Nội, sữa động vật cung cấp đủ axit amin tương thích với cơ thể trẻ em tốt hơn là sữa hạt. Sữa hạt không thể thay thế được sữa động vật. Sữa thực vật chỉ là một sản phẩm bổ sung hằng ngày với mục đích thay đổi khẩu vị, bổ sung canxi và thêm một số thành phần khoáng chất quan trọng và trong những trường hợp đặc biệt trẻ bị bất dung nạp đường sữa hoặc dị ứng sữa bò. Còn với người lớn, hệ tiêu hóa đã hoàn thiện thì các loại sữa hạt không cholesterol và ít chất béo bão hòa, lại giàu protein và vitamin sẽ là thực phẩm xanh đáng cân nhắc.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày