Tài Chính

Đìu hiu cổ phiếu lên sàn

Minh Đức Thứ Tư | 27/07/2022 07:30

Nửa đầu năm 2022, VN-Index giảm tới 20%. Ảnh: Quý Hòa

Triển vọng kém lạc quan của thị trường chứng khoán khiến nhiều doanh nghiệp e dè lên sàn.
Nửa đầu năm 2022, VN-Index giảm tới 20%. Ảnh: Quý Hòa

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), nửa đầu năm 2022, VN-Index giảm tới 20%, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất thấp nhất thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt trong quý II, thị trường chứng khoán đã chứng kiến đợt giảm mạnh, khiến chỉ số để mất mốc 1.200 điểm sau nhiều năm nỗ lực. 

Khép lại 6 tháng, vốn hóa toàn thị trường tương ứng giảm hơn 1,22 triệu tỉ đồng (53,3 tỉ USD), trong đó sàn HOSE đã mất 1,08 triệu tỉ đồng (49,6 tỉ USD). Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE trong tháng 6/2022 chỉ đạt 13.182 tỉ đồng, thấp nhất trong 1 năm trở lại đây và giảm 57% so với đỉnh ghi nhận vào tháng 11/2021 với gần 31.000 tỉ đồng/phiên.

 

Sự sụt giảm này đến từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư cá nhân sau những nhịp chỉnh sâu, giữa lúc thị trường chứng khoán quốc tế và kinh tế vĩ mô toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Không chỉ các nhà đầu tư, triển vọng kém lạc quan của thị trường chứng khoán cũng khiến nhiều doanh nghiệp chần chừ lên sàn. Từ đầu năm đến nay, HOSE và HNX đều không có cổ phiếu mới nào niêm yết. Tính đến ngày 13/7, danh sách công ty nộp hồ sơ niêm yết được cập nhật trên website của HOSE cũng chỉ có 9 doanh nghiệp, với khối lượng đăng ký chưa tới 1,3 tỉ cổ phiếu.

Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân, không ít doanh nghiệp đã hủy hay hoãn lên sàn. Chẳng hạn, đến giữa tháng 5,  Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) gia hạn thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu trên HOSE đến năm 2025. Lý do hoãn niêm yết được Hội đồng Quản trị doanh nghiệp này đưa ra là điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khi niêm yết sẽ không thuận lợi. Hay lãnh đạo Công ty Sơn Á Đông (mã ADP) cũng đã xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết đã nộp tại HOSE với lý do “để kiện toàn hồ sơ cần thiết theo quy định của HOSE”. 

 

Trong bối cảnh thị giá lao dốc mạnh khi hàng loạt lãnh đạo rơi vào vòng lao lý, Louis Capital (mã TGG) đã công bố hủy phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Ngay cả một số ngân hàng đang giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM đã thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung như ABBank, KienlongBank, Nam A Bank... nhưng đến nay cũng chưa có thông tin cụ thể.

Vắng bóng các đợt IPO và cổ phiếu mới khiến thị trường chứng khoán Việt Nam càng thiếu hàng chất lượng ngay cả thời điểm số tài khoản mở mới bùng nổ. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua, đến nay đạt gần 5,7 triệu tài khoản, chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong nước. 

Nguồn cung hàng từ cổ phần hóa, thoái vốn kỳ vọng sẽ tạo cú hích mới cho thị trường trong năm 2022. Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016-2020 đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa. Những doanh nghiệp chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn gồm nhiều thương hiệu được nhà đầu tư chờ đợi có thể kể đến như Ngân hàng Agribank, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV), Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC)...

Tuy nhiên, một thực tế là tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước nhiều năm nay thường không đạt kế hoạch đề ra. Ngoài rào cản lớn nhất là đất đai và định giá, một số doanh nghiệp không có nhiều động lực để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa.

Ảnh: Quý Hòa
 Ảnh: Quý Hòa

Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang cần thêm hàng mới để cân bằng cán cân cung - cầu, thu hút dòng vốn đầu tư thực chất và bền vững hơn. Việc tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết cũng là giải pháp để thị trường chứng khoán nâng cao tính minh bạch. Đặc biệt, mục tiêu của thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2025 có vốn hóa đạt 100% GDP, đến năm 2030 đạt 120% GDP. Việt Nam đứng trước cơ hội được thăng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Muốn vậy, ngoài tính thanh khoản, tăng cường khả năng thanh toán, thì việc thêm sản phẩm đa dạng là rất cần thiết.

Nhìn về những tháng cuối năm, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều rủi ro hiện hữu với các yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Đặc biệt, trên quy mô toàn cầu, theo Bloomberg, tính từ đầu năm 2022 tới nay, chỉ có 198 tỉ USD của các đợt IPO và các đợt bán cổ phần tiếp theo thành công, giảm 70% so với một năm trước và là mức thấp nhất của nửa đầu năm kể từ năm 2005. Trong bối cảnh này, viễn cảnh đón các cổ phiếu mới chào sàn tại Việt Nam vẫn không mấy sáng sủa.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày