Tài Chính

Cổ phiếu phân bón ra sao khi Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu urê?

Nhật Lệ Thứ Ba | 12/09/2023 14:12

Nhiều doanh nghiệp ngành phân bón được dự báo hưởng lợi. Ảnh: TL.

Nhóm cổ phiếu ngành phân bón những phiên vừa qua đã gây được sự chú ý với sắc tím lan tỏa.
Nhiều doanh nghiệp ngành phân bón được dự báo hưởng lợi. Ảnh: TL.

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này ghi nhận đà tăng khá tích cực chỉ trong thời gian ngắn. Thống kê của NCĐT trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9 (4-8/9), nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã đạt mức tăng rất ấn tượng. Nhiều cổ phiếu như PSE, LAS đạt mức tăng hơn 11% về thị giá chỉ trong 4 phiên giao dịch. Hay như cổ phiếu DPM, DCM cũng tăng hơn 9%  và những cổ phiếu khác cũng tăng bình quân từ 5-7%. 

Nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã có những diễn biến rất tích cực trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9.
Nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã có những diễn biến rất tích cực trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9.

Theo góc nhìn của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê trong bối cảnh nhu cầu từ Ấn Độ tăng cao sẽ hỗ trợ giá urê trong thời gian tới. Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng lúa để giải quyết tình trạng thiếu gạo do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Lúa là cây trồng nhiều nhất ở Ấn Độ. Giá gạo đã tăng 34% so với đầu năm do nguồn cung giảm do ảnh hưởng El Nino.

Giá urê Việt Nam đã bắt kịp đà tăng mạnh của giá urê trên thị trường quốc tế. Nguồn: SSI Research.
Giá urê Việt Nam đã bắt kịp đà tăng mạnh của giá urê trên thị trường quốc tế. Nguồn: SSI Research.

Ngoài gạo, nguồn cung đường cũng bị ảnh hưởng bởi El Nino, khiến Ấn Độ phải tăng cường diện tích trồng trọt. Vì vậy, Ấn Độ sẽ cần urê để tăng diện tích trồng lúa và mía trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng. Số liệu từ SSI Research, Ấn Độ chiếm 17% tổng sản lượng urê nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023. Do đó, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê sẽ hỗ trợ giá phục hồi đối với các doanh nghiệp sản xuất urê toàn cầu ngoài Trung Quốc trong thời gian tới. 

 

Trên thị trường quốc tế, giá xuất khẩu urê tại Ai Cập và Trung Đông tăng 46% so với mức đáy vào tháng 6 và tháng 7, trong khi giá urê tại Biển Đen tăng 31%, giá urê tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn (tăng lần lượt là 27% và 18%). Giá urê trung bình ở Việt Nam đã tăng 25% so với mức đáy, cùng với sự phục hồi giá urê của các nước lân cận (như Trung Quốc và Indonesia). 

Tính từ tháng 8, giá urê tại Ai Cập và Trung Đông dao động từ -7% đến +3%, giá urê Trung Quốc tăng 11%, trong khi giá urê tại Việt Nam tăng 20%. Điều này cho thấy giá urê Việt Nam đã bắt kịp đà tăng mạnh của giá urê trên thị trường quốc tế.

“Doanh nghiệp được hưởng lợi là các doanh nghiệp xuất khẩu urê như DPM và DCM. Chúng tôi ước tính sản lượng xuất khẩu của DPM và DCM sẽ chiếm khoảng 14% và 31% sản lượng tiêu thụ urê. Giá urê trong nước cũng sẽ tăng theo đà tăng giá urê quốc tế”, SSI Research nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Thắng bại trong lạm phát


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày