Tài Chính

Đỉnh nào cho VN-Index?

Vũ Hoài Thứ Hai | 12/07/2021 09:02

Theo FiinGroup, mặc dù đã tăng mạnh gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có mức định giá rất hấp dẫn về trung hạn. Ảnh: Quý Hoà

Ngay sau khi vượt đỉnh 1.200 điểm, thị trường tiếp tục chinh phục những vùng giá mới.
Theo FiinGroup, mặc dù đã tăng mạnh gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có mức định giá rất hấp dẫn về trung hạn. Ảnh: Quý Hoà

Kể từ đầu tháng 4.2021, dưới sự dẫn dắt của dòng tiền nội, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm một cách thuyết phục.  Ngay sau khi vượt đỉnh 1.200 điểm, thị trường tiếp tục chinh phục những vùng giá mới và chính thức vượt mốc 1.300 điểm vào cuối tháng 5.2021. Lũy kế từ đầu năm đến nay (23.6), chỉ số VN-Index đã tăng hơn 24,7%, khiến nhiều người lo ngại thị trường tăng nóng.

Trong báo cáo được công bố mới đây, FiinGroup cho biết P/E hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 18,6x và P/E tương lai (forward) ở mức 17,8x dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 20,7% của khối doanh nghiệp phi tài chính và 23,8% của các ngân hàng cho năm 2021 và mức 33,4% nói chung cho cả năm 2022.

Theo FiinGroup, mặc dù đã tăng mạnh gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có mức định giá rất hấp dẫn về trung hạn trong mối tương quan với triển vọng lợi nhuận năm 2021 và 2022. Nhìn rộng hơn, FiinGroup cho rằng định giá P/E chưa ở mức quá cao trong bối cảnh tiền rẻ và dư thừa cung tiền, nhu cầu đầu tư tăng cao của người dân như cứu cánh làm giàu. 

Mức định giá hiện nay của VN-Index không chỉ được hỗ trợ bởi mức định giá trên cơ sở tương quan triển vọng tăng trưởng cao về lợi nhuận mà còn về quy mô và độ sâu của thị trường thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn năm 2007. Ở thời điểm cuối quý I/2007, P/E ở mức 31,4x và P/B lên tới 8,9x.

Trong kịch bản cơ sở, Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo tăng trưởng EPS năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết đạt 28%, thấp hơn mức lạc quan của thị trường là 30%. Với đà tăng giá mạnh mẽ, sự lạc quan của thị trường và sự gia tăng thanh khoản đáng kể, Mirae Asset kỳ vọng vào kịch bản lạc quan nhất là VN-Index sẽ chinh phục ngưỡng 1.500 điểm trong năm nay.

Theo Mirae Asset, động lực tăng điểm của thị trường đến từ sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh. 

Thêm vào đó, động lực chính vẫn đến từ dòng tiền “rẻ”, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, Mirae Asset kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, nhờ đó thanh khoản trên thị trường sẽ tiếp tục dồi dào. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống mới với công suất lớn hơn cũng được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng nhằm giảm bớt những rủi ro hệ thống.

Mặc dù có nhiều động lực để hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong thời gian tới, nhưng thời gian kiểm soát được dịch bệnh càng chậm, rủi ro đối với nền kinh tế chung và thị trường chứng khoán nói riêng càng tăng. Theo Mirae Asset, trong kịch bản xấu, giãn cách xã hội phải kéo dài, kết quả kinh doanh quý II/2021 của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. 

Thêm vào đó, việc chỉ số giao dịch ở vùng giá cao như hiện tại cũng khiến nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Bằng chứng là thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã sụt giảm trong những phiên gần đây (22.6 và 23.6), ghi nhận giá trị giao dịch khớp lệnh ở sàn HOSE dưới 20.000 tỉ đồng.

Chia sẻ với NCĐT, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lý giải trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong nước, tâm lý nhà đầu tư dần trở nên thận trọng khi các yếu tố ngoại biên diễn biến phức tạp, liên quan đến diễn biến lạm phát và các tín hiệu về việc đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kéo theo đó là diễn biến suy yếu của thanh khoản thị trường chung.

Dù vậy, trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2021 đang đến gần với triển vọng tăng trưởng ở mức cao so với mức nền thấp cùng kỳ, ông Đức Anh kỳ vọng xu hướng thị trường chung sẽ tích cực hơn trong thời gian tới khi các biến số lạm phát, tỉ giá và lãi suất trong nước vẫn duy trì ổn định. “Mốc cản 1.400 điểm của VN-Index nhiều khả năng cũng sẽ sớm được chinh phục”, ông Đức Anh nhận xét.

Nếu như nửa đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép đã dẫn sóng, thì đối với phần còn lại của năm, đâu sẽ là những nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể “chọn mặt gửi vàng”? Theo đại diện KBSV, trong phần còn lại của năm, các nhóm ngành tiềm năng dẫn dắt xu hướng thị trường có thể chia làm 2 nhóm.

Nhóm đầu tiên là nhóm ngành đã tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm và tiềm năng duy trì tốc độ tăng giá tốt trong phần còn lại của năm nhờ nền tảng cơ bản tiếp tục được cải thiện, lợi nhuận bứt phá như ngân hàng, chứng khoán, thép.

Nhóm thứ 2 là nhóm được kỳ vọng hưởng lợi từ các chuyển biến vĩ mô trong nước và trên thế giới như dầu khí (kỳ vọng giá dầu tăng), dệt may, thủy sản, gỗ (kỳ vọng hưởng lợi từ việc các đối tác thương mại lớn mở cửa nền kinh tế), logistics, cảng biển (kỳ vọng các hoạt động thương mại sôi động trở lại).


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày